BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1933/LĐTBXH-QLLĐNN | Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 2016 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 9/5/2016, trong đó Chính phủ thống nhất: “Người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động mà tự nguyện về nước trong thời hạn từ ngày 01 tháng 5 năm 2016 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2016 thì không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 35 của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.
Ngày 17/5/2016, được phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký với Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Bản ghi nhớ có một số nội dung cơ bản sau: (1) quy định việc tổ chức các kỳ kiểm tra tiếng Hàn và tay nghề cho người lao động có nguyện vọng sang Hàn Quốc làm việc; (2) các Điều kiện, tiêu chuẩn đối với ứng viên tham gia; (3) những chính sách, biện pháp hai bên sẽ thực hiện nhằm giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trong đó có chính sách ân hạn theo Nghị quyết số 33/NQ-CP nêu trên.
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trao đổi với phía Hàn Quốc về kế hoạch tổ chức kiểm tra tiếng Hàn và tay nghề trong năm 2016 cho người lao động và sẽ thông tin cụ thể sau khi hai bên thống nhất.
Để triển khai có hiệu quả chính sách ân hạn nêu trên và Bản ghi nhớ với phía Hàn Quốc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
1. Chỉ đạo các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể và các cơ quan truyền thông của địa phương:
- Tổ chức thông tin tuyên truyền rộng rãi ở địa phương về chính sách ân hạn theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ để các tầng lớp nhân dân đặc biệt là thân nhân, gia đình có người lao động đang cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc biết, hiểu rõ nội dung của chính sách, từ đó thông tin, động viên kêu gọi khuyên nhủ người lao động tự nguyện về nước trong thời gian ân hạn để không bị xử phạt hành chính theo quy định và được tham gia kiểm tra tiếng Hàn để quay trở lại Hàn Quốc làm việc hợp pháp nếu có nguyện vọng.
- Thông tin rộng rãi về một số Điểm mới của Bản ghi nhớ ký ngày 17/5/2016 để người dân, người lao động hiểu rõ; giám sát chặt chẽ việc tổ chức học tiếng Hàn tại địa phương, tránh việc đào tạo, ôn luyện tiếng Hàn tràn lan, không đúng đối tượng.
2. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương hướng dẫn và tổ chức tiếp nhận thông tin khai báo của người lao động tự nguyện về nước.
(Nội dung tuyên truyền và thủ tục khai báo gửi kèm theo)
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trân trọng cảm ơn sự phối hợp của quý Ủy ban nhân dân./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
(Kèm theo công văn số 1933/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 01/6/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
I. Một số Điểm mới của Bản ghi nhớ 2016
1. Hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam hàng năm được phía Hàn Quốc phân bổ dựa trên kết quả giảm số lao động bất hợp pháp của Việt Nam tại Hàn Quốc.
2. Những địa phương (cấp quận/huyện) có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao tại Hàn Quốc thì người lao động của địa phương đó sẽ không được tham dự các kỳ kiểm tra tiếng Hàn để làm hồ sơ dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo Bản ghi nhớ.
3. Người lao động có thân nhân là bố/mẹ đẻ hoặc vợ/chồng hoặc anh/chị/em ruột đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc thì không được tham dự các kỳ kiểm tra tiếng Hàn để làm hồ sơ dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo Bản ghi nhớ, trừ trường hợp thân nhân đó đã tự nguyện về trong thời gian từ ngày 01/4/2016 đến hết ngày 30/9/2016.
II. Chính sách ân hạn theo Nghị quyết số 33/NQ-CP
1. Nội dung tuyên truyền
Những năm gần đây, tình trạng lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của người lao động Việt Nam và dẫn đến việc Chính phủ Hàn Quốc hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp, chính sách như ký quỹ, tuyên truyền vận động, hỗ trợ tái hòa nhập, xử phạt hành chính...nhằm giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp. Những chính sách này đã có tác động tích cực khi tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước giảm từ 47% năm 2013 xuống còn 35% năm 2015, số lao động cư trú bất hợp pháp giảm từ 18.000 người cuối năm 2013 xuống còn 15.000 người vào cuối năm 2015.
Trên cơ sở những kết quả đó, ngày 17/5/2016, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký Bản Ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS và thống nhất tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, theo đó, hai bên thống nhất thực hiện chính sách ân hạn đối với người lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước như sau:
1. Hàn Quốc thực hiện chính sách ân hạn đối với người lao động cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong thời gian từ ngày 01/4/2016 đến hết ngày 30/9/2016. Các quyền lợi mà người lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước trong thời hạn nêu trên được hưởng như sau:
- Không bị cơ quan chức năng Hàn Quốc giam giữ và phạt tiền;
- Được miễn cấm nhập cảnh trở lại Hàn Quốc nếu được cơ quan đại diện ngoại giao của Hàn Quốc cấp thị thực nhập cảnh Hàn Quốc.
2. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 9/5/2016, trong đó Chính phủ thống nhất: Người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động mà tự nguyện về nước trong thời hạn từ ngày 01 tháng 5 năm 2016 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2016 thì không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 35 của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo đó, người lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc mà tự nguyện về nước trong thời hạn nêu trên sẽ được hưởng các quyền lợi sau:
- Không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP .
- Ngoài ra, người lao động được dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo Bản ghi nhớ ký ngày 17/5/2016 nếu có nguyện vọng.
2. Thủ tục khai báo tự nguyện về nước
a. Tại Hàn Quốc: Người lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước cần mang theo hộ chiếu hoặc giấy thông hành còn hiệu lực và vé máy bay tới Văn phòng quản lý xuất nhập cảnh tại sân bay quốc tế Hàn Quốc vào ngày muốn xuất cảnh để đăng ký làm thủ tục tự nguyện về nước.
Lưu ý: Người lao động có thể liên hệ với Văn phòng Quản lý lao động EPS hoặc Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc (số điện thoại: 02 364 1043/45) để được hướng dẫn chi Tiết thủ tục khai báo.
b. Tại Việt Nam: Sau khi về nước, người lao động khai báo với cơ quan chức năng như sau:
- Đối với những lao động đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Khai báo tự nguyện về nước tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nộp kèm theo 01 bản phô tô Hộ chiếu hoặc Giấy thông hành (trang có ảnh, trang có đóng dấu ngày về nước của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại sân bay Hàn Quốc và Việt Nam).
- Đối với những lao động chưa bị xử phạt vi phạm hành chính: gửi 01 bản phô tô Hộ chiếu hoặc Giấy thông hành (trang có ảnh và trang có đóng dấu ngày về nước của các cơ quan Xuất nhập cảnh của Hàn Quốc và Việt Nam) về Trung tâm Lao động ngoài nước (địa chỉ: số 1, đường Trịnh Hoài Đức, quận Đống Đa, Hà Nội; điện thoại: 04 37346751).
3. Tiếp nhận khai báo, tổng hợp báo cáo
a. Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn nơi người lao động có hộ khẩu thường trú tiếp nhận khai báo của người lao động bất hợp pháp đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính tự nguyện về nước như sau:
- Thu và lưu giữ 01 bản phô tô hộ chiếu hoặc giấy thông hành (trang có ảnh và trang có dấu ngày về nước của cơ quan Xuất nhập cảnh tại sân bay Hàn Quốc và Việt Nam);
- Kiểm tra thông tin cá nhân của người lao động, đối chiếu với Hộ chiếu hoặc Giấy thông hành bản gốc và tổng hợp các thông tin của người lao động (họ tên, ngày sinh, số CMND, số Hộ chiếu hoặc Giấy thông hành, địa chỉ thường trú, năm xuất cảnh sang Hàn Quốc, ngày tự nguyện về nước, số Quyết định xử phạt vi phạm hành chính) để báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
b. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo người lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước của địa phương (theo các Mục nêu trên) gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (thông qua Trung tâm lao động ngoài nước) trước ngày 25 hàng tháng./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.