ỦY BAN DÂN TỘC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 216/UBDT-DTTS | Hà Nội, ngày 17 tháng 3 năm 2016 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố................................
Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2925" (sau đây viết tắt là Đề án), ngày 13/8/2015 Ủy ban Dân tộc đã ban hành Công văn số 834/UBDT-DTTS hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2016- 2020. về kế hoạch thực hiện 2016, Ủy ban Dân tộc hướng dẫn một số nội dung như sau:
I. Nội dung thực hiện:
Đề nghị UBND tỉnh giao Cơ quan công tác dân tộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ban Dân tộc tỉnh: BDT) chủ trì, triển khai thực hiện một số công việc cụ thể sau:
1. Năm 2016, triển khai các hoạt động theo kế hoạch 2016-2020 đã phê duyệt, trong đó cần ưu tiên tập trung xây dựng và triển khai thực hiện Mô hình điểm nhằm tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức Đoàn thể và người dân trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở địa phương và địa bàn triển khai Mô hình điểm.
2. Thực hiện Mô hình điểm
a) Địa bàn thực hiện:
- Mô hình điểm được thực hiện tại xã/trường học ở địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có tỷ lệ hoặc nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao;
- Số lượng, quy mô thực hiện Mô hình điểm do tỉnh xem xét, quyết định.
b) Các hoạt động của Mô hình điểm:
Căn cứ yêu cầu, điều kiện thực tế của địa phương và nguồn kinh phí được giao năm 2016 bao gồm cả kinh phí địa phương bố trí và Trung ương hỗ trợ để lựa chọn các hoạt động phù hợp mà không nhất thiết phải triển khai tất cả các hoạt động; mỗi hoạt động của Mô hình điểm cần nêu rõ: mục đích, đối tượng, nội dung và phương thức tổ chức thực hiện, thời gian, tiến độ triển khai, kinh phí đảm bảo... để triển khai các hoạt động sau:
- Tổ chức khảo sát, xây dựng, phê duyệt Mô hình điểm để triển khai thực hiện.
- Tổ chức tập huấn thực hiện Mô hình cho cán bộ và các đối tượng tham gia thực hiện Mô hình điểm;
- Tổ chức các hoạt động truyền thông tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trên các phương tiện thông tin đại chúng (như: xây dựng phóng sự, tin, bài, ảnh, chuyên trang, chuyên mục...trên đài truyền hình, đài phát thanh và báo địa phương); thông qua hệ thống thông tin, truyền thanh tuyến xã; tọa đàm, trao đổi, thảo luận... để cung cấp thông tin, tuyên truyền, vận động đối với các nhóm đối tượng; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động của Mô hình với các hoạt động văn hóa, xã hội như lễ hội, phiên chợ... tại thôn bản; các cuộc hội họp của chính quyền, đoàn thể; cung cấp các ấn phẩm, tài liệu truyền thông liên quan...
- Thành lập các điểm truyền thông, tổ tư vấn, câu lạc bộ, các nhóm nòng cốt như: người có uy tín trong cộng đồng; nhóm phụ nữ; thanh niên nông thôn, học sinh v.v... tại thôn bản, trường học) để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động của Mô hình.
- Các hoạt động quản lý, kiểm tra, đánh giá thực hiện Mô hình điểm: Rà soát, xây dựng đưa các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, xử lý vi phạm ... vào hương ước, quy ước, tiêu chuẩn bản làng văn hóa, gia đình văn hóa; hỗ trợ hoạt động tư pháp cho UBND xã thực hiện quản lý, cung cấp thông tin, tư vấn cho các đối tượng chuẩn bị kết hôn, làm giấy đăng ký kết hôn và giấy khai sinh cho trẻ em tại địa bàn Mô hình điểm; thiết lập hệ thống sổ sách mẫu biểu ghi chép, theo dõi đối tượng, thống kê, báo cáo theo tháng, quý, năm và cả giai đoạn thực hiện Mô hình; kiểm tra, phát hiện, kịp thời điều chỉnh các hoạt động của Mô hình điểm cho phù hợp.
- Biên soạn, in ấn, cung cấp thông tin, sản phẩm truyền thông phù hợp phục vụ hoạt động tuyên truyền.
- Các hoạt động khác do địa phương lựa chọn (nếu cần).
c) Tổ chức thực hiện Mô hình điểm:
- Thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) cấp tỉnh hoặc giao nhiệm vụ cho một BCĐ phù hợp khác của tỉnh đảm nhận và BCĐ cấp xã (nơi thực hiện Mô hình điểm):
+ BCĐ tỉnh (nếu thành lập mới) do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban, Phó trưởng Ban Thường trực là Trưởng Ban Dân tộc tỉnh và thành viên là đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan (như: Y tế, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Phụ nữ, Thanh niên...). Nếu phân công một BCĐ khác mà chưa có Ban Dân tộc thì đề nghị bổ sung Trưởng ban Dân tộc tỉnh là phó Trưởng ban hoặc thành viên tham gia.
+ BCĐ xã do Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quyết định thành lập. Thành phần gồm: 01 đồng chí Lãnh đạo BDT tỉnh là Trưởng ban; các Phó trưởng Ban là Lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện và Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã; các thành viên là đại diện các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể có liên quan của xã thực hiện Mô hình điểm.
+ BCĐ có nhiệm vụ xây dựng quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên và chỉ đạo xây dựng, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện Mô hình điểm.
- BDT tỉnh là cơ quan Thường trực, tham mưu giúp BCĐ tỉnh chỉ đạo xây dựng Mô hình điểm (theo Đề cương hướng dẫn ban hành kèm theo Công văn số 834/UBDT-DTTS ngày 13/8/2015 của Ủy ban Dân tộc. Lưu ý: tại điểm 1, Mục V của Đề cương được thay thế bằng việc “Thành lập Ban Chỉ đạo ” theo hướng dẫn tại văn bản này) trình BCĐ tỉnh quyết định; phối hợp với BCĐ xã tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động của Mô hình. Định kỳ 6 tháng, 1 năm tổng hợp báo cáo tiến độ, kết quả, tình hình giải ngân, thuận lợi, khó khăn trong thực hiện kế hoạch năm 2016 và Mô hình điểm với UBND tỉnh và Ủy ban Dân tộc.
II. Kinh phí thực hiện:
1. Kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành và Khoản 5 Điều 1 Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng đối với 15 tỉnh có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao được Ủy ban Dân tộc lựa chọn xây dựng Mô hình điểm năm 2016 theo Công văn số 1310/UBDT-DTTS ngày 20/11/2015 và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Quyết định 239/QĐ-TTg ngày 05/02/2016, đề nghị UBND tỉnh giao BDT tỉnh chủ trì thực hiện Mô hình điểm năm 2016 đảm bảo đúng mục đích và hiệu quả.
2. Việc quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị BDT tỉnh phản ánh kịp thời về Ủy ban Dân tộc qua Vụ Dân tộc thiểu số, Điện thoại: 04 37349892; email: vudantocthieuso@cema.gov.vn./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.