BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2331 TM/TCCB | Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2001 |
Kính gửi: Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp
Phúc đáp văn bản số 42/ĐMDN ngày 30/5/2001 của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị số 20/1998/CT-TTg ngày 21/4/1998 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thương mại xin báo cáo như sau:
Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/6/1998 Bộ Thương mại đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp trực thuộc Bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đến tháng 10/1998 Bộ Thương mại đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp trực thuộc Bộ quản lý trên phạm vi cả nước.
I. Về sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp;
a) Sắp xếp doanh nghiệp:
Trong những năm qua Bộ Thương mại đã tích cực sắp xếp và đổi mới các doanh nghiệp thuộc Bộ, cụ thể là: đã nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ cho thành lập Công ty Petecinter tại Liên bang Nga để buôn bán trao đổi hàng hoá với nước Nga và các nước Đông Âu; thành lập một số công ty chuyên doanh thuộc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam như: Công ty xuất nhập khẩu Tổng hợp, Công ty xăng dầu tỉnh Quảng Ngãi, Công ty Hoá dầu, Công ty Gas (trên cơ sở tách các Xí nghiệp Gas từ các Công ty Xăng dầu khu vực).
Đã sáp nhập một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả như: Nhập Công ty Nông thổ sản 3 vào Công ty Xuất nhập khẩu - Dịch vụ - Thương mại; Công ty Vật tư Tổng hợp Khánh Hòa vào Công ty Xuất nhập khẩu 3; Công ty Vật tư Tổng hợp Bà Rịa - Vũng Tàu vào Công ty Xăng dầu Bà Rịa - Vũng Tàu; chuyển một số chi nhánh Công ty nhập vào các Công ty thương nghiệp địa phương.
Từ năm 1998 đến năm 2000 Bộ Thương mại đã cùng với Bộ Tài chính xét cấp cho một số doanh nghiệp được 13 tỷ đồng vốn và điêu động vốn, đất, nhà của những doanh nghiệp thuận lợi về vốn cho 19 doanh nghiệp có khó khăn về tài chính với giá trị trên 26 tỷ đồng.
b) Về tiến độ thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước:
- Trước năm 1999 thực hiện chuyển được 1 doanh nghiệp trực thuộc Bộ thành công ty cổ phần.
- Năm 1999 thực hiện chuyển được 5 doanh nghiệp thành công ty cổ phần.
- Năm 2000 thực hiện chuyển đổi được 7 doanh nghiệp thành công ty cổ phần.
- 5 tháng đầu năm 2001 mới chuyển được 1 doanh nghiệp thành công ty cổ phần và đang tiến hành thẩm định giá trị các doanh nghiệp trong danh sách cổ phần hoá của năm 2001.
Các doanh nghiệp được cổ phần hoá từ năm 1999 tới nay có 1 công ty trực thuộc Bộ còn đều là các đơn vị trực thuộc các Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ Thương mại.
c) Về cơ chế quản lý:
Đã xây dựng và ban hành “Quy chế giải quyết những kiến nghị của các doanh nghiệp thuộc Bộ” về các lĩnh vực: xuất nhập khẩu, kế hoạch, kinh doanh, tài chính, tổ chức cán bộ... để cho doanh nghiệp có hành lang pháp lý thông thoáng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
II. Mấy nhận xét tổng quát và kiến nghị:
a) Mấy nhận xét:
- Việc sắp xếp và đổi mới các doanh nghiệp ngành thương mại trong những năm qua đã có tác động tích cực đối với công tác quản lý và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ngành thương mại đã luôn góp phần bảo đảm nhu cầu về vật tư, nguyên nhiên liệu, máy móc, thiết bị phụ tùng , hàng hoá phục vụ sản xuất phát triển và nâng cao đời sồng của nhân dân trong nước.
- Các doanh nghiệp đã có sự chuyển đổi về tổ chức và phương thức quản lý kinh doanh, từng bước thích ứng với cơ chế mới. Nhiều doanh nghiệp đã chú ý đầu tư, tổ chức sản xuất, tạo ra hàng hoá xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, là lực lượng kinh tế của Nhà nước trong việc điều hoà cung cầu, góp phần ổn định giá cả.
- Đã kết hợp giữa sản xuất với kinh doanh, giữa kinh doanh xuất nhập khẩu gắn với kinh doanh trên thị trường nội địa, phương thức kinh doanh xuất nhập khẩu được vận dụng một cách đa dạng, linh hoạt và có hiệu quả, như tạm nhập tái xuất, liên doanh liên kết, gia công, đổi hàng, có tỷ trọng cao trong bán lẻ ở một ngành hàng thiết yếu, đóng góp nhiều cho ngân sách.
- Theo báo cáo của các doanh nghiệp, có thể còn thiếu chính xác song số doanh nghiệp có hiệu quả ngày càng tăng, số doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả có giảm, cụ thể như sau:
- Năm 1998 có 80,5% doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, còn 19,5% doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả trên tổng số 72 doanh nghiệp.
- Năm 1999 có 89% doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, còn 11% doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả trên tổng số 72 doanh nghiệp.
- Năm 2000 có 91% doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, còn 8,9% doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả trên tổng số 72 doanh nghiệp.
b) Tồn tại:
- Thương nghiệp nhà nước có số lượng lớn nhưng quy mô nhỏ, vốn ít, hoạt động trải rộng trên nhiều ngành hàng, nhiều địa bàn trên phạm vi cả nước.
- Thiếu vốn là tình trạng phổ biến của các doanh nghiệp nhà nước. Riêng các doanh nghiệp thương mại chỉ được cấp một số tài sản cố định và hàng hoá theo kế hoạch Nhà nước giao để thực hiện việc phân phối cấp phát hàng thời bao cấp, vốn lưu động quá ít, chủ yếu là vay ngân hàng và huy động từ các nguồn khác.
- Khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp còn thấp so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cùng ngành hàng, vì thiếu vốn đổi mới công nghệ và thiết bị...
c) Kiến nghị:
1. Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước là một việc mới, khó khăn phức tạp, đặc thù của loại hình doanh nghiệp thương mại thuần tuý là sản phẩm không cụ thể như các doanh nghiệp sản xuất... nhiều doanh nghiệp thương mại còn lúng túng trong quá trình xử lý công nợ, trong việc xây dựng phương án công ty cổ phần. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính ưu tiên xử lý công nợ tồn đọng ở các doanh nghiệp khi tiến hành triển khai cổ phần hoá.
2. Việc thẩm định giá trị doanh nghiệp còn chậm, làm cho doanh nghiệp được cổ phần hoá phải chờ đợi kết quả (nhất là xác định giá trị doanh nghiệp khi giảm vốn), rồi mới làm tiếp được các bước sau.
Đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu giảm bớt các thủ tục trong khâu thẩm định giá trị doanh nghiệp. Nên giao cho các Bộ, ngành quyết định giá trị doanh nghiệp nhà nước dưới mức 20 tỷ và được xác định mức vốn giảm ở các doanh nghiệp dưới mức 500 triệu đồng Việt Nam.
3. Trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước có một số doanh nghiệp có những vướng mắc, trong đó có quy định tại Khoản 2 - Điều 13 của Pháp lệnh chống tham nhũng”... cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý nghiệp vụ của doanh nghiệp, vợ, chồng, bố, mẹ, con của họ làm việc tại doanh nghiệp đó chỉ được mua cổ phần không vượt quá mức cổ phần bình quân của các cổ đông...” trong Nghị định số 44/1998/NĐ-CP ngày 29/6/1998 của Chính phủ quy định diện hẹp hơn” ...chỉ được mua cổ phần giá ưu đãi không vượt quá mức cổ phần bình quân của các cổ đông trong doanh nghiệp”.
Đề nghị Chính phủ có hướng dẫn chỉ đạo cụ thể rõ hơn. Nên có chính sách cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý doanh nghiệp được hưởng tiêu chuẩn như những người lao động bình thường để có tác động thúc đẩy nhanh thực hiện các bước cổ phần hoá doanh nghiệp.
4. Trong Điều 8 và 9 của Luật phá sản doanh nghiệp quy định: Doanh nghiệp muốn được Toà án xét việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp thì cần có đơn của tổ chức công đoàn hoặc đại diện tập thể người lao động và chủ doanh nghiệp (Tổng giám đốc, giám đốc). Đây là một quy định khó khăn đối với việc tuyên bố phá sản một doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, vì người lao động không thể tự mình ký đơn phá sản doanh nghiệp để mất việc làm.
Đề nghị Chính phủ có hướng dẫn thực hiện những điều trên thông thoáng hơn, dễ thực hiện hơn.
| KT/BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.