BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1949/BGTVT-KHĐT | Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 2009 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện Quyết định số 458/QĐ-TTg ngày 28/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo thực hiện quy hoạch di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son do Bộ trưởng Bộ GTVT làm trưởng ban, sau một năm hoạt động, thay mặt Ban chỉ đạo, Bộ GTVT xin báo cáo nội dung hoạt động của Ban chỉ đạo thời gian qua và tình hình thực hiện di dời các cảng trên Sông Sài Gòn và NMĐT Ba Son như sau:
1. Nội dung thực hiện của Ban chỉ đạo:
(1) Tổ chức họp Ban chỉ đạo
Đã tổ chức họp Ban chỉ đạo 02 lần vào ngày 12/5/2008 tại Hà Nội và ngày 13/02/2009 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tại các cuộc họp đã triển khai công tác tổ chức hoạt động của Ban chỉ đạo; kiểm điểm tiến độ thực hiện di dời của các cảng; xác định phạm vi trách nhiệm của các địa phương, Bộ, ngành liên quan để đôn đốc, thúc đẩy tiến độ thực hiện quy hoạch di dời;
(2) Ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo tại Quyết định số 1453/QĐ-BGTVT ngày 23/5/2008 của Bộ GTVT;
(3) Thành lập 03 tổ công tác:
- Tổ công tác di dời kết cấu hạ tầng do Thứ trưởng Bộ GTVT phụ trách (Quyết định số 1851/QĐ-BGTVT ngày 25/6/2008 của Bộ GTVT), thực hiện việc đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện dự án di dời và phục vụ di dời; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án di dời của các cảng, nhà máy thuộc diện di dời.;
- Tổ công tác cơ chế, chính sách di dời do Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách (Quyết định số 2843/QĐ-BGTVT ngày 18/9/2008), thực hiện dự thảo cơ chế, chính sách phục vụ công tác di dời, trong đó chú trọng cơ chế đền bù, hỗ trợ di dời cho các cảng, nhà máy thuộc diện di dời. Ban chỉ đạo đã xác định đây là nguồn kinh phí quan trọng hỗ trợ cho các đơn vị trong quá trình di dời;
- Tổ công tác qui hoạch chuyển đổi công năng do Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh phụ trách (Quyết định số 3726/QĐ-BGTVT ngày 09/12/2008), thực hiện việc tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu đất chuyển đổi công năng của các cảng và Nhà máy thuộc diện di dời, làm cơ sở để các nhà đầu tư triển khai thủ tục đầu tư khu vực này;
(4) Về các hoạt động cụ thể, từ ngay sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo và các Tổ công tác đã chủ động triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cụ thể hóa những nội dung cần thiết, cấp bách để đôn đốc triển khai, góp phần nhất định trong việc thúc đẩy tiến độ thực hiện quy hoạch di dời.
2. Tiến độ thực hiện quy hoạch di dời và những khó khăn
Các Bộ, ngành và địa phương liên quan trong Ban chỉ đạo đã có cố gắng tạo điều kiện thuận lợi và đôn đốc các doanh nghiệp cảng di dời. Tuy nhiên, do nhiều lý do chủ quan, khách quan, cho đến nay tiến độ thực hiện quy hoạch di dời các cảng trên Sông Sài Gòn và NMĐT Ba Son vẫn chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu do Ban chỉ đạo đề ra. Đến nay, mới có duy nhất Tân cảng Sài Gòn cơ bản hoàn tất việc di dời và ổn định sản xuất tại vị trí mới ở Cát Lái. Bốn đơn vị còn lại đang trong giai đoạn xử lý các thủ tục về đất đai, lập dự án đầu tư xây dựng cảng, huy động các nguồn vốn triển khai, ...
Nội dung và tình hình thực hiện cụ thể của các doanh nghiệp như sau:
2.1. Cảng Sài Gòn
a) Dự án cảng Hiệp Phước (phục vụ di dời cảng Nhà Rồng – Khánh Hội)
- Quy mô Dự án: Cảng có tổng diện tích 100ha, chiều dài bến 1.800m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000DWT. Công suất thông qua khoảng 18 triệu T/năm, tổng vốn đầu tư 6.700 tỷ đồng. Bao gồm 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn 1: diện tích 54,66 ha, chiều dài đường bờ 800m, gồm 3 bến tàu trọng tải 50.000DWT và 02 bến nhỏ cho tàu 1.000DWT dài 240m, công suất dự kiến 8,5 triệu Tấn/năm, đáp ứng cơ bản việc di dời cảng Nhà Rồng – Khánh Hội.
+ Giai đoạn 2: diện tích 44 ha, chiều dài đường bờ 1.000m, công suất thông qua khoảng 10 triệu Tấn/năm, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hàng hóa tại khu vực.
- Khối lượng và tiến độ thực hiện:
+ Giai đoạn 1 đã góp vốn được 250 tỷ; Đã hoàn thành: lập, phê duyệt dự án, đền bù GPMB, rà phá bom mìn, khảo sát. Khởi công san lấp ngày 05/01/2009. Hạng mục cầu tầu đã hoàn thành hồ sơ thiết kế, đang tiến hành thẩm tra và lập hồ sơ mời thầu. Dự kiến: khởi công thi công cầu cảng trong quý II năm 2009; quý IV năm 2010 đưa một phần dự án vào khai thác và cuối năm 2011 sẽ đưa toàn bộ dự án cảng Sài Gòn Hiệp Phước giai đoạn I vào khai thác. Khu dịch vụ hậu cần đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai các bước tiếp theo để năm 2011 sẽ đưa vào khai thác;
+ Giai đoạn 2: Đang làm việc với Công ty PTCN Tân Thuận về thủ tục giao nhận đất. Dự kiến năm 2009 hoàn thành thủ tục giao đất, đền bù giải tỏa và trình duyệt dự án. Năm 2010-2012 triển khai thi công các hạng mục công trình. Quý IV/2012 bắt đầu đưa dự án giai đoạn II vào khai thác.
- Khó khăn: chưa có đường vào khu đất của cảng và điện công nghiệp, nước phục vụ thi công. (Theo thông báo của Thành phố Hồ Chí Minh: dự án nước đang triển khai, hoàn thành vào giữa năm 2009); Hiện chưa có quy hoạch 1/2000 (dự kiến giữa năm 2009 mới có).
b) Dự án chuyển đổi công năng khu Nhà Rồng – Khánh Hội
- Cảng Sài Gòn đã xây dựng đề án chuyển đổi công năng khu vực Nhà Rồng – Khánh Hội với diện tích 32,1 ha thành bến tàu khách, trung tâm hàng hải, thương mại – dịch vụ. Hiện đang chờ TP. HCM phê duyệt QHCT 1/2.000 để triển khai các bước tiếp theo, đồng thời, cảng Sài Gòn đang liên hệ tìm đối tác có uy tín và năng lực tài chính mạnh để triển khai thực hiện.
- Cảng đề nghị UBND Thành phố HCM sớm có chủ trương về tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4, với mục tiêu cho tàu khách vào các cầu cảng khu vực Nhà Rồng, tĩnh không tối thiểu cần đạt là 45m (bằng với cầu Phú Mỹ hiện đang xây dựng).
2.2. Cảng Tân Thuận Đông
- Quy mô dự án: Đang tiến hành các thủ tục thuê đất tại KCN Hiệp Phước với chiều dài đường bờ sông là 300m, diện tích khoảng 20,25ha, đáp ứng cho tàu đến 50.000DWT, tổng mức đầu tư là 890 tỷ đồng.
- Tiến độ thực hiện: Dự kiến khoảng 2008 đến 2012 năm.
2.3. Cảng Rau Quả
- Quy mô dự án: Hiện tại cảng vẫn chưa được bố trí đất để xây dựng cảng mới để phục vụ di dời theo kế hoạch. Tổng số vốn phục vụ di dời dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng. Do nằm hạ lưu cầu Phú Mỹ, cảng đang đề nghị được chuyển sang nhóm di dời sau 2010 và được thực hiện chuyển đổi công năng tại chỗ (theo quy hoạch vị trí cầu ban đầu, cảng nằm ở thượng lưu cầu nên phải di dời trước 2010).
2.4. Cảng Tân cảng Sài Gòn
- Quy mô dự án: Dự án cảng Cát Lái Mở rộng gồm 2 khu. Khu 21,37ha có tổng mức đầu tư là 553,04 tỷ đồng đã hoàn thành năm 2005. Khu 22ha có tổng vốn đầu tư 252,29 tỷ đồng đã hoàn thành cuối năm 2007. Khu Tân cảng hiện hữu được sử dụng tiếp nhận, vận chuyển hàng quân sự, trung chuyển hàng hóa. Hiện đang xây dựng cảng container Cái Mép Thượng với TMĐT trên 4.000 tỷ đồng, tiếp nhận tầu từ 60.000-80.000DWT với công nghệ xếp dỡ và quản lý khai thác hiện đại. Giai đoạn I gồm 300m cầu cho tầu và 20ha bãi container, giai đoạn II gồm 590m cầu tầu và 33ha bãi container.
- Tiến độ thực hiện: Công ty đã hoàn thành di dời ra khu Tân cảng Cát Lái – quận 2. Cảng Cái Mép Thượng dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn I trong Quý I/2009 và hoàn thành giai đoạn II trong quý IV năm 2010.
2.5. Nhà máy đóng tàu Ba Son
- Quy mô dự án: Nhà máy tại vị trí mới có diện tích 94,5ha tại xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Xây dựng bến và Ụ tàu đóng mới tàu có trọng tải đến 70.000DWT, sửa chữa tầu có trọng tải đến 150.000DWT. Dự án gồm 2 dự án thành phần: (1) Giải phóng và san lấp mặt bằng và (2) Đầu tư xây dựng nhà máy Ba Son mới.
- Khối lượng và tiến độ thực hiện
(i) Dự án thành phần 1: đã hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, thỏa thuận vị trí đổ đất (có đánh giá ĐTM), khảo sát địa hình. Đang trình duyệt dự án đầu tư. Do chưa có kinh phí thực hiện nên chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự kiến năm 2009-2010 di dời ụ tàu 68 để tiến hành sửa chữa tầu tại vị trí mới.
(ii) Dự án thành phần 2: Nhà máy đã ký hợp đồng với đối tác nước ngoài từ 9/2007 và đã hoàn thành báo cáo giữa kỳ trong tháng 5/2008.
(iii) Khu đất hiện hữu: Nhà máy đã ký hợp đồng quy hoạch để chuyển đổi mục đích sử dụng và đã trình UBND thành phố HCM nhưng hiện nay chưa được phê duyệt.
2.6. Trên cơ sở theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện di dời các cảng trên sông Sài Gòn và NMĐT Ba Son, có thể nhận thấy tiến trình thực hiện quy hoạch di dời còn chậm, khó đáp ứng được tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu bao gồm:
- Khu đô thị - cảng biển Hiệp Phước - khu vực trọng tâm của quy hoạch di dời hiện chưa giải phóng xong mặt bằng, cơ sở hạ tầng đường bộ, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến khu vực xây dựng cảng mới còn chưa hoàn thành, rất khó khăn cho các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng.
- Việc triển khai các dự án chuyển mục đích sử dụng đất tại khu vực vị trí cũ chưa có cơ sở thực hiện do quy hoạch khu chuyển đổi công năng còn quá chậm, dẫn đến khó khăn về kinh phí và điều kiện triển khai cụ thể cho các doanh nghiệp di dời.
- Vốn cho di dời: các doanh nghiệp đều phải chờ đợi chuyển đổi quy hoạch để có nguồn kinh phí từ nguồn hỗ trợ chuyển đổi công năng khu đất hiện hữu. Chưa có hướng dẫn cụ thể và cơ chế hỗ trợ kịp thời.
- Khó khăn trong phương án giải quyết công ăn, việc làm và chế độ cho người lao động trong quá trình di dời.
3. Đề xuất của Ban Chỉ đạo thực hiện quy hoạch di dời các cảng trên Sông Sài Gòn và NMĐT Ba Son:
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp di dời, thúc đẩy mạnh mẽ tiến độ thực hiện quy hoạch di dời, Ban chỉ đạo thực hiện quy hoạch di dời kiến nghị một số giải pháp như sau:
a. Để sớm tạo nguồn vốn phục vụ di dời và giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, đề nghị TTCP chỉ đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh sớm phê duyệt quy hoạch chuyển đổi công năng của các doanh nghiệp: Cảng Sài Gòn (tại vị trí Nhà Rồng Khánh Hội), Nhà máy đóng tàu Ba Son; sớm thống nhất tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 theo hướng đảm bảo cho tàu khách ra vào cảng theo quy hoạch tại khu vực Nhà Rồng - Khánh Hội (Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 12/8/2005 của TTCP phê duyệt QHCT nhóm cảng biển khu vực TP. HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020).
b. Về vấn đề giao đất đầu tư cảng phục vụ di dời, đề nghị cho phép các doanh nghiệp di dời được thuê đất trực tiếp từ Nhà nước để xây dựng cơ sở mới.
c. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cảng Rau quả chuyển đổi công năng tại chỗ một phần đất của cảng; tiếp tục được kinh doanh, khai thác tại cơ sở hiện hữu đến năm 2020 với quy mô thu hẹp đảm bảo hành lang an toàn cho cầu Phú Mỹ; giải quyết thoả đáng đối với phần đất thu hồi để xây dựng cầu Phú Mỹ và hành lang an toàn của cầu Phú Mỹ.
d. Để đảm bảo khai thác đồng bộ, giải phóng nhanh hàng hoá, giảm thiểu ùn tắc tại các cảng khu vực Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải, UBND Tp. Hồ Chí Minh cần sớm triển khai: dự án đầu tư mở rộng đường 25B, đường nối từ KCN Hiệp Phước đến vị trí xây dựng Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước; Bộ Giao thông vận tải đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường 965 và luồng vào cảng Cái Mép - Thị Vải; UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tầu sớm triển khai đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải. Đối với dự án đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải và dự án đường 25B, đề nghị TTCP cho phép bổ sung các dự án vào danh mục trái phiếu Chính phủ đợt 2.
e. Đề nghị TTCP cho phép thiết lập một nguồn vốn cho các doanh nghiệp được vay để thực hiện các dự án di dời khoảng 10.000 tỷ đồng và sẽ hoàn trả bằng kinh phí chuyển đổi công năng các cơ sở hiện hữu; Bộ Tài chính cần sớm hoàn thành Thông tư hướng dẫn về cơ chế tài chính riêng hỗ trợ các doanh nghiệp di dời, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ di dời.
g. Ngoài ra, đối với các đề nghị cụ thể của các doanh nghiệp về khu đất phát triển logistic, khu đất tái định cư, tàu vào cảng ban đêm..., Bộ GTVT và các Bộ, ngành, địa phương trong Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục giải quyết kịp thời, đồng thời tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp khẩn trương, chủ động triển khai công tác di dời theo tiến độ.
Trên đây là nội dung báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch di dời các cảng trên sông Sài Gòn và NMĐT Ba Son, những khó khăn và đề xuất phương án giải quyết. Ban chỉ đạo thực hiện quy hoạch di dời các cảng trên Sông Sài Gòn và NMĐT Ba Son kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.