BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2267/THPT | Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 2000 |
Kính gửi: Các Sở Giáo dục và Đào tạo
Căn cứ vào thực tế tổ chức thi nghề phổ thông ở các địa phương trong những năm qua, nhằm quản lý tốt hơn việc tổ chức các kỳ thi và cấp chứng nhận nghề phổ thông từ năm học 1999 – 2000. Bộ hướng dẫn cụ thể như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Chỉ tổ chức thi nghề và cấp chứng nhận nghề phổ thông cho học sinh theo học ở những Trung tâm KTTH-HN, các cơ sở dạy nghề ở địa phương được Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép dạy nghề theo chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hoặc do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo duyệt theo sự ủy nhiệm của Bộ.
2. Hằng năm Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi nghề vào tháng 3 và trong thời gian nghỉ hè.
3. Chứng nhận nghề phổ thông do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ký được bảo lưu trong một cấp học.
4. Những học sinh có chứng nhận nghề phổ thông sẽ được cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tốt nghiệp theo Quy chế thi tốt nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
II. ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN DỰ THI, NỘI DUNG THI NGHỀ PHỔ THÔNG
1. Đối tượng dự thi:
Học sinh đang học tại các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông học nghề theo quy định tại mục I – Những quy định chung.
2. Điều kiện dự thi:
a. Đã học hết chương trình một nghề phổ thông.
b. Điểm trung bình nghề phổ thông đạt từ 5,0 trở lên.
c. Không nghỉ học quá 1/10 số tiết học trong một chương trình nghề phổ thông.
3. Nội dung thi, bài thi:
a. Nội dung thi: Toàn bộ chương trình, nội dung một nghề phổ thông.
b. Loại bài thi, hệ số điểm bài thi:
Học sinh dự thi phải thực hiện hai bài thi:
- 1 bài thi lý thuyết, thời gian 30 phút, hệ số 1.
- 1 bài thi thực hành, thời gian từ 60 phút đến 180 phút, hệ số 1.
Thời gian thi thực hành cho từng nghề do chủ tịch Hội đồng thi quyết định.
c. Điểm trung bình các bài thi:
Là trung bình cộng điểm của bài thi lý thuyết với điểm bài thi thực hành sau khi đã tính hệ số.
III. CẤP CHỨNG NHẬN NGHỀ PHỔ THÔNG VÀ XẾP LOẠI:
Tất cả những học sinh dự thi nghề phổ thông nếu đạt điểm trung bình hai bài thi từ 5.0 trở lên, không bài thi nào có điểm dưới 3,0 thì đều được cấp chứng nhận nghề phổ thông và được xếp loại theo tiêu chuẩn dưới đây:
1. Loại giỏi:
- Điểm trung bình hai bài thi đạt từ 9 đến 10 điểm.
2. Loại khá:
- Điểm trung bình hai bài thi đạt từ 7,0 đến dưới 9,0 điểm.
- Không có bài thi nào dưới 5,0.
3. Loại trung bình:
Những trường hợp còn lại.
Căn cứ vào kết quả xếp loại thi nghề phổ thông, học sinh sẽ được hưởng mức điểm khuyến khích khác nhau theo Quy chế thi tốt nghiệp.
IV. TỔ CHỨC KỲ THI NGHỀ PHỔ THÔNG:
1. Đăng ký dự thi:
- Học sinh chỉ được đăng ký dự thi nghề đã học.
- Danh sách đăng ký dự thi nghề do các cơ sở dạy nghề lập theo từng trường học và từng loại nghề, có xác nhận của Hiệu trưởng nhà trường và của giám đốc cơ sở dạy nghề, gửi đến Hội đồng thi theo quy định cụ thể của Sở Giáo dục và Đào tạo.
2. Hồ sơ thi:
- Danh sách dự thi theo từng nghề phổ thông của cơ sở dạy nghề.
- Phiếu ghi điểm và đánh giá kết quả học tập của cá nhân học sinh do cơ sở dạy nghề cấp.
3. Thành lập Hội đồng thi:
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập Hội đồng thi nghề phổ thông của tỉnh, thành phố hoặc thành lập Hội đồng thi theo huyện, cụm trường tùy theo điều kiện cụ thể.
a. Thành phần:
Hội đồng thi nghề phổ thông gồm:
- Chủ tịch Hội đồng
- Từ 2 đến 4 phó chủ tịch.
- Số lượng các thư ký và Ủy viên Hội đồng do Giám đốc Sở quy định (căn cứ vào số lượng học sinh dự thi và số lượng loại nghề).
Lãnh đạo và các thành viên của Hội đồng được chọn trong cán bộ quản lý, giáo viên các trung tâm KTTH – HN, các cơ sở dạy nghề, các trường THCS, THPT.
b. Nhiệm vụ của Hội đồng thi.
Tổ chức ra đề thi cho tất cả các loại nghề được phép thi tại Hội đồng:
+ Ra đề thi cho từng loại nghề (lý thuyết, thực hành) trình Giám đốc Sở GD&ĐT phê duyệt làm đề thi chính thức. Đề thi phải đảm bảo tính bí mật, chính xác, vừa sức và tính sư phạm.
+ Xây dựng hướng dẫn chấm, biểu điểm cho từng đề thi.
- Chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất cho kỳ thi: kiểm tra danh sách, hồ sơ thi nghề do các trường gửi đến.
- Tổ chức coi thi, chấm thi: áp dụng theo quy chế thi tốt nghiệp THCS, THPT hiện hành.
- Xét kết quả thi và xếp loại theo tiêu chuẩn quy định: lập danh sách đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp chứng chỉ nghề phổ thông.
- Quản lý và đánh giá kỳ thi:
+ Quản lý chặt các công việc của Hội đồng thi: Lập đầy đủ các biên bản cho từng công việc, các biểu mẫu thống kê, các báo cáo nhanh … theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo.
+ Tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng, đánh giá chất lượng kỳ thi, những kiến nghị về dạy và học nghề, về tổ chức các kỳ thi: lập thành hồ sơ gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo.
c. Quyền hạn của Hội đồng thi:
- Không cho những học sinh không đủ điều kiện dự thi.
- Quyết định thi hành kỷ luật từ khiển trách đến đình chỉ thi đối với những học sinh vi phạm quy chế thi.
- Đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ đối với các thành viên Hội đồng để xem xét kiểm điểm và đề nghị Giám đốc thi hành kỷ luật nếu vi phạm quy chế thi.
- Đề nghị khen và thưởng bằng hiện vật cho những thành viên của Hội đồng có thành tích trong tổ chức kỳ thi.
V. CHẾ ĐỘ CHO ĐIỂM VÀ CÁCH TÍNH ĐIỂM TRUNG BÌNH NGHỀ PHỔ THÔNG
1. Các loại bài kiểm tra và hệ số điểm bài kiểm tra: Trong quá trình học một chương trình nghề phổ thông, học sinh phải thực hiện đầy đủ các loại bài kiểm tra dưới đây:
- Kiểm tra miệng – hệ số 1.
- Kiểm tra viết về lý thuyết (không quá 30 phút cho 1 bài kiểm tra) hệ số 1.
- Kiểm tra thực hành – hệ số 2.
2. Chế độ cho điểm: Giáo viên dạy nghề phải thực hiện chế độ cho điểm đối với mỗi học sinh trong một chương trình nghề như sau:
- Kiểm tra miệng: ít nhất 1 lần.
- Kiểm tra lý thuyết: ít nhất 2 bài.
- Kiểm tra thực hành: ít nhất 3 bài.
3. Cách tính điểm trung bình nghề phổ thông:
Điểm trung bình nghề phổ thông là trung bình cộng của tổng số điểm kiểm tra miệng, kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành sau khi đã tính hệ số.
ĐTB nghề = | ts điểm KT miệng + ts điểm KT lý thuyết + (ts điểm KT thực hành x hệ số) |
tổng hệ số các bài kiểm tra |
4. Sử dụng điểm trung bình nghề phổ thông: làm một trong những điều kiện xét cho học sinh dự thi nghề phổ thông.
VI. TRÁCH NHIỆM CỦA SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO:
1. Quyết định tổ chức kỳ thi và thời gian tổ chức kỳ thi: quyết định những cơ sở dạy nghề được đăng ký cho học sinh dự thi và những loại nghề được tổ chức thi ở từng Hội đồng thi nghề phổ thông.
2. Hướng dẫn việc tổ chức ra đề đề xuất ở tất cả các cơ sở dạy nghề: tiếp nhận các đề đề xuất để chuyển cho Hội đồng thi nghề phổ thông làm cơ sở cho việc xây dựng đề thi chính thức. Đề thi đề xuất cũng phải được bảo mật như đề thi chính thức và không dùng cho kỳ thi sau.
3. Thực hiện kiểm tra trước, trong kỳ thi đặc biệt coi trọng kiểm tra những điều kiện cơ sở vật chất cho tổ chức kỳ thi, việc thực hiện quy chế coi thi chấm thi.
4. Xét và cấp chứng chỉ nghề phổ thông cho những học sinh đủ tiêu chuẩn.
5. Quản lý chặt chẽ và lưu giữ hồ sơ và kết quả thi của từng kỳ thi.
6. Lập dự toán kinh phí tổ chức các kỳ thi nghề phổ thông trình UBND tỉnh, thành phố hoặc trình mức thu lệ phí thi nghề (nếu không lấy trong ngân sách nhà nước) để UBND quyết định.
7. Xét khen thưởng, kỷ luật đối với các thành viên Hội đồng theo đề nghị của Hội đồng thi nghề.
8. Phòng Trung học phổ thông cùng với các phòng chức năng giúp Giám đốc Sở GD&ĐT tổ chức các kỳ thi nghề phổ thông.
Hướng dẫn tổ chức thi nghề phổ thông này thực hiện từ năm học 1999 – 2000 và thay cho tất cả những hướng dẫn thi nghề đã có trước đây.
Bộ gửi kèm theo công văn này mẫu của phiếu ghi điểm và đánh giá học nghề phổ thông, mẫu chứng nhận nghề phổ thông.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.