UBND TỈNH BÌNH PHƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/CV-TĐKT | Đồng Xoài, ngày 09 tháng 10 năm 2008 |
Kính gửi: | - Các sở, ban, ngành, đoàn thể, các ban Đảng; |
Căn cứ Luật TĐKT ngày 26/11/2003, Nghị định 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật TĐKT, Thông tư số 01/2007/TT-VPCP ngày 31/7/2007 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị định 121/2005/NĐ-CP và các văn bản của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương hướng dẫn thực hiện công tác thi đua khen thưởng năm 2008. Công văn số 295/UBND-NC ngày 31/1/2008 của UBND tỉnh về việc phát động thi đua năm 2008.
Để giúp các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện tổng kết công tác thi đua – khen thưởng năm 2008 được chính xác, công bằng, đảm bảo khen thưởng đúng đối tượng, tiêu chuẩn theo Luật TĐKT. Qua tổng kết để rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua cho năm tiếp theo đạt kết quả tốt hơn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 5 năm (2006-2010) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần VIII đề ra.
Hội đồng TĐKT tỉnh hướng dẫn một số nội dung về tổng kết công tác TĐKT năm 2008 và tổ chức phát động phong trào thi đua năm 2009 như sau:
Phần 1.
TỔNG KẾT CÔNG TÁC THI ĐUA – KHEN THƯỞNG NĂM 2008
I. TỔNG KẾT CÔNG TÁC THI ĐUA NĂM 2008:
Về nội dung tổng kết cần tập trung đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại trong công tác thi đua theo những nội dung nêu trong Chỉ thị 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 17/2006/CT-TTg ngày 08/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 295/UBND-NC ngày 31/1/2008 của UBND tỉnh về việc phát động phong trào thi đua năm 2008. Trong đó cần tập trung đánh giá một số nội dung chủ yếu sau đây:
1. Đối với sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh:
- Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc đề ra chủ trương, giải pháp để thực hiện công tác thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm theo lĩnh vực, ngành phụ trách quản lý (nêu bật những kết quả đạt được về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2008 của cơ quan, đơn vị).
- Công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế bền vững Công tác vận động hội viên, đoàn viên tham gia vào các chương trình, các phong trào do các Hội, Đoàn thể đề ra
- Công tác cải cách hành chính thực hiện cơ chế “1 cửa”, phòng chống tham nhũng, chống lãng phí, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, chăm lo xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể đạt trong sạch vững mạnh. Thực hiện tốt cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 06/CT-TW của Bộ Chính trị.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ công chức, xây dựng cơ quan văn minh an toàn sạch đẹp.
- Đánh giá những tồn tại khó khăn trong việc chỉ đạo, tổ chức xây dựng và phát động phong trào thi đua của cơ quan, đơn vị. Chia cụm, khối thi đua, ký kết giao ước thi đua, sơ kết, tổng kết thi đua hàng năm.
2. Đối với các huyện, thị xã:
- Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc đề ra chủ trương giải pháp để thực hiện công tác thi đua, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2008, trọng tâm là các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP); chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thu ngân sách trên địa bàn, cơ sở hạ tầng (đường giao thông, đường điện, công trình phúc lợi công cộng) thu nhập bình quân đầu người/năm.
- Thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, giảm tỷ suất sinh. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia. Công tác cải cách hành chính thực hiện cơ chế “1 cửa”, công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ - công chức, công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, giải quyết tốt khiếu nại tố cáo của công dân, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở…
- Xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể đạt trong sạch vững mạnh, thực hiện tốt cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 06/CT-TW của Bộ Chính trị.
- Đánh giá những tồn tại khó khăn trong chỉ đạo, tổ chức xây dựng phát động phong trào thi đua ở địa phương, kiện toàn Hội đồng Thi đua – Khen thưởng, bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi công tác thi đua khen thưởng ở các huyện, thị; các xã, phường, thị trấn. Chia cụm, khối thi đua, tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào thi đua hàng năm ở địa phương.
3. Đối với các doanh nghiệp Nhà nước:
- Đánh giá công tác lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, đảng, chính quyền, các đoàn thể trong việc đề ra chủ trương, biện pháp để thực hiện các phong trào thi đua trong năm của đơn vị.
- Nêu bật những kết quả đạt được về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong năm của đơn vị, đánh giá sự tác động của phong trào thi đua đến kết quả thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao cho đơn vị từ đầu năm. Kết quả sản xuất kinh doanh đã thực hiện được so với chỉ tiêu kế hoạch được giao đạt (%); nộp ngân sách đạt % so kế hoạch, thu nhập của người lao động bình quân/tháng, tình hình bảo tồn vốn của đơn vị. Việc đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, tiết kiệm vật tư hạ giá thành sản phẩm; đầu tư công nghệ, thiết bị, bảo vệ môi trường làm việc và môi trường sinh thái, không bị ô nhiễm.
- Góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp ủng hộ các quỹ phúc lợi xã hội, xây dựng nhà tình nghĩa tình thương ....
- Xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể đạt trong sạch vững mạnh. Thực hiện tốt cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 06/CT-TW của Bộ Chính trị.
- Đánh giá những tồn tại khó khăn trong chỉ đạo, tổ chức phát động, thực hiện phong trào thi đua ở đơn vị. Kiện toàn Hội đồng Thi đua – Khen thưởng, bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi công tác thi đua ở đơn vị…
II. CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG NĂM 2008:
1. Đối tượng, tiêu chuẩn, danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng:
Các đơn vị, địa phương khi xét khen thưởng phải căn cứ vào tiêu chuẩn được quy định tại Luật TĐKT, Nghị định 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ và Thông tư số 01/2007/TT-VPCP ngày 31/7/2007 của Văn phòng Chính phủ, để thực hiện xét khen thưởng.
2. Điều kiện xét khen thưởng:
a) Thẩm quyền xét khen thưởng:
- Tập thể, cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức do đơn vị nào quản lý biên chế, quản lý quỹ tiền lương, thì do nơi đó xem xét khen thưởng.
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh: Chủ yếu xét khen thưởng cho tập thể, cá nhân khối cơ quan Văn phòng sở, các đơn vị trực thuộc Sở như các Trung tâm, Chi cục, Trạm, Trại, Ban QLDA… Đối với các phòng, ban cấp huyện, thị xã chịu sự quản lý của cấp trên về mặt nghiệp vụ, chuyên môn, nhưng biên chế, quỹ lương do các huyện, thị quản lý thì các sở, ngành không đề nghị khen mà để các huyện, thị tổng hợp trình UBND tỉnh khen thưởng. Trường hợp ngành có quy định khen theo ngành dọc, thì hướng dẫn cho các phòng ở huyện xét đề nghị lên Sở để tổng hợp trình khen, nhưng phải thống nhất không đề nghị theo tuyến huyện nữa, (nhưng phải có ý kiến xác nhận của huyện, để tránh trùng lặp trong khen thưởng).
- Đối với các cơ quan ban Đảng, khối mặt trận, đoàn thể khi đề nghị UBND tỉnh khen thưởng cho tập thể, cá nhân thuộc cơ quan, đơn vị mình thì phải thông qua xét duyệt của Hội đồng TĐKT khối Đảng và Trưởng ban Dân vận phụ trách khối Mặt trận đoàn thể (có văn bản kèm theo).
- Việc khen thưởng đại biểu quốc hội chuyên trách, HĐND, đại biểu HĐND các cấp thực hiện theo Công văn số 365/UBTVQH11 ngày 07/6/2005 của Ủy ban Thường vụ quốc hội và Thông tư 01/2007/TT-VPCP ngày 31/7/2007 của Văn phòng Chính phủ.
b) Những trường hợp không xét khen thưởng:
- Công chức, viên chức mới tuyển dụng công tác chưa đủ 1 năm (dưới 10 tháng)
- Trong một năm nếu nghỉ làm việc từ 2 tháng liên tục trở lên (tính từ 40 ngày trở lên theo chế độ làm việc hoặc cán bộ công chức bị thi hành kỷ luật từ khiển trách trở lên) thì không thuộc diện xem xét khen thưởng tổng kết công tác năm.
- Đơn vị mới thành lập chưa đủ 1 năm (dưới 10 tháng).
- Đơn vị, địa phương không đăng ký thi đua năm 2008.
- Đơn vị có lãnh đạo bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên.
- Lưu ý: Các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức chuyển công tác thì đơn vị mới xét khen thưởng trên cơ sở có ý kiến nhận xét (bằng văn bản) của đơn vị cũ, trường hợp cá nhân có thời gian công tác từ 10 tháng trở lên (trong năm) khi chuyển công tác thì do đơn vị cũ xét khen thưởng.
3. Danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng:
3.1. Danh hiệu thi đua:
a. Danh hiệu thi đua đối với tập thể:
* Tập thể lao động tiên tiến:
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ và kế hoạch được giao.
- Có phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực có hiệu quả.
- Có trên 50% cá nhân trong tập thể đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và không có cá nhân nào bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên.
- Nội bộ đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
* Tập thể lao động xuất sắc:
- Sáng tạo, vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước.
- Có phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả.
- Có 100% cá nhân hoàn thành nhiệm vụ được giao trong đó có ít nhất 70% cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến.
- Có cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, không có cá nhân nào bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên.
- Nội bộ đoàn kết, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
* Cờ thi đua của UBND tỉnh:
- Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu và nhiệm vụ được giao là tập thể tiêu biểu xuất sắc trong tỉnh.
- Có nhân tố mới, mô hình mới để các tập thể, đơn vị khác trong tỉnh học tập noi theo.
- Nội bộ đoàn kết, tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác.
* Cờ thi đua của Chính phủ:
- Có các tiêu chí như: Cờ thi đua của tỉnh nhưng ở mức cao hơn, phải là tập thể tiêu biểu xuất sắc nhất trong tỉnh, tiêu biểu cho cả tỉnh học tập, đi đầu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác.
b. Danh hiệu thi đua đối với cá nhân:
* Lao động tiên tiến: Tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt năng suất, chất lượng cao.
- Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia các phong trào thi đua.
- Tích cực học tập chính trị, chuyên môn, văn hóa, nghiệp vụ.
* Chiến sĩ thi đua cơ sở:
Đạt các tiêu chuẩn của danh hiệu Lao động tiên tiến, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật hoặc áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất lao động.
* Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh:
Được xét tặng cho cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong số những cá nhân có 3 lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và thành tích sáng kiến của cá nhân đó có ảnh hưởng đối với ngành, địa phương.
* Chiến sĩ thi đua toàn quốc:
Được xét tặng cho cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong số những cá nhân có 2 lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và thành tích sáng kiến của cá nhân đó có ảnh hưởng trong phạm vi toàn quốc.
Lưu ý:
- Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh chọn những cá nhân thật tiêu biểu, xuất sắc trong số Chiến sĩ thi đua cơ sở.
- Chiến sĩ thi đua toàn quốc chọn những cá nhân thật tiêu biểu, xuất sắc trong số Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.
3.2. Hình thức khen thưởng, tiêu chuẩn xét khen:
a. Hình thức khen thưởng đối với tập thể:
* Giấy khen:
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Nội bộ đoàn kết, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức tốt các phong trào thi đua.
- Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần trong tập thể, thực hành tiết kiệm.
- Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với mọi thành viên trong tập thể.
* Bằng khen UBND tỉnh:
- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có từ 70% cá nhân đạt Lao động tiên tiến.
- Nội bộ đoàn kết, thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua.
- Bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần trong tập thể, thực hành tiết kiệm.
- Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với mọi thành viên trong tập thể.
- Tổ chức Đảng, Đoàn thể trong sạch, vững mạnh.
* Bằng khen Thủ tướng Chính phủ:
Đã được tặng bằng khen UBND tỉnh, đạt danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc liên tục 3 năm trở lên.
* Huân chương lao động hạng Ba:
Đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc 05 liên tục, trong đó có một lần được tặng cờ thi đua cấp tỉnh hoăc 01 lần được tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ.
* Huân chương lao động hạng Nhì:
Đã được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba, 05 năm tiếp theo đều đạt danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc, trong đó có 02 lần được tặng Cờ thi đua cấp tỉnh hoặc 01 lần được tặng Cờ thi đua Chính phủ.
* Huân chương lao động hạng Nhất:
Đã được tặng Huân chương lao động hạng Nhì, 05 năm tiếp theo liên tục đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, trong đó có 3 lần được tặng Cờ thi đua cấp tỉnh hoặc 2 lần được tặng Cờ thi đua Chính phủ.
b. Hình thức khen thưởng đối với cá nhân:
* Giấy khen:
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ, nghĩa vụ công dân.
- Có phẩm chất, đạo đức tốt, đoàn kết, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
* Bằng khen UBND tỉnh:
- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công tác được giao.
- Có phẩm chất đạo đức tốt, đoàn kết, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
- Có 02 năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
* Bằng khen Thủ tướng Chính phủ:
Đã được tặng bằng khen của UBND tỉnh, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 05 năm liên tục trở lên.
* Huân chương lao động hạng Ba:
- Có 07 năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, có 02 lần được tặng bằng khen UBND tỉnh hoặc 01 lần được tặng bằng khen Thủ tướng Chính phủ.
- Lập được thành tích xuất sắc đột xuất hoặc có quá trình cống hiến lâu dài trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể.
* Huân chương lao động hạng Nhì:
- Đã được tặng huân chương lao động hạng Ba, sau đó có 02 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh hoặc 01 lần được tặng bằng khen Thủ tướng Chính phủ.
- Lập thành tích xuất sắc đột xuất hoặc có quá trình cống hiến lâu dài trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể.
* Huân chương lao động hạng Nhất:
- Đã được tặng Huân chương lao động hạng Nhì và sau đó được tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
- Lập được thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất hoặc có quá trình cống hiến lâu dài trong cơ quan, tổ chức, đoàn thể.
Ngoài hình thức khen thưởng Huân chương lao động, còn có các hình thức khen thưởng Huân chương độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, có quá trình cống hiến lâu dài trong các cơ quan, tổ chức đoàn thể. Đối chiếu theo tiêu chuẩn quy định tại Luật Thi đua – Khen thưởng, nếu đủ điều kiện thì lập hồ sơ đề nghị khen thưởng.
Các quy định trong Luật TĐKT, Nghị định 121/2005/NĐ-CP , Thông tư 01/2007/TT-VPCP đã nêu rất rõ về mối quan hệ giữa danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng. Danh hiệu thi đua là cơ sở để xem xét tất cả các hình thức khen thưởng, để được công nhận danh hiệu thi đua ở mức cao hơn, thì phải đạt các danh hiệu thi đua ở mức thấp. Để được khen thưởng thì phải đạt danh hiệu thi đua tương ứng với hình thức khen thưởng đó.
- Ví dụ: Để đạt danh hiệu CSTĐ cấp tỉnh thì cá nhân phải 3 lần liên tục đạt danh hiệu CSTĐ cơ sở (hai năm trước và năm đề nghị khen phải đạt danh hiệu CSTĐ cơ sở).
- Để tặng Bằng khen của UBND tỉnh, cá nhân phải 2 năm liên tục đạt danh hiệu CSTĐ cơ sở (01 năm trước và năm đề nghị khen thưởng phải đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở).
Các đơn vị, địa phương khi xét khen thưởng tổng kết công tác năm, phải tiến hành bình xét, quyết định công nhận danh hiệu thi đua cho tập thể, cá nhân trong đơn vị. Tùy theo cấp độ thành tích tập thể, cá nhân đạt được trong năm và những năm trước để xem xét, công nhận danh hiệu ở cấp độ cao hơn hoặc các hình thức khen thưởng tương ứng với danh hiệu thi đua mà tập thể, cá nhân đã đạt được.
5. Tỷ lệ, cơ cấu xét khen thưởng:
a) Tỷ lệ xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng:
* Danh hiệu thi đua:
- Danh hiệu lao động tiên tiến không khống chế tỷ lệ, có thể 100% cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị được công nhận danh hiệu này. Đối với các danh hiệu và hình thức khen thưởng cao hơn, cần phải có sự xem xét chọn lọc những tập thể, cá nhân thật sự tiêu biểu, xuất sắc để xét khen thưởng, nhằm động viên phong trào thi đua của tập thể, cá nhân trong đơn vị. Các hình thức đề nghị khen thưởng lên cấp cao, phải ít hơn số lượng được khen ở cấp dưới.
- Danh hiệu tập thể lao động tiên tiến không quá 30% tập thể.
- Danh hiệu tập thể LĐXS không quá 20% tập thể.
- Danh hiệu CSTĐ cơ sở không quá 20% cá nhân đạt LĐTT.
- Riêng Danh hiệu CSTĐ cấp tỉnh chỉ lựa chọn những cá nhân thật sự xuất sắc tiêu biểu và có 03 năm liên tục đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở.
* Hình thức khen thưởng: Gồm có Giấy khen và Bằng khen, căn cứ vào thành tích của tập thể và cá nhân đề nghị khen thưởng sao cho phù hợp; giấy khen không quá 30% tổng số cán bộ công chức; Bằng khen không quá 10% cán bộ công chức.
Tỷ lệ trên được tính trong tổng số tập thể, cá nhân của đơn vị, sau đó đơn vị, địa phương đánh giá thành tích của từng đơn vị thành viên để cân đối và định hướng cho từng đơn vị nhỏ để xét đề nghị khen thưởng, đảm bảo tỷ lệ (%) theo quy định.
Riêng khối mặt trận – đoàn thể khi xét khen thưởng cho các tổ chức thành viên các Hội cơ sở và hội viên thì không vận dụng tỷ lệ (%) mà chỉ nên chọn một số tập thể cá nhân thật sự tiêu biểu, điển hình nhất trong phong trào thi đua để khen thưởng.
Trên đây là định hướng chung của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh, các đơn vị, địa phương căn cứ vào thực tế phong trào thi đua, mức độ hoàn thành nhiệm vụ và khả năng quỹ khen thưởng được trích lập, để xác định mức độ khen thưởng theo thẩm quyền của cấp mình cho phù hợp.
* Tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh:
UBND tỉnh tặng Cờ thi đua cho những đơn vị xuất sắc nhất, dẫn đầu phong trào thi đua thuộc các khối thi đua.
b) Cơ cấu xét khen thưởng:
Nhằm thúc đẩy phong trào thi đua sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, việc xét khen thưởng tổng kết công tác năm yêu cầu các đơn vị, địa phương phải đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức. Bình đẳng, dân chủ, công khai trong xét khen thưởng. Mọi cán bộ, công chức, viên chức có thành tích trong công tác đều được xem xét khen thưởng:
- Căn cứ vào mức độ thành tích đạt được, theo chức trách được giao của từng đối tượng để xét khen thưởng.
- Phân định thành các nhóm đối tượng xét khen, trên cơ sở so sánh thành tích giữa các cá nhân có cùng chức trách nhiệm vụ được giao, có thể phân định thành các nhóm để xét riêng như sau:
+ Cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý chủ chốt của đơn vị, địa phương.
+ Cán bộ cấp trưởng, phó phòng và tương đương.
+ Các chuyên viên, cán sự, trợ lý.
+ Nhân viên phục vụ, công nhân.
6. Hồ sơ đề nghị khen thưởng gồm có:
- Tờ trình kèm danh sách khen thưởng (02 bản) gửi đĩa A (danh sách đề nghị khen thưởng).
- Biên bản họp Hội đồng Thi đua – Khen thưởng (02 bản).
- Báo cáo thành tích của tập thể, cá nhân có xác nhận của cấp trình khen (01 bản).
- Xác nhận thuế và BHXH (đơn vị sản xuất – kinh doanh) 01 bản.
- Báo cáo tổng kết công tác TĐKT năm 2008 (01 bản).
- Bản tổng hợp đăng ký thi đua năm 2008 của đơn vị, địa phương.
7. Thời gian thực hiện khen thưởng:
- Công tác xét khen thưởng tổng kết năm bắt đầu thực hiện trong quý IV/2008 và kết thúc trong quý I/2009, quá thời gian quy định trên mọi đề nghị xét khen thưởng của các đơn vị, địa phương sẽ không được xem xét giải quyết.
- Để đảm bảo thời gian đề nghị tặng thưởng cờ thi đua của Chính phủ, trong tháng 2/2009 khối trưởng, khối phó và các thành viên trong các khối thi đua tiến hành chấm điểm, xếp hạng thi đua. Căn cứ mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, kết quả chấm điểm xếp hạng thi đua của khối, Hội đồng TĐKT khối xét đề nghị tặng cờ thi đua của Chính phủ, tặng cờ thi đua và bằng khen của UBND tỉnh cho các đơn vị thành viên trong khối theo thứ tự nhất, nhì, ba. Thời gian hồ sơ về UBND tỉnh (qua Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh) chậm nhất là cuối tháng 2/2009
- Hồ sơ khen thưởng các đơn vị gửi về Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh trước 15 ngày để kiểm tra, xem xét hoàn tất thủ tục trình UBND tỉnh quyết định khen thưởng. Hồ sơ thực hiện theo mẫu quy định, những hồ sơ không đạt yêu cầu thì sẽ trả lại để hoàn chỉnh thủ tục theo quy định.
* Thời gian trình Chính phủ và Chủ tịch nước khen:
+ Cờ thi đua Chính phủ, CSTĐ toàn quốc: Các đơn vị, địa phương hoàn chỉnh hồ sơ gửi về Ban TĐKT tỉnh trong tháng 02/2009.
+ Bằng khen TTCP, HCLĐ: Các đơn vị, địa phương hoàn chỉnh hồ sơ khen thưởng và gửi về Ban TĐKT tỉnh 02 đợt:
- Đợt 1: Khen kinh tế - xã hội: Hồ sơ gửi về Ban TĐKT tỉnh (Sở Nội vụ) trước ngày 30/4/2009 (đây là đợt khen chính trong năm).
- Đợt 2: Khen theo chuyên đề và các hình thức khen đặc thù khác – từ tháng 6 đến cuối tháng 10 năm 2009.
Các đơn vị, địa phương dự kiến đề nghị Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng liên hệ trực tiếp Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh để được hướng dẫn lập hồ sơ.
Phần 2.
PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CÔNG TÁC THI ĐUA KHEN THƯỞNG NĂM 2009
1. Tổ chức phát động phong trào thi đua:
Năm 2009 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần VIII, năm thứ tư thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 8/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2006 và kế hoạch 5 năm (2006-2010). Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trước tình hình thế giới, trong nước có nhiều thời cơ, vận hội mới, nhưng cũng có không ít khó khăn thách thức. Vì vậy công tác thi đua cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu sau đây:
- Căn cứ Nghị quyết của Tỉnh ủy, chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ công tác được HĐND-UBND tỉnh giao đầu năm và Nghị quyết chương trình công tác của tổ chức, đoàn thể cấp trên, Thủ trưởng các ngành, các cấp, các cơ quan đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch thi đua và tổ chức phát động phong trào thi đua, theo tinh thần Chỉ thị 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 17/2006/CT-TTg ngày 08/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ và các Công văn của UBND tỉnh, về phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.
- Phát động phong trào thi đua yêu nước gắn với cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị 06/CT-TW của Bộ Chính trị, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn xã hội về thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, ý thức tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất đạo đức. Tiếp tục thực hiện tốt Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật phòng chống tham nhũng, Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về kiềm chế tai nạn giao thông trong các ngành, các cấp, Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP ngày 17/4/2008 của Chính phủ về các biện pháp kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế bền vững. Tập trung đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính nhằm đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.
- Tiếp tục quán triệt thực hiện Luật TĐKT, Nghị định 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ, Thông tư số 01/2007/TT-VPCP ngày 31/7/2007 của Văn phòng Chính phủ, Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 09/11/2006 của UBND tỉnh việc ban hành quy định về tổ chức chia khối thi đua và thực hiện chấm điểm, xếp hạng thi đua, Phát động phong trào thi đua yêu nước, tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nội dung thi đua đã ký giao ước đầu năm.
Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương có thể tổ chức các đợt thi đua ngắn hạn, mốc thời gian thi đua lấy các ngày kỷ niệm lịch sử của đất nước, của đơn vị địa phương để phát động thi đua.
2. Biện pháp tổ chức thực hiện:
- Để làm tốt các nội dung tổ chức phát động thi đua như trên, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các Cấp ủy Đảng, Chính quyền và các tổ chức đoàn thể đối với công tác TĐKT, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong việc tổ chức phong trào thi đua, ký kết giao ước thi đua thực hiện nhiệm vụ được giao từ đầu năm.
- Không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động thi đua theo hướng thiết thực, chất lượng và hiệu quả; tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị địa phương, hướng công tác thi đua khen thưởng về cơ sở và người lao động, nhằm động viên, khích lệ phát huy tốt năng lực, tư duy sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân.
- Triển khai cho từng tập thể, cá nhân đăng ký thi đua thực hiện nhiệm vụ công tác được giao, đăng ký các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng (đây là cơ sở để cơ quan, đơn vị xét khen thưởng cuối năm). Trong năm 2009 các đơn vị, địa phương phải thực hiện tốt Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 09/11/2006 của UBND tỉnh về chia khối thi đua, ký kết giao ước thi đua, chấm điểm xếp hạng thi đua.
- Quá trình tổ chức, phong trào thi đua, chú trọng làm tốt công tác xây dựng điển hình tiên tiến, công tác tuyên truyền thi đua, có nhiều hình thức thích hợp biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Kết thúc từng đợt thi đua tiến hành sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân làm tốt để làm cơ sở xét khen thưởng vào cuối năm.
- Tiếp tục kiện toàn củng cố bộ máy và hoạt động của Hội đồng TĐKT ở các cấp, các ngành theo Nghị định 122/2005/NĐ-CP ngày 04/10/2005, đảm bảo đủ thành phần, phân công cá nhân làm Thường trực HĐTĐKT của các sở, ban, ngành, đoàn thể. Các huyện, thị cần bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác TĐKT, tránh tình trạng kiêm nhiệm như một số huyện, thị hiện nay.
- Định kỳ 6 tháng các đơn vị, địa phương tiến hành sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và tiến hành tổng kết vào dịp cuối năm: Gửi báo cáo sơ kết, tổng kết về UBND tỉnh (qua Ban TĐKT tỉnh) để tổng hợp báo cáo phong trào thi đua toàn tỉnh về Trung ương và Cụm thi đua các tỉnh Miền đông Nam bộ.
- Chuẩn bị nội dung và xây dựng kế hoạch tổ chức sơ kết thực hiện Chỉ thị 17/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua, chuẩn bị tiến tới Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Bình Phước lần thứ III và Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ VIII vào năm 2010.
Trên đây là một số nội dung hướng dẫn tổng kết công tác TĐKT năm 2008 và tổ chức phát động phong trào năm 2009. Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương căn cứ hướng dẫn này tổ chức triển khai thực hiện đạt kết quả tốt nhất.
Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì vướng mắc, các đơn vị, địa phương liên hệ với Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh (Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh) để xem xét phối hợp giải quyết.
* Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh gửi kèm một số biểu mẫu để thống nhất thực hiện trong lập hồ sơ khen thưởng./.
Nơi nhận: | TM. HỘI ĐỒNG TĐKT TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.