BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2262/TCT-KTNB | Hà Nội, ngày 10 tháng 06 năm 2015 |
Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Căn cứ Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Thanh tra, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành, Tổng cục thuế đã ban hành Quyết định số 882/QĐ-TCT ngày 15/5/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc ban hành Quy chế phòng chống tham nhũng trong ngành Thuế thay thế Quyết định số 909/QĐ-TCT ngày 7/8/2009 về việc ban hành Quy chế phòng chống tham nhũng trong ngành Thuế.
Tổng cục Thuế giới thiệu nội dung mới của Quyết định số 882/QĐ-TCT như sau:
1. Điều 8:
1.1. Khoản 2 bổ sung nội dung sau đây để đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 và được sửa đổi bổ sung tại Luật Phòng, chống tham nhũng số 27/2012/QH13 ngày 23/11/2012. Cụ thể:
- Bổ sung nội dung “- Công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng đất”.
- Tại nội dung “Công khai, minh bạch trong hoạt động giải quyết các công việc của cơ quan, đơn vị, cá nhân”, bổ sung:
“+ Thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính thuế. Xây dựng và thực hiện các quy trình quản lý thuế để Người nộp thuế biết, chủ động thực hiện, giảm thiếu tiếp xúc giữa người nộp thuế và công chức, viên chức thuế.
+ Giải quyết đúng thời hạn, đúng pháp luật và đúng yêu cầu hợp pháp của Người nộp thuế.”
- Tại nội dung “Công khai, minh bạch trong công tác tổ chức, cán bộ”, bổ sung:
“+ Tuyển dụng công chức, viên chức vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;
+ Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá công chức, viên chức;
+ Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức, cho thôi việc, cho thôi giữ chức vụ, hưu trí đối với công chức, viên chức;
+ Chuyển ngạch, nâng ngạch, luân chuyển, điều động, biệt phái đối với công chức, viên chức;
+ Nâng lương, thưởng, khen thưởng, kỷ luật công chức, viên chức.”
1.2. Bổ sung Khoản 4 (Công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra, kiểm tra) và Khoản 5 (Công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo) để đảm bảo phù hợp với quy định tại Quyết định số 45/QĐ-BTC ngày 06/01/2014 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, tổ chức thuộc Bộ Tài chính:
“4. Công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.”
“5. Công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo.”
(Chi tiết nội dung Khoản 4 và Khoản 5 Điều 8 nêu trên tại Quy chế phòng, chống tham nhũng trong ngành Thuế ban hành kèm theo Quyết định số 882QĐ-TCT ngày 15/5/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế).
2. Điều 10: sửa đổi một số nội dung để đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ và Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn về minh bạch tài sản, thu nhập. Cụ thể:
2.1. Sửa đổi Khoản 1 về đối tượng phải kê khai tài sản:
“Các đối tượng khác theo quy định tại Danh mục người phải kê khai tài sản thu nhập ban hành kèm theo Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập”.
2.2. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 về tài sản, thu nhập phải kê khai:
“2. Tài sản, thu nhập phải kê khai
2.1. Các loại nhà, công trình xây dựng sau:
- Nhà ở, công trình xây dựng khác đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu.
- Nhà ở, công trình xây dựng khác thuộc quyền sở hữu trên thực tế của người phải kê khai, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu đứng tên người khác.
- Nhà ở, công trình xây dựng khác đang thuê hoặc đang sử dụng thuộc sở hữu của Nhà nước
2.2. Quyền sử dụng đất:
- Quyền sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng.
- Quyền sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên người khác.
2.3. Tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền cho vay, tiền trả trước, tiền gửi cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mà tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên
2.4. Ô tô, mô tô, xe gắn máy, xe máy (máy ủi, máy xúc, các loại xe máy khác), tàu thủy, tàu bay, thuyền và những động sản khác mà Nhà nước quản lý (theo quy định của pháp luật phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký) có tổng giá trị mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên
2.5. Kim loại quý, đá quý, cổ phiếu, vốn góp vào các cơ sở kinh doanh, các loại giấy tờ có giá trị chuyển nhượng khác có tổng giá trị quy đổi mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên
2.6. Các loại tài sản khác mà giá trị quy đổi mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên như cây cảnh, bộ bàn ghế, tranh, ảnh, đồ mỹ nghệ,...
2.7. Tài sản, tài khoản ở nước ngoài gồm tất cả tài sản quy định từ Điểm 2.1 đến Điểm 2.6 ngoài lãnh thổ Việt Nam.
2.8. Các khoản nợ gồm các khoản phải trả, giá trị các tài sản quản lý hộ, giữ hộ có tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên.
2.9. Tổng thu nhập trong năm quy đổi thành tiền Việt Nam gồm các khoản lương, phụ cấp, trợ cấp, thưởng, thù lao, cho, tặng, biếu, thừa kế, thu nhập hưởng lợi từ các khoản đầu tư, phát minh, sáng chế, các khoản thu nhập khác.”
2.3. Bổ sung Khoản 3 về biến động tài sản, thu nhập phải kê khai, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Cụ thể:
“3. Biến động tài sản, thu nhập phải kê khai, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.
3.1. Các loại nhà ở, công trình xây dựng, các quyền sử dụng đất khi tăng, giảm về số lượng, diện tích hoặc thay đổi về cấp nhà, công trình, loại đất so với kỳ kê khai trước đó.
3.2. Các loại tài sản quy định từ Điểm 2.3 đến Điểm 2.8 của Khoản 2 Điều 10 có tăng, giảm về số lượng hoặc thay đổi về chủng loại với mức giá trị tăng, giảm mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên so với kỳ kê khai trước đó
3.3. Các trường hợp quy định tại Điểm 3.1, Điểm 3.2 Khoản này có biến động tăng thì Người có nghĩa vụ kê khai phải giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm.
3.4. Kỳ kê khai để xác định biến động tài sản và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm được xác định như sau: đối với lần kê khai đầu tiên được xác định từ ngày 01 tháng 01 năm đó đến ngày kê khai; lần kê khai thứ hai trở đi được xác định từ ngày kê khai của kỳ kê khai liền kề trước đó đến ngày kê khai. ”
2.4. Khoản 3 sửa đổi thành Khoản 4 và bổ sung nội dung để đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ và Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập. Cụ thể:
“4. Trình tự, thủ tục kê khai, tiếp nhận bản kê khai tài sản, thu nhập.
4.1. Chậm nhất là ngày 30 tháng 11 hàng năm, bộ phận phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tiến hành:
- Lập danh sách Người có nghĩa vụ kê khai của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, trình người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phê duyệt; danh sách phải xác định rõ đối tượng thuộc cấp ủy quản lý, đối tượng thuộc cấp trên quản lý, đối tượng thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý.
- Gửi danh sách Người có nghĩa vụ kê khai đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc.
- Gửi mẫu Bản kê khai tài sản, thu nhập (sau đây gọi là Bản kê khai), hướng dẫn và yêu cầu Người có nghĩa vụ kê khai thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập.
4.2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được mẫu Bản kê khai, Người có nghĩa vụ kê khai phải hoàn thành việc kê khai, nộp 01 bản về bộ phận phụ trách công tác tổ chức, cán bộ và lưu cá nhân 01 bản.
Trường hợp tại thời điểm kê khai, Người có nghĩa vụ kê khai không thể tiến hành kê khai đúng thời hạn vì lý do khách quan thì việc kê khai có thể được thực hiện trước hoặc sau thời điểm quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị (với thời gian gần nhất).
4.3. Bộ phận phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tiếp nhận, kiểm tra, sao lục, gửi, lưu, quản lý Bản, kê khai như sau:
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được Bản kê khai) kiểm tra tính đầy đủ về nội dung phải kê khai; trường hợp Bản kê khai chưa đúng quy định (theo mẫu) thì yêu cầu kê khai lại, thời hạn kê khai lại là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.
- Sao lục, gửi và lưu Bản kê khai như sau:
Gửi bản chính đến Ban tổ chức Đảng, 01 bản sao đến cơ quan Ủy ban kiểm tra của cấp ủy Đảng quản lý người kê khai, nếu người đó là cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý (theo phân cấp quản lý cán bộ).
Gửi bản chính đến cơ quan tổ chức cấp trên đối với người kê khai do cấp trên quản lý (hoặc gửi bản sao nếu người đó thuộc cấp ủy quản lý)
Gửi bản sao đến cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi sẽ công khai Bản kê khai để thực hiện việc công khai theo quy định; sau khi công khai, lưu bản này cùng hồ sơ của Người có nghĩa vụ kê khai tại cơ quan mình.
Bộ phận tổ chức, cán bộ mở sổ theo dõi việc giao, nhận Bản kê khai;
- Khi Người có nghĩa vụ kê khai được điều động sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thì Bản kê khai phải được chuyển giao cùng hồ sơ cán bộ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mới. Khi Người có nghĩa vụ kê khai nghỉ hưu, thôi việc thì Bản kê khai được lưu giữ theo quy định về quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức.
4.4. Việc kê khai tài sản, thu nhập phải hoàn thành chậm nhất là ngày 31 tháng 12 hàng năm. Việc giao nhận Bản kê khai phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 31 tháng 3 của năm sau.
4.5. Công khai bản kê khai tài sản
Thực hiện công khai bản kê khai tài sản theo quy định tại Điều 13, Điều 14 Chương III Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 và Chương II của Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 hướng dẫn Nghị định số 58/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập.”
3. Điều 11: Bổ sung văn bản hướng dẫn chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức: “...Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2007/NĐ-CP”.
4. Điều 13: Sửa Khoản 3 thành “3. Thực hiện việc thu nộp tiền thuế qua hệ thống Ngân hàng và Kho bạc Nhà nước; thực hiện chỉ tiêu thông qua tài khoản”.
5. Điều 14:
- Bỏ cụm từ “Thanh tra, kiểm tra nội bộ” thay bằng “Kiểm tra nội bộ”, để phù hợp với quy định tại Quy chế Kiểm tra nội bộ ngành Thuế.
- Khoản 2 sửa đổi: “2. Thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo quy định tại Mục 1, Chương V, Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/6/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng”.
6. Điều 15: để đảm bảo phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành, Khoản 2 sửa đổi:
“2. Tiếp nhận, xử lý kịp thời báo cáo, tố giác và thông tin khác về hành vi tham nhũng thực hiện theo quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Tố cáo; các quy định về tố cáo hành vi tham nhũng quy định tại Chương VI Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/6/2013.”
7. Điều 18: để đảm bảo phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành:
- Bổ sung hình thức kỷ luật “Khiển trách”, “Giáng chức”.
- Bỏ hình thức kỷ luật “Hạ ngạch”.
8. Điều 19: Sửa đổi nguyên tắc, thẩm quyền quy trình, thủ tục xử lý kỷ luật để đảm bảo phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành (Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức, Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức. Trước đây là Pháp Lệnh cán bộ, công chức; Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ; Thông tư số 03/2006/TT-BNV ngày 08 tháng 02 năm 2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số Điều của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP). Cụ thể:
“Nguyên tắc xem xét xử lý kỷ luật thực hiện theo quy định tại Điều 2 Chương I Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức; Điều 3 Chương II Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức”.
Thẩm quyền, quy trình, thủ tục xử lý kỷ luật thực hiện theo quy định của Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức; Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức”.
9. Điều 27: Khoản 1 bổ sung nội dung “1....hoặc họ đã chủ động phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật hiện hành.” để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về trường hợp loại trừ trách nhiệm, miễn, giảm nhẹ hoặc tăng nặng hình thức kỷ luật hiện hành.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các Cục Thuế kịp thời tổng hợp, phản ánh về Tổng cục Thuế để được nghiên cứu giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.