THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2197/TTg-KTN | Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2009 |
Kính gửi: | - Các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Giao thông vận tải; |
Xét đề nghị của Bộ Công Thương (các công văn số 10806/BCN-CNNg ngày 11 tháng 11 năm 2008, số 1268/BCT-CNNg ngày 16 tháng 02 năm 2009, số 7544/BCT-CNNg ngày 04 tháng 08 năm 2009) và ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan về Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, có xét triển vọng đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:
I. Thông qua định hướng Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, có xét triển vọng đến năm 2025 với những nội dung:
1. Phát triển ngành than trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước, phục vụ nhu cầu trong nước là chính; đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng tối đa nhu cầu than phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm việc xuất, nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng thông qua biện pháp quản lý bằng kế hoạch và các biện pháp điều tiết khác phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
2. Phát triển ngành than bền vững, hiệu quả theo hướng đồng bộ, phù hợp với sự phát triển chung của các ngành kinh tế khác. Phát huy tối đa nội lực, kết hợp mở rộng hợp tác quốc tế, trước hết trong lĩnh vực nghiên cứu, triển khai, ứng dụng công nghệ tiến bộ trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than; chú trọng đầu tư cho công tác an toàn lao động và bảo vệ môi trường.
3. Đẩy mạnh các hoạt động thăm dò, đánh giá trữ lượng than nhằm chuẩn bị cơ sở tài nguyên tin cậy cho sự phát triển ổn định, lâu dài của ngành; kết hợp đẩy mạnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thăm dò, khai thác để bổ sung nguồn than lâu dài cho nhu cầu trong nước.
4. Sớm hình thành thị trường than cạnh tranh, hội nhập với khu vực và thế giới, đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh trong ngành than.
5. Phát triển ngành than gắn liền với đảm bảo an toàn trong sản xuất; bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái vùng than; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng trên địa bàn, đặc biệt là vùng than Quảng Ninh và vùng than đồng bằng sông Hồng.
6. Về thăm dò than
Đến cuối năm 2015 hoàn thành công tác thăm dò phần tài nguyên dưới mức – 300 m của bể than Đông Bắc; thăm dò xong một phần tài nguyên của bể than đồng bằng sông Hồng (Khoái Châu – Phủ Cừ - Đông Hưng, diện tích 932 km2).
Đến cuối năm 2025 thăm dò xong tài nguyên khối Đông Quan và Vũ Tiên, khu Đông Hưng và Tiền Hải của bể than đồng bằng sông Hồng.
Đẩy mạnh công tác thăm dò nâng cấp trữ lượng hiện có để bảo đảm đủ trữ lượng than tin cậy huy động vào khai thác trong giai đoạn 2009-2025.
7. Nhu cầu than
Dự báo nhu cầu than sử dụng trong nước (gồm cả than bùn) theo các giai đoạn như sau:
Nhu cầu than (triệu tấn) | 2010 | 2015 | 2020 | 2025 | ||
P/A cơ sở | P/A cao | P/A cơ sở | P/A cao | |||
Tổng số | 28 | 90,5 | 147 | 231 | 225 | 382 |
Trong đó than cho điện | 11,4 | 63 | 111 | 196 | 179 | 337 |
Nhu cầu than sẽ được định kỳ cập nhật và điều chỉnh trong các kỳ kế hoạch 5 năm và hàng năm để phù hợp với tình hình thực tế.
8. Về khai thác than
Căn cứ vào nhu cầu sử dụng than nội địa, xây dựng kế hoạch khai thác than cho từng năm, từng giai đoạn và có phương án nhập khẩu than đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng than cho nền kinh tế.
9. Về sàng tuyển và chế biến than
Đẩy mạnh đầu tư sàng tuyển theo hướng tập trung, đến năm 2010 chấm dứt việc sàng tuyển than nhỏ lẻ, thủ công tại các kho bến xuất than. Tăng cường khâu chế biến than, đa dạng hóa sản phẩm (nhiên liệu đốt trực tiếp, than dùng cho luyện kim, than đóng bánh, khí hóa than, nhiên liệu lỏng từ than, nguyên liệu cho công nghiệp hóa chất v.v….).
10. Về bảo vệ môi trường
Đến năm 2015 cơ bản đạt các chỉ tiêu chính về môi trường tại các khu vực nhạy cảm (đô thị, khu dân cư, điểm du lịch v.v…); đến năm 2020, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn môi trường trên toàn địa bàn các vùng mỏ.
II. Nhiệm vụ của Bộ Công Thương:
1. Căn cứ định hướng nêu trên, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2015, có xét triển vọng đến năm 2025 và hoàn thành Báo cáo Đánh giá tác động môi trường chiến lược, trình Thủ tướng Chính phủ vào quý III năm 2010.
2. Chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tại điểm 8 nêu trên và xây dựng phương án khai thác đáp ứng tối đa nhu cầu than trong nước, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.