VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2042/QHQH | Hà Nội, ngày 29 tháng 4 năm 1996 |
CÔNG VĂN
CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 2042/QHQH NGÀY 29 THÁNG 4 NĂM 1996 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA CP VÀ MTTQ
Kính gửi: | - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ, |
Ngày 24 tháng 4 năm 1996, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký quy chế chung về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Văn phòng Chính phủ xin gửi bản quy chế đến các Bộ, ngành, địa phương để phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp triển khai thực hiện.
| Lê Xuân Trinh (Đã ký) |
QUY CHẾ
Về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Uỷ ban Trung ương mặt trận Tổ Quốc Việt Nam
Điều 1.- Bản quy chế này cụ thể hoá mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam trong việc thực hiện các Điều 9, 111, 112, 125 Hiến pháp năm 1992, Điều 39 Luật tổ chức Chính phủ và Điều 19 Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Điều 2.- Trong các cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội, bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân, Chính phủ phối hợp với Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam thực hiện Luật bầu cử, đảm bảo sự thống nhất trong việc hưởng dẫn chỉ đạo Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban MTTQ các cấp tiến hành công tác bầu cử.
Điều 3.- Khi xây dựng, bổ sung, sửa đổi Luật, Pháp lệnh, và Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đến các tầng lớp xã hội mà Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam trực tiếp vận động, đến nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam thì Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm gửi dự thảo văn bản để lấy ý kiến của Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam. Các cơ quan Chính phủ chủ trì dự thảo văn bản có trách nhiệm giải trình những vấn đề nêu trong văn bản khi Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam yêu cầu.
Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam góp ý bằng văn bản về các dự thảo đó gửi Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp còn có ý kiến khác nhau giữa Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam và Chính phủ về dự thảo luật, pháp lệnh thì Chính phủ có trách nhiệm báo cáo những ý kiến đó với Uỷ ban thường vụ Quốc hội khi trình các văn bản.
Điều 4.- Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam có trách nhiệm phản ánh với Chính phủ những ý kiến của nhân dân đối với các văn bản pháp luật, kịp thời kiến nghị với Chính phủ về những văn bản pháp luật do Chính phủ ban hành không còn phù hợp với thực tiễn để Chính phủ xem xét sửa đổi hoặc bổ sung.
Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm gửi cho Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam những văn bản pháp luật mới ban hành, để Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam phối hợp vận động nhân dân thực hiện và giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện Pháp luật.
Điều 5.- Đối với các cuộc vận động toàn dân mà Chính phủ đề nghị Mặt trận tiến hành, Chính phủ bàn với Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam về mục tiêu, nội dung cuộc vận động và tạo điều kiện vật chất để Mặt trận tổ chức triển khai. Nếu cuộc vận động do Chính phủ đề xướng cần Mặt trận tham gia thì Chính phủ mời đại diện Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam tham gia Ban chỉ đạo. Những cuộc vận động toàn dân do Mặt trận đề xướng, Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam bàn bạc với Chính phủ trước khi tiến hành.
Ban thường trực Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc thực hiện những cuộc vận động có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Bộ ngành đó.
Điều 6.- Trong việc thực hiện chức năng giám sát, Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam kiến nghị Chính phủ xem xét, giải quyết và trả lời bằng văn bản cho Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam về những vụ việc do cơ quan hành chính, cán bộ, công chức có hành vi làm trái pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của xã hội và các quyền lợi hợp pháp của công dân.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo của công dân do Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam chuyển đến phải giải quyết theo trách nhiệm, thẩm quyền và thời gian quy định tại Pháp lệnh khiếu nại tố cáo của công dân và trả lời bằng văn bản cho Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam.
Điều 7.- Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, hàng năm Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam lập dự trù kinh phí gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư để giúp Chính phủ lập dự toán Ngân sách trình Quốc hội thông qua theo Luật ngân sách.
Chính phủ cung cấp kinh phí cho các chương trình, dự án quốc gia do Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam đảm nhận hoặc tham gia.
Điều 8.- Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam hoặc đại diện Đoàn Chủ tịch được mời dự các phiên họp của Chính phủ bàn về những vấn đề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các tầng lớp nhân dân, đến các lực lượng xã hội mà Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam trực tiếp vận động, đến hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ hoặc các thành viên của Chính phủ được mời đến dự các kỳ họp của Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam hoặc Đoàn Chủ tịch Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam khi bàn về các vấn đề có liên quan đến công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.
Khi Đoàn Chủ tịch Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam yêu cầu, Chính phủ cử người đại diện đến dự hội nghị Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam để thông báo tình hình đất nước và chủ trương công tác của Chính phủ.
Điều 9.- Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam tổ chức làm việc liên tịch hàng năm vào quý IV hoặc khi cần thiết để trao đổi về những vấn đề cần thiết trong mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam. Thời gian, chương trình làm việc do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Văn phòng Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam chuẩn bị.
Điều 10.- Trên cơ sở quy chế này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng với Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc các địa phương xây dựng và ban hành quy chế về mối quan hệ công tác giữa Uỷ ban nhân dân và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.