BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1981/BCT-CNNg | Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 2013 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên
Ngày 05 tháng 02 năm 2013 Bộ Công Thương có công văn số 183/BCT-CNNg gửi UBND Tỉnh về việc xuất khẩu khoáng sản tồn kho của các doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên. Đối với một số trường hợp doanh nghiệp còn thiếu hồ sơ theo quy định và chưa có đủ cơ sở để có ý kiến, Bộ Công Thương đã thông báo cụ thể.
Sau khi xem xét hồ sơ bổ sung của các doanh nghiệp chưa được thông báo xuất khẩu tại công văn số 1183/BCT-CNNg nêu trên, Bộ Công Thương hướng dẫn việc xuất khẩu tiếp theo đối với các doanh nghiệp đó như sau:
1. Đối với tinh quặng sắt tồn kho
a) Công ty TNHH Vương Anh
Đối với 103.897 tấn chưa giải quyết xuất khẩu trong đợt 1, theo hồ sơ bổ sung của Công ty (công văn số 02/2013/CV ngày 22 tháng 02 năm 2013) kèm theo Biên bản ngày 21 tháng 02 năm 2013 của Đoàn kiểm tra liên ngành thì sau khi tuyển, Công ty thu được 85.000 tấn tinh quặng sắt đủ điều kiện xuất khẩu, vì vậy Bộ Công Thương thống nhất việc xuất khẩu bổ sung đợt 2 tối đa 85.000 tấn tinh quặng sắt.
b) Doanh nghiệp tư nhân Anh Thắng
Doanh nghiệp tư nhân Anh Thắng (chưa được xem xét xuất khẩu trong đợt 1) được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cấp Giấy phép khai thác mỏ sắt Hoan, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ (số 3447/GP-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2009) với công suất khai thác 186.000 tấn quặng nguyên
khai/năm, thời gian khai thác 14 năm.
Theo Biên bản ngày 10 tháng 01 năm 2013 của Đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra xác nhận tại kho xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ số lượng quặng sắt tồn kho là 150.000 tấn (Tại Biên bản kiểm tra có sự nhầm lẫn và ghi là 150 triệu tấn)
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đề nghị cho Doanh nghiệp Anh Thắng được xuất khẩu 150.000 tấn quặng sắt.
Sau khi xem xét hồ sơ, Bộ Công Thương thống nhất việc Doanh nghiệp Anh Thắng xuất khẩu tối đa 100.000 tấn quặng sắt với hàm lượng Fe ≥ 54%; số 50.000 tấn để lại cung cấp cho Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO).
c) Hợp tác xã công nghiệp và vận tải Chiến Công
Hợp tác xã công nghiệp và vận tải Chiến Công đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cấp 07 Giấy phép còn hiệu lực với tổng công suất khai thác là 256.000 tấn quặng nguyên khai/năm.
Theo Biên bản ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Đoàn kiểm tra liên ngành có kiểm tra thực tế tại các kho của Hợp tác xã công nghiệp và vận tải Chiến Công và xác định số lượng tồn kho là 231.893 tấn.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đề nghị cho Hợp tác xã công nghiệp và vận tải Chiến Công được xuất khẩu 230.000 tấn tinh quặng sắt.
Sau khi xem xét hồ sơ nêu trên, Bộ Công Thương thống nhất việc Hợp tác xã công nghiệp và vận tải Chiến Công xuất khẩu tối đa 100.000 tấn quặng sắt có hàm lượng Fe ≥ 54%; để lại 130.000 tấn quặng sắt cung cấp cho TISCO theo hợp đồng nguyên tắc mà Hợp tác xã công nghiệp và vận tải Chiến Công đã ký với TISCO.
Đối với Doanh nghiệp Anh Thắng và HTX Chiến Công, Bộ Công Thương không thống nhất việc xuất khẩu toàn bộ khối lượng tinh quặng sắt tồn kho như đề nghị của UBND tỉnh và của doanh nghiệp, một mặt do khi xin cấp giấy phép khai thác mỏ doanh nghiệp đã phải xác định được nguồn tiêu thụ (không được xuất khẩu), mặt khác tự doanh nghiệp cũng phải chịu một phần trách nhiệm khi khai thác quá khả năng tiêu thụ thực tế, mặc dù Bộ Công Thương đã nhiều lần cảnh báo về việc phải điều chỉnh kế hoạch khai thác cho phù hợp khả năng tiêu thụ.
2. Đối với tinh quặng ilmenit tồn kho
- Công ty CP Khoáng sản An Khánh: Công ty có Giấy phép khai thác quặng ilmenit gốc tại phía Tây mỏ Cây Châm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương với công suất khai thác 110.010 tấn quặng nguyên khai/năm, thời hạn khai thác đến hết ngày 17 tháng 12 năm 2020.
Theo Biên bản của Đoàn kiểm tra liên ngành ngày 02 tháng 01 năm 2013 xác nhận lượng tồn kho của Công ty là 180.000 tấn có kèm theo sơ đồ kho chứa tinh quặng với khối lượng tính toán trên cơ sở đo khối hộp quặng dạng hình thang là 180.087,5 tấn. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái nguyên đề nghị cho Công ty CP Khoáng sản An Khánh xuất khẩu 180.000 tấn tinh quặng ilmenit.
Qua kiểm tra hồ sơ của Công ty cho thấy: tại Giấy phép khai thác số 1179/GP-BTNMT ngày 20 tháng 6 năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho Công ty đã quy định công suất khai thác là 110.000 tấn/năm quặng nguyên khai. Với thời gian hiệu lực của Giấy phép khai thác mới có 1,5 năm, số liệu tinh quặng tồn kho chưa phù hợp với khả năng sản xuất thực tế. Vì vậy, Bộ Công Thương chưa có đủ cơ sở để có ý kiến về việc xuất khẩu 180.000 tấn tinh quặng ilmenit tồn kho của Công ty An Khánh.
3. Đối với tinh quặng chì, kẽm tồn kho
- Công ty TNHH Doanh Trí: Công ty TNHH Doanh Trí được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cấp Giấy phép khai thác mỏ chì kẽm Côi Kỳ, xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ với công suất 9.600 tấn quặng nguyên khai/năm, thời hạn khai thác 11 năm.
Công ty đã ký các Hợp đồng mua quặng chì kẽm số 01/HĐMB/2009 ngày 01 tháng 8 năm 2009 và số 23/HĐMB/2009 ngày 24 tháng 11 năm 2009 với Công ty TNHH Thành Ngân có tổng số lượng quặng nguyên khai của 02 Hợp đồng là 30.000 tấn.
Công ty đã ký các Hợp đồng gia công quặng chì kẽm số 39/2009/HĐKT ngày 20 tháng 8 năm 2009 với Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn và số 08A/2011/HĐKT ngày 10 tháng 02 năm 2011 với Công ty TNHH Việt Trung có tổng số lượng quặng nguyên khai gia công của 02 Hợp đồng là 28.000 tấn.
Tại Biên bản kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành xác nhận:
Theo sổ sách xuất nhập kho và hóa đơn đầu vào của Công ty, hiện đang tồn kho 10.000 tấn tinh quặng kẽm hàm lượng 45% đến 50%, 3.500 tấn tinh quặng chì hàm lượng 50% đến 60%, tại các sơ đồ kèm theo thì tinh quặng kẽm tồn kho là 5.173 tấn, tinh quặng chì tồn kho là 3.042 tấn.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đề nghị cho xuất khẩu 8.000 tấn tinh quặng kẽm, 3.000 tấn tinh quặng chì. Bộ Công Thương thống nhất việc Công ty TNHH Doanh Trí xuất khẩu tối đa 5.000 tấn tinh quặng kẽm, 3.000 tấn tinh quặng chì.
(Tên gọi doanh nghiệp, số lượng và chất lượng khoáng sản xuất khẩu xem Phụ lục kèm theo.)
4. Do yêu cầu xử lý sớm việc xuất khẩu khoáng sản tồn đọng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã có công văn số 12397/BCT-CNNg ngày 21 tháng 12 năm 2012 hướng dẫn kỹ về việc kiểm tra khoáng sản tồn đọng. Tuy nhiên, là địa phương có nhiều khoáng sản - tỉnh Thái Nguyên những năm vừa qua cũng là một trong những tỉnh mà tình hình khai thác, mua bán khoáng sản diễn biến phức tạp nhất. Vì vậy, để việc xuất khẩu khoáng sản tồn kho đạt được mục tiêu đề ra và không vi phạm pháp luật về khoáng sản, Bộ Công Thương đặc biệt lưu ý UBND tỉnh Thái Nguyên quan tâm thực hiện những việc sau:
- Tổng kiểm tra lại toàn bộ các giấy phép khai thác, các hợp đồng mua bán khoáng sản của các doanh nghiệp có khoáng sản tồn đọng xin xuất khẩu và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của khối lượng khoáng sản mà UBND tỉnh đề nghị cho các doanh nghiệp xuất khẩu (tại công văn số 78/UBND-KTN ngày 16 tháng 01 năm 2013).
- Có ý kiến đối với trường hợp của Công ty CP khoáng sản An Khánh (trước hết là về nguồn gốc của số lượng tinh quặng tồn kho lớn) để Bộ Công Thương có cơ sở có ý kiến về việc xuất khẩu.
5. Việc xuất khẩu khoáng sản lần này được Thủ tướng Chính phủ cho phép như một giải pháp xử lý tình thế đặc cách để giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thu hồi vốn ứ đọng, tạo thêm nguồn lực giúp doanh nghiệp góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ và chỉ áp dụng đối với một số loại khoáng sản tồn kho của năm 2012 đã được kiểm tra, xác nhận. Vì vậy, để đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra, đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
- Chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng tồn kho của các doanh nghiệp theo quy định hiện hành; chỉ đạo các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp khác (cả trong và ngoài tỉnh) xuất khẩu cùng một mặt hàng để đạt hiệu quả xuất khẩu cao nhất, tránh bị ép giá.
- Trong quá trình thực hiện xuất khẩu, nếu có doanh nghiệp chế biến khoáng sản (bất kể trong hay ngoài tỉnh) cần mua tinh quặng để chế biến phục vụ nhu cầu trong nước thì doanh nghiệp có hàng tồn kho phải ưu tiên bán trước hết cho trong nước.
- Dừng việc xuất khẩu và xử lý nghiêm theo pháp luật mọi hành vi vi phạm như thu gom quặng khai thác trái phép, phá giá, kê khai giá thấp để gian lận thuế, quay vòng chứng từ...
- Chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác trên địa bàn điều chỉnh kế hoạch sản xuất năm 2013 phù hợp với khả năng, nhu cầu tiêu thụ trong nước, không để tiếp tục tái diễn tình trạng tồn kho khoáng sản như thời gian vừa qua.
Trên đây là ý kiến của Bộ Công Thương về việc xuất khẩu đợt 2 đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đề nghị quý Ủy ban hướng dẫn các cơ quan và doanh nghiệp liên quan triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
DOANH NGHIỆP ĐƯỢC XUẤT KHẨU KHOÁNG SẢN
(Kèm theo công văn số 1981/BCT-CNNg ngày 08 tháng 03 năm 2013)
TT | Loại khoáng sản, doanh nghiệp | Số lượng tối đa (Tấn) | Đặc tính chất lượng |
I | Quặng sắt | 285.000 |
|
1 | Công ty TNHH Vương Anh | 85.000 | Fe ≥ 54% |
2 | Doanh nghiệp Anh Thắng | 100.000 | Fe ≥ 54% |
3 | Hợp tác xã công nghiệp và vận tải Chiến Công | 100.000 | Fe ≥ 54% |
II | Tinh quặng chì, kẽm | 8.000 |
|
4 | Công ty TNHH Doanh Trí - Tinh quặng kẽm - Tinh quặng chì |
5.000 3.000 |
Zn ≥ 50% Pb ≥ 60% |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.