BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2302/BYT-AIDS | Hà Nội, ngày 04 tháng 05 năm 2017 |
Kính gửi: Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương
Truyền thông là một trong những biện pháp chủ yếu trong phòng, chống HIV/AIDS. Truyền thông không chỉ làm thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, sự lây truyền HIV và các biện pháp phòng tránh, làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS mà còn kết nối và thúc đẩy các dịch vụ về dự phòng, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, cùng như góp phần nâng cao trách nhiệm và sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tầng lớp xã hội vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, từ đó đã góp phần kiểm soát sự gia tăng dịch HIV/AIDS ở Việt Nam trong nhiều năm qua.
Trong giai đoạn tới, viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm, nguồn lực trong nước còn hạn chế, do đó các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn. Nhằm tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hướng đến mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam. Bộ Y tế, cơ quan thường trực phòng, chống HIV/AIDS đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường triển khai công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới (hướng dẫn kèm theo) và định kỳ báo cáo kết quả về Bộ Y tế.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị liên hệ Cục Phòng, chống HIV/AIDS để phối hợp giải quyết, địa chỉ: Tòa nhà Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Ngõ số 8, Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm. Hà Nội; Điện thoại: 043.736.7143; Email: vaactw@gmail.com.
Trân trọng cảm ơn.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
HƯỚNG DẪN
TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS
(Kèm theo công văn số 2302/BYT-AIDS, ngày 04 tháng 5 năm 2017 của Bộ Y tế)
I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU
A. Mục đích
Nâng cao nhận thức, kiến thức của các cấp lãnh đạo và người dân về công phòng, chống HIV/AIDS, góp phần đạt được mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng lây truyền), khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế xã hội.
B. Yêu cầu
1. Tăng cường truyền thông vận động nhằm tạo được sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng, phổ biến và thực thi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống HIV/AIDS.
2. Đa dạng hóa các hình thức và đổi mới phương thức thực hiện hoạt động truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS. Lồng ghép các hoạt động truyền thông vào các cấu phần phòng, chống HIV/AIDS bao gồm dự phòng và điều trị HIV/AIDS giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, thay đổi hành vi nguy cơ cao ở nhóm người có hành vi nguy cơ cao; quảng bá các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, thúc đẩy mọi người chủ động phòng, chống HIV/AIDS.
3. Nâng cao kiến thức và kỹ năng truyền thông cho đội ngũ những người làm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS. Sử dụng tất cả các lực lượng cộng tác viên các ban ngành, đơn vị tham gia truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong đó lấy lực lượng cán bộ y tế nói chung và y tế xã, phường, thôn bản làm nòng cốt trong triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS.
4. Tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS nhất là nguồn kinh phí địa phương, các đơn vị và doanh nghiệp cũng như lồng ghép các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS vào các chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe khác.
II. MỤC TIÊU VÀ ĐỐI TƯỢNG
A. Mục tiêu
Ngoài việc góp phần thực hiện các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%, giảm tác động của dịch HIV với phát triển kinh tế, xã hội cùng như các mục tiêu cụ thể trong từng lĩnh vực dự phòng và điều trị HIV/AIDS thì truyền thông phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn tới cần đạt được các mục tiêu sau:
- Tăng tỷ lệ người dân trong độ tuổi từ 15 đến 49 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS lên 80% vào năm 2020;
- Tăng tỷ lệ người dân không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV lên 80% vào năm 2020.
- 100% Ủy ban nhân dân các cấp có ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch, bố trí ngân sách hàng năm về công tác phòng, chống HIV/AIDS.
B. Đối tượng tiếp cận truyền thông
Truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS là cần thiết cho mọi đối tượng, tuy nhiên cần tập trung vào các đối tượng sau:
1. Đối tượng ưu tiên truyền thông
- Người nghiện ma túy;
- Người nhiễm HIV;
- Người có quan hệ tình dục đồng giới;
- Người bán dâm, mua dâm;
- Người có quan hệ tình dục với các đối tượng trên;
2. Đối tượng khác
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, bao gồm phụ nữ mang thai;
- Gia đình có người nhiễm HIV
- Người sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
- Người thuộc nhóm người di biến động;
- Lãnh đạo đảng, chính quyền địa phương các cấp.
III. NỘI DUNG VÀ HOẠT ĐỘNG
A. Nội dung
1. Các nội dung ưu tiên truyền thông đối với nhóm có hành vi nguy cơ cao và người nhiễm HIV
- Dự phòng sớm lây nhiễm HIV như tình dục an toàn, sử dụng các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV: Sử dụng bơm kim tiêm sạch, Bao cao su, chất bôi trơn và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
- Lợi ích của xét nghiệm sớm HIV định kỳ; lợi ích của tự xét nghiệm và xét nghiệm HIV tại cộng đồng
- Quảng bá tính sẵn có của các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS.
- Lợi ích tiếp cận điều trị sớm thuốc kháng vi rút; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tuân thủ điều trị thuốc kháng vi rút.
- Lợi ích, sự cần thiết và cách tham gia bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV.
2. Các nội dung ưu tiên truyền thông đối với nhóm cộng đồng người dân nói chung
- Các kiến thức cơ bản về HIV/AIDS: Nguyên nhân, đường lây truyền HIV, các đường không lây truyền HIV, các biện pháp tự dự phòng lây nhiễm HIV
- Chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
3. Các nội dung ưu tiên đối với nhóm lãnh đạo, quản lý chương trình
- Sự cần thiết đầu tư và đảm bảo tính bền vững cho chương trình phòng, chống HIV, cho điều trị HIV (thuốc ARV) và lợi ích của điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện;
- Hậu quả của đại dịch HIV/AIDS đối với sức khỏe, tính mạng con người và sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước;
- Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS.
- Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV.
B. Các hoạt động chủ yếu
1. Các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức người dân nói chung
1.1. Truyền thông đại chúng
- Tổ chức sản xuất và phổ biến các tin, bài, chương trình, chuyên đề, chuyên mục, phóng sự, phim ngắn, quảng cáo về phòng, chống HIV/AIDS ... trên các phương tiện thông tin đại chúng các cấp như Đài phát thanh truyền hình tỉnh, thành phố, Báo in, các Đài phát thanh, truyền hình huyện, thị xã cũng như hệ thống truyền thanh xã, phường.
- Sử dụng các trang thông tin điện tử của hệ thống ngành y tế và các cơ quan đơn vị như là một kênh thông tin chính thức cung cấp tin tức, kiến thức và tài liệu phục vụ cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Mở rộng truyền thông phòng, chống HIV/AIDS qua các mạng xã hội (Facebook, Fanpage....);
- Định kỳ cung cấp thông tin cho đội ngũ phóng viên viết về HIV/AIDS để định hướng và cung cấp thông tin thông qua tổ chức gặp mặt báo chí/họp báo, giao ban, tập huấn, tổ chức đi thực địa hoặc gửi thông tin trực tiếp tới các phóng viên.
- Sản xuất nhân bản các tài liệu truyền thông dưới các hình thức thích hợp chuyển cho các cơ sở cung cấp dịch vụ, các tuyên truyền viên, cộng tác viên truyền thông phòng, chống HIV/AIDS để phân phối cho các đối tượng đích.
1.2. Truyền thông trực tiếp và truyền thông nhân sự kiện
- Đào tạo về truyền thông cho cán bộ truyền thông viên các cấp (chú ý tuyến xã và thôn bản);
- Tổ chức truyền thông cá nhân và truyền thông nhóm về HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng. Lấy lực lượng y tế xã và thôn bản làm nòng cốt, giao nhiệm vụ và định kỳ kiểm tra, giám sát kết quả và hiệu quả các hoạt động truyền thông.
- Lồng ghép và đẩy mạnh truyền thông, tư vấn qua cơ sở cung cấp dịch vụ y tế nhất là các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS
- Tổ chức truyền thông nhân sự kiện, đặc biệt là Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS, Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và các sự kiện khác tại các địa phương đơn vị.
2. Các hoạt động truyền thông với nhóm người có hành vi nguy cơ cao (người sử dụng ma túy, người mua bán dâm, nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới)
- Tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông về lợi ích tiếp cận sớm các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, xét nghiệm HIV định kỳ, can thiệp giảm hại như bơm kim tiêm sạch, bao cao su, Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế thông qua tiếp cận cộng đồng (đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng/nhân viên tiếp cận cộng đồng, cộng tác viên, chú trọng lồng ghép sử dụng đội ngũ thôn bản).
- Xây dựng các chiến dịch truyền thông kết hợp với cung cấp dịch vụ như tư vấn xét nghiệm tại cộng đồng cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
3. Các hoạt động truyền thông với người nhiễm HIV
- Triển khai các hoạt động tiếp cận cộng đồng đảm bảo kết nối chuỗi cung ứng dịch vụ liên tục từ tư vấn xét nghiệm - điều trị và tuân thủ điều trị.
- Lồng ghép các hoạt động truyền thông trong hoạt động nhóm chăm sóc và hỗ trợ tại nhà và cộng đồng;
- Duy trì hoạt động kết nối dịch vụ giữa các phòng tư vấn xét nghiệm và các cơ sở khép kín - cộng đồng
- Quảng bá dịch vụ điều trị ARV, lợi ích điều trị ngay khi phát hiện nhiễm HIV qua các kênh đại chúng, website, mạng xã hội...
- Đẩy mạnh truyền thông về chăm sóc, điều trị, bảo hiểm y tế với người nhiễm HIV thông qua hoạt động của các nhóm người nhiễm, các tổ chức dựa vào cộng đồng.
4. Các hoạt động truyền thông với các nhóm lãnh đạo các cấp (vận động)
- Xây dựng và phổ biến các tài liệu vận động, tờ thông tin cho lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cam kết đầu tư cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS và tham gia các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS;
- Tổ chức các hội nghị, diễn đàn vận động chính sách với các cơ quan, ban ngành nhằm đạt được sự đồng thuận và ủng hộ cho các chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
- Ban hành các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân và cơ quan chính quyền các cấp, các ngành trong việc triển khai, tổ chức, thực hiện các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS trên các địa bàn, chú trọng các đối tượng ưu tiên và địa bàn ưu tiên;
- Phát huy vai trò của các tổ trưởng dân phố, trưởng cụm dân cư, trưởng thôn, già làng, trưởng bản, trưởng làng, trưởng ấp, trưởng phum, trưởng sóc, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các dòng họ, trưởng tộc, các chức sắc tôn giáo, người cao tuổi, người có uy tín ở cộng đồng trong việc tổ chức và vận động nhân dân tham gia các hoạt động thông tin, giáo dục phòng, chống HIV/AIDS và thực hiện đời sống văn hóa trên các địa bàn dân cư;
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Từ năm 2016, Dự án phòng, chống HIV/AIDS thuộc chương trình mục tiêu y tế dân số không bố trí kinh phí riêng cho các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS. Do vậy các địa phương cần ưu tiên bố trí nguồn kinh phí từ các nguồn sau cho chương trình truyền thông phòng, chống HIV/AIDS:
- Kinh phí sự nghiệp y tế được phân bổ cho các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe của địa phương;
- Kinh phí truyền thông từ Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020 theo phê duyệt của Chính phủ và Bộ Y tế;
- Kinh phí từ đề án đảm bảo tài chính phòng, chống HIV/AIDS của các địa phương đã được phê duyệt. Đây là nguồn kinh phí quan trọng cho các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS nhất là trong bối cảnh nguồn kinh phí quốc tế và trung ương đang cắt giảm. Đối với các tỉnh chưa hoàn thành Kế hoạch thực hiện Đề án Đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020 tiếp tục xây dựng và trình phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020 trong đó ngân sách địa phương chủ động bù đắp kinh phí thiếu hụt trong giai đoạn tới.
- Kinh phí huy động từ các doanh nghiệp cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
- Kinh phí huy động từ các dự án và nguồn hợp pháp khác.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Trên cơ sở hướng dẫn tăng cường công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và vốn đã được giao, tình hình dịch HIV, các dịch vụ phòng, chống HIV trên địa bàn, nguồn lực hiện có để triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và công tác phòng, chống HIV/AIDS có hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị liên hệ Cục Phòng, chống HIV/AIDS để phối hợp giải quyết, địa chỉ: Tòa nhà Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Ngõ số 8, Tôn Thất Thuyết, Mỹ đình 2, Nam Từ Liêm Hà Nội; Điện thoại: 043.736.7143; Email: vaactw@gmail.com./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.