BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2177/TCT-PC | Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 2014 |
Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Gia Lai
Tổng cục Thuế nhận được Công văn số 1060/CT-THNVDT ngày 05/4/2014 của Cục Thuế tỉnh Gia Lai về việc vướng mắc xử lý vi phạm pháp luật về thuế. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Về trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế
Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 106 Luật Quản lý thuế (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 32, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế):
“2. Người nộp thuế khai sai dẫn đến làm thiếu số tiền phải nộp nếu tự giác khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện thì phải nộp tiền chậm nộp nhưng không bị xử phạt về thủ tục hành chính thuế, thiếu thuế, trốn thuế.”
Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 4 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ:
“Điều 4. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế
2. Trường hợp khai sai, người nộp thuế đã khai bổ sung hồ sơ khai thuế và đã nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.”
Căn cứ Khoản 2, Điều 5 Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính:
“Điều 5. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế
1. Các trường hợp theo quy định tại Điều 11 Luật xử lý vi phạm hành chính.
2. Trường hợp khai sai, người nộp thuế đã khai bổ sung hồ sơ khai thuế và đã nộp đủ sổ tiền thuế phải nộp, trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế phát hiện không qua thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế hoặc trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện. ”
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp khai sai người nộp thuế đã khai bổ sung hồ sơ khai thuế nhưng chưa nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế hoặc trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện thì bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định.
Khi xử phạt vi phạm hành chính về thuế Cục Thuế căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, hành vi vi phạm cụ thể của người nộp thuế để xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định.
2. Xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với trường hợp chậm nộp nhiều hồ sơ khai thuế của nhiều kỳ tính thuế nhưng cùng một sắc thuế
Căn cứ Điểm d, Khoản 5, Điều 2 Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính:
“d) Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính về thuế hoặc vi phạm hành chính về thuế nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.
Trường hợp trong cùng một thời điểm người nộp thuế chậm nộp nhiều hồ sơ khai thuế của nhiều loại thuế khác nhau thì người nộp thuế bị xử phạt về từng hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế đối với từng sắc thuế;
Trường hợp, cùng thờ điểm người nộp thuế chậm nộp nhiều hồ sơ khai thuế của nhiều kỳ tính thuế nhưng cùng một sắc thuế thì: hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế thuộc trường hợp xử phạt về thủ tục thuế chỉ bị xử phạt về một hành vi vi phạm thủ tục thuế với tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần; trường hợp có hồ sơ khai thuế chậm nộp quá 90 ngày thuộc trường hợp xử phạt về hành vi trốn thuế thì bị xử phạt về hành vi trốn thuế theo quy định tại Điều 13 Thông tư này.”
Căn cứ quy định trên, trường hợp cùng thời điểm người nộp thuế chậm nộp nhiều hồ sơ khai thuế của nhiều kỳ tính thuế nhưng cùng một sắc thuế thì hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế thuộc trường hợp xử phạt về thủ tục thuế chỉ bị xử phạt về một hanh vi vi phạm thủ tục thuế (với khung phạt tiền tương ứng với khung phạt tiền của hồ sơ chậm nộp thuế có khung phạt tiền cao nhất) với tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần; trường hợp có hồ sơ khai thuế chậm nộp quá 90 ngày thuộc trường hợp xử phạt về hành vi trốn thuế thì bị xử phạt về hành vi trốn thuế theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 166/2013/TT-BTC nêu trên.
3. Xác định hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn
Căn cứ quy định tại Điểm a, Điểm b, Khoản 1, Điều 10 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ:
“1. Các trường hợp khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, bao gồm:
a) Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, tăng số thuế được miễn, giảm nhưng người nộp thuế đã ghi chép kịp thời, đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế làm phát sinh nghĩa vụ thuế trên sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ.
b) Hành vi khai sai của người nộp thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số thuế được miễn, giảm không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều này nhưng khi bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, người vi phạm đã tự giác nộp đủ số tiền thuế khai thiếu vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính thuế hoặc cơ quan thuế lập biên bản kiểm tra thuế, kết luận thanh tra thuế.”
Căn cứ quy định trên, trường hợp người nộp thuế có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, tăng số thuế được miễn, giảm nhưng người nộp thuế đã ghi chép kịp thời, đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế làm phát sinh nghĩa vụ thuế trên sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ thì bị xử phạt về hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn.
Trường hợp người nộp thuế có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 10 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP nhưng khi bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, người vi phạm đã tự giác nộp đủ số tiền thuế khai thiếu vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính thuế hoặc cơ quan thuế lập biên bản kiểm tra thuế, kết luận thanh tra thuế thì bị xử phạt theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 10 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP nêu trên.
4. Xác định hành vi trốn thuế
Căn cứ quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 11 Nghị định số 129/2013/NĐ- CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ:
“1. Phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận đối với người nộp thuế vi phạm lần đầu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 10 Nghị định này hoặc vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên khi có một trong các hành vi vi phạm sau đây:...
đ)... không kê khai, kê khai sai, không trung thực làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng sổ tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế.”
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp người nộp thuế có hành vi kê khai sai, không trung thực làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP.
5. Về chuyển hành vi trốn thuế, gian lận thuế sang xử phạt theo hành vi khai thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn
Căn cứ quy định tại Điều 45 Luật Quản lý thuế (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 12, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế):
“Điều 45. Thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt
Trường hợp người nộp thuế vừa có số tiền thuế nợ, tiền thuế truy thu, tiền thuế phát sinh, tiền chậm nộp, tiền phạt thì việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự sau đây:
1. Đối với các loại thuế do cơ quan thuế quản lý:
a) Tiền thuế nợ;
b) Tiền thuế truy thu;
c) Tiền chậm nộp;
d) Tiền thuế phát sinh;
đ) Tiền phạt. ”
Căn cứ quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 10 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP nêu trên.
Căn cứ quy định trên, trường hợp người nộp thuế có hành vi khai sai làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số thuế được miễn, giảm không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 10 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP nhưng khi bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, người vi phạm đã tự giác nộp đủ số tiền thuế khai thiếu vào ngân sách nhà nước trước thời Điểm cơ quan có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính thuế hoặc cơ quan thuế lập biên bản kiểm tra thuế, kết luận thanh tra thuế thì bị xử phạt về hành vi khai thiếu thuế quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP.
Thời điểm người nộp thuế tự giác nộp tiền thuế thiếu vào ngân sách nhà nước theo trường hợp nêu trên, nhưng người nộp thuế vẫn còn khoản thuế nợ thì được thanh toán theo thứ tự quy định tại Điều 45 Luật Quản lý thuế (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 12, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế) nêu trên. Khi người nộp thuế nộp đủ số tiền thuế thiếu vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính thuế hoặc cơ quan thuế lập biên bản kiểm tra thuế, kết luận thanh tra thuế thì áp dụng quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 10 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP để xử phạt.
Đề nghị Cục Thuế nghiên cứu kỹ văn bản quy phạm pháp luật trước khi có văn bản gửi Tổng cục Thuế.
Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế biết./.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.