BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2083/LĐTBXH-VP | Hà Nội, ngày 18 tháng 06 năm 2014 |
Kính gửi: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam được xây dựng trên cơ sở Hiệp định ngày 22 tháng 12 năm 1987 giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Làng trẻ em SOS quốc tế với mục đích chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi theo mô hình dựa trên nền tảng gia đình với bốn nguyên tắc sư phạm là: Bà mẹ; Anh - chị em; Mái ấm gia đình và Cộng đồng Làng. Đến nay, sau 27 năm ký Hiệp định, tại Việt Nam đã có 16 Làng trẻ em SOS, đứng thứ 3 trong tổng 133 quốc gia và vùng lãnh thổ có Làng trẻ em SOS (sau Ấn Độ và Brasil); với 4.500 trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các Làng trẻ em SOS cơ sở, trong đó có trên 1.500 em đã trở về, hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định, có gia đình riêng là những con số rất ấn tượng, góp phần vào thành tựu chung trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Văn phòng Làng trẻ em SOS Việt Nam tại các Làng trẻ em SOS cơ sở hiện đang thiếu trẻ để đưa vào nuôi dưỡng và khó khăn trong tuyển dụng bà mẹ, bà dì. Tình trạng thiếu bà mẹ, bà dì, thiếu trẻ đang gây lãng phí lớn về cơ sở vật chất, nguồn lực, tâm huyết do những người hảo tâm, có tình yêu thương con trẻ trên toàn thế giới đóng góp, hỗ trợ thông qua Làng trẻ em SOS quốc tế cho Việt Nam. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Làng trẻ em SOS, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị:
1. Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố có Làng trẻ em SOS
- Có giải pháp tuyên truyền đến từng địa bàn xã, phường, thị trấn và người giám hộ, người đại diện của trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi về các thành tựu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại Làng trẻ em SOS thông qua các nguyên tắc, phương pháp sư phạm; kết quả tu dưỡng, rèn luyện, học tập của các trẻ, đặc biệt là những gương điển hình; các chế độ, chính sách đối với bà mẹ, bà dì nhằm thu hút sự quan tâm của các đối tượng tuyển dụng, tiếp nhận vào Làng trẻ em SOS.
- Chỉ đạo, hỗ trợ Làng trẻ em SOS tiến hành điều tra, khảo sát tuyển dụng bà mẹ, bà dì và đón thêm trẻ vào Làng trẻ em SOS nhằm đảm bảo số lượng theo quy định; trường hợp trên địa bàn tỉnh, thành phố không tuyển dụng đủ thì có cơ chế phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố lân cận, nơi chưa có Làng trẻ em SOS để tuyển dụng bà mẹ, bà dì và đón nhận các trẻ nhằm giúp các em được tiếp cận với một môi trường chăm sóc tiêu chuẩn, tránh lãng phí cơ sở vật chất, nguồn lực (có phụ lục về số lượng tuyển dụng, tiếp nhận trẻ em tại các Làng trẻ em SOS kèm theo).
- Hàng năm chủ động xây dựng phương án, kế hoạch trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quan tâm, bố trí nguồn lực để cùng với nguồn kinh phí của Làng trẻ em SOS quốc tế cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại Làng trẻ em SOS cơ sở.
2. Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chưa có dự án Làng trẻ em SOS
Hỗ trợ và tạo điều kiện để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Làng trẻ em SOS các tỉnh, thành phố nơi có dự án Làng trẻ em SOS triển khai việc khảo sát, tuyển dụng bà mẹ, bà dì và đón các trẻ của địa phương vào các Làng trẻ em SOS.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động triển khai thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
TUYỂN DỤNG, TIẾP NHẬN TRẺ EM TẠI CÁC LÀNG TRẺ EM SOS
(Kèm theo Công văn số 2083/LĐTBXH-VP ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
1. Đối với bà mẹ, bà dì:
- Số bà mẹ, bà dì cần phải tuyển dụng, bổ sung như sau: Làng trẻ em SOS Gò Vấp: 12; Làng trẻ em SOS Đà Lạt: 11 người; Làng trẻ em SOS Hà Nội: 9; Làng trẻ em SOS Vinh: 9; Làng trẻ em SOS Đà Nẵng: 8; Làng trẻ em SOS Cà Mau: 4 và Làng trẻ em SOS Hải Phòng: 4.
- Ngoài ra do thiếu bà mẹ nên Làng trẻ em SOS Pleiku và Làng trẻ em SOS Thái Bình đều còn 8 nhà để trống chưa đưa được vào sử dụng.
2. Đối với việc tiếp nhận trẻ em
Theo quy định, mỗi nhà gia đình SOS cần nuôi dưỡng thường xuyên 9-10 trẻ. Tuy nhiên, số liệu thống kê hiện nay cho thấy số trẻ bình quân một nhà gia đình của Làng trẻ em SOS mới chỉ đạt 7,8 trẻ/nhà. Những nơi có số trẻ bình quân trong một nhà gia đình thấp là Làng trẻ em SOS Đà Lạt (6,8 trẻ/nhà), Nha Trang (7,0 trẻ/nhà), Đà Nẵng và Quy Nhơn (7,6 trẻ/nhà), Làng trẻ em SOS Pleiku đã xây dựng xong từ tháng 9/2013 với 12 nhà gia đình, nhưng do thiếu bà mẹ nên mới chỉ tiếp nhận được 26 trẻ, trong khi công suất là 120 trẻ; Làng trẻ em SOS Thái Bình gặp khó khăn trong việc tiếp nhận trẻ nên mới có 25 trẻ được tiếp nhận, trong khi công suất của 14 nhà là 140 trẻ. Số trẻ còn thiếu, cần phải tiếp nhận bổ sung thêm là 300 trẻ (hơn cả số lượng trẻ của một Làng trẻ em SOS) thì mới đạt công suất bình quân 9 trẻ/nhà./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.