BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2087/BKHĐT-QLKKT | Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 2014 |
Kính gửi: | - Các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài Chính, Công Thương, Nội vụ, Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Quốc phòng, Công an, Tư pháp; Thanh tra Chính phủ; |
Ngày 12/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 164/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 quy định về khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất và khu kinh tế (KKT), có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.
Điều 1 của Nghị định 164/2013/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các Bộ, ngành và chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý KCN, KKT trong quản lý nhà nước đối với các KCN, KKT. Khoản 2 Điều 2 Nghị định 164/2013/NĐ-CP quy định: Trong thời gian 6 tháng kể từ khi Nghị định này có hiệu lực, các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn hoặc ủy quyền Ban quản lý KCN, KKT thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Nghị định.
Tại văn bản số 100/TB-VPCP ngày 10/3/2014 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo về phát triển KKT, KCN đã giao các Bộ ngành khẩn trương nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn việc phân cấp, ủy quyền thống nhất cho Ban quản lý KKT, KCN về các chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định 164/2013/NĐ-CP , báo cáo kết quả tại cuộc họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo,
Triển khai các quy định nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị:
- Các Bộ ngành trong phạm vi lĩnh vực quản lý của mình, nghiên cứu, có văn bản hướng dẫn thống nhất các Ban quản lý KCN, KKT thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với KCN, KKT được giao trực tiếp hoặc ủy quyền theo quy định tại Điều 37 Nghị định 29/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 164/2013/NĐ-CP .
(Xin gửi kèm theo phụ lục tổng hợp quyền hạn, trách nhiệm của các Bộ, ngành theo quy định tại Nghị định 164/2013/NĐ-CP)
- UBND các tỉnh, thành phố Trung ương phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và chủ động phân công, chỉ đạo Ban quản lý KKT, KCN thực hiện tốt nhiệm vụ đầu mối quản lý nhà nước KKT, KCN trên địa bàn theo Nghị định 164/2013/NĐ-CP .
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo kết quả thực hiện các nội dung nêu trên tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15 tháng 7 năm 2014 để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo về phát triển KKT, KCN.
Mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Quý cơ quan./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Quyền hạn, trách nhiệm của các Bộ, ngành theo quy định tại Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì xây dựng Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban quản lý.
- Chủ trì xây dựng Đề án kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước khu công nghiệp, khu kinh tế từ Trung ương tới địa phương.
- Ban hành hướng dẫn thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về khu công nghiệp, khu kinh tế.
(Khoản 11 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP bổ sung khoản 8, 9, 10 Điều 24 Nghị định 29/2008/NĐ-CP)
- Phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn quy định Điều 21 Nghị định 29/2008/NĐ-CP được bổ sung, sửa đổi tại Khoản 9 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP.
- Phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn về phát triển nhà ở cho người lao động khu công nghiệp, khu kinh tế.
2. Bộ Tài chính:
Chủ trì hướng dẫn các quy định tại Điều 21 Nghị định 29/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP liên quan tới hoạt động của khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất.
3. Bộ Nội vụ:
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban quản lý.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước khu công nghiệp, khu kinh tế từ Trung ương tới địa phương.”
(Khoản 12 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP bổ sung khoản 4, khoản 5 Điều 25 Nghị định 29/2008/NĐ-CP)
4. Bộ Công Thương:
- Ủy quyền cho Ban Quản lý cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa sản xuất trong khu công nghiệp, khu kinh tế; cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung và gia hạn Giấy phép thành lập văn phòng đại diện thương mại của tổ chức và thương nhân nước ngoài đặt trụ sở tại khu công nghiệp, khu kinh tế; cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với những mặt hàng hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật.
- Hướng dẫn Ban quản lý cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy phép kinh doanh đối với hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế.
(Khoản 14 Nghị định 164/2013/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung Điều 28 Nghị định 29/2008/NĐ-CP)
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính hướng dẫn Điều 21 Nghị định 29/2008/NĐ-CP được sửa đổi tại Khoản 9 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP.
5. Bộ Xây dựng:
- Chủ trì hướng dẫn quy định về phát triển nhà ở cho người lao động khu công nghiệp, khu kinh tế (khoản 10 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP, bổ sung Điều 21c Nghị định 29/2008/NĐ-CP).
- Hướng dẫn việc ủy quyền cho Ban quản lý thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định 29/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 164/2013/NĐ-CP và một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng trong khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của pháp luật về xây dựng.
(Khoản 13 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP bổ sung khoản 3 vào Điều 27 Nghị định 29/2008/NĐ-CP)
- Nhiệm vụ của Ban quản lý trong lĩnh vực xây dựng (tại khoản 21 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 37 Nghị định 29/2008/NĐ- CP tại điểm c khoản 3): Điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt của khu công nghiệp, các khu chức năng trong khu kinh tế nhưng không làm thay đổi chức năng sử dụng khu đất và cơ cấu quy hoạch; thẩm định thiết kế cơ sở đối với các dự án nhóm B, C hoặc cấp, gia hạn Giấy phép xây dựng công trình đối với công trình xây dựng phải có Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Hướng dẫn việc ủy quyền cho Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định 29/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 164/2013/NĐ-CP và một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trong khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
(Khoản 15 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP bổ sung khoản 3 Điều 29 Nghị định 29/2008/NĐ-CP)
- Nhiệm vụ của Ban quản lý trong lĩnh vực môi trường (khoản 21 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 37 Nghị định 29/2008/NĐ-CP tại điểm h khoản 3): Tổ chức thực hiện thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong khu công nghiệp, khu kinh tế; cấp giấy xác nhận cho các đối tượng thuộc diện đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế; thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận đề án bảo vệ môi trường chi tiết và đề án bảo vệ môi trường đơn giản cho các dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế (khoản 21 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 37 Nghị định 29/2008/NĐ-CP tại điểm h khoản 3).
7. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Hướng dẫn việc ủy quyền cho Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định 29/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 164/2013/NĐ-CP và một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của pháp luật về lao động.
(Khoản 16 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP sửa đổi Điều 31 Nghị định 29/2008/NĐ-CP)
- Nhiệm vụ của Ban quản lý trong lĩnh vực lao động (khoản 21 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 37 Nghị định 29/2008/NĐ-CP tại điểm d khoản 3): Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy phép lao động cho lao động là công dân nước ngoài vào làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế; đăng ký nội quy lao động; tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể; tiếp nhận thang lương, bảng lương, định mức lao động ; đăng ký kế hoạch đưa người lao động đi thực tập ở nước ngoài dưới 90 ngày cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
8. Bộ Quốc phòng:
- Chỉ đạo, hướng dẫn Bộ đội Biên phòng tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm soát xuất, nhập cảnh, kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với người, phương tiện ra vào, hoạt động tại khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu cảng biển thuộc khu kinh tế.
- Phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú đối với người nước ngoài trong khu kinh tế.
(Khoản 18 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP bổ sung Điều 32a Nghị định 29/2008/NĐ-CP)
9. Bộ Công an:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú đối với người nước ngoài trong khu kinh tế.
(Khoản 17 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP bổ sung khoản 3 Điều 32 Nghị định 29/2008/NĐ-CP)
10. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch:
Hướng dẫn việc ủy quyền cho Ban quản lý cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung và gia hạn Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh trong khu kinh tế đối với doanh nghiệp du lịch nước ngoài
(Khoản 19 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP bổ sung khoản 2 Điều 33 Nghị định 29/2008/NB-CP)
11. Bộ Tư pháp:
Hướng dẫn Ban quản lý thực hiện xác nhận hợp đồng, văn bản về bất động sản trong khu công nghiệp, khu kinh tế cho tổ chức có liên quan.
(Khoản 21 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 37 Nghị định 29/2008/NĐ-CP tại điểm g khoản 3).
12. Thanh tra Chính phủ:
Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn về hoạt động thanh tra đối với khu công nghiệp, khu kinh tế. (Khoản 20 Điều 1 Nghị định 164/2013/NĐ-CP bổ sung Điều 33a Nghị định 29/2008/NĐ-CP).
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.