BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 193/TCT-CS | Hà Nội, ngày 18 tháng 1 năm 2010 |
Kính gửi: Cục thuế tỉnh Kon Tum.
Trả lời công văn số 3410/CT-THNVDT ngày 07/10/2009 và công văn số 3719/CT-THNVDT ngày 04/11/2009 của Cục thuế tỉnh Kon Tum về xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về thuế, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002 của Chính phủ quy định: "Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi không lập hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ, trừ các trường hợp bán hàng hoá, dịch vụ theo quy định không phải lập hoá đơn".
Tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế quy định:
"3. Một hành vi vi phạm pháp luật về thuế chỉ bị xử phạt một lần, cụ thể như sau:
a) Một hành vi vi phạm pháp luật về thuế đã được người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hoặc đã lập biên bản để xử phạt thì không được lập biên bản, ra quyết định xử phạt lần thứ hai đối với hành vi đó. Trường hợp hành vi vi phạm vẫn tiếp tục được thực hiện mặc dù đã bị người có thẩm quyền xử phạt ra lệnh đình chỉ thì áp dụng biện pháp tăng nặng theo quy định tại Điều 3 Nghị định này;...".
Tại tiết h điểm 1 Điều 14 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/06/2007 của Chính phủ quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế quy định:
"Người nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Điều 108 của Luật Quản lý thuế ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận thì còn bị xử phạt theo số lần tính trên số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận như sau:
1. Phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận đối với người nộp thuế vi phạm lần đầu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 13 Nghị định này hoặc vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên khi có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
h) Không xuất hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hoá đơn bán hàng thấp hơn giá trị thực tế thanh toán của hàng hoá, dịch vụ đã bán và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế".
- Điểm 1 Điều 1 Nghị định số 13/2009/NĐ-CP ngày 13/2/2009 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2007/NĐ-CP quy định:
"Hình thức phạt tiền được quy định cụ thể đối với từng hành vi vi phạm pháp luật về thuế như sau:
- Phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Khi xác định mức phạt tiền đối với người nộp thuế vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì xem xét giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc nếu có một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng. Sau khi giảm trừ theo nguyên tắc trên, nếu còn một tình tiết tăng nặng hoặc một tình tiết giảm nhẹ thì tuy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và thái độ khắc phục hậu quả của đối tượng vi phạm, người có thẩm quyền xử lý xem xét áp dụng mức phạt tiền đối với trường hợp có một tình tiết tăng nặng hoặc trường hợp không có tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ. Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế thì mỗi tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ được tính tăng hoặc giảm 20% mức phạt trung bình của khung tiền phạt".
Tại điểm 1.2 mục III phần A Thông tư số 61/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn: "l.2. Vi phạm nhiều lần trong lĩnh vực thuế là trường hợp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế thuộc loại hành vi nêu tại điểm 3, Mục I Phần A Thông tư này mà trước đó đã vi phạm nhưng chưa bị xử phạt và chưa hết thời hiệu xử phạt".
Tổng cục Thuế đã có Công văn số 3771/TCT-CS ngày 16/09/2009 và Công văn số 174/TCT-CS ngày 14/01/2009 hướng dẫn xử phạt đối với hành vi vi phạm thủ tục về thuế (chậm nộp hồ sơ khai thuế) không liên quan đến việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực kế toán, hoá đơn.
Đề nghị Cục thuế nghiên cứu từng trường hợp cụ thể theo Văn bản quy phạm pháp luật tương ứng để thực hiện:
+ Đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực hoá đơn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002 của Chính phủ về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hoá đơn.
+ Đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực kế toán thực hiện theo quy định tại Nghị định số 185/2004/NĐ-CP ngày 04/11/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.
Trường hợp trong lĩnh vực hoá đơn, kế toán mà dẫn đến trốn thuế, thiếu thuế thực hiện theo quy định tại Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/06/2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
Hiện nay, đối với trường hợp người nộp thuế chậm nộp nhiều hồ sơ khai thuế thì tiến hành xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hay xác định hành vi cuối cùng để xử phạt với tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần đang được Tổng cục tổng hợp vướng mắc để nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 61/2007/TT-BTC ngày 14/06/2007 của Bộ Tài chính./.
Tổng cục Thuế trả lời để Cục thuế được biết./.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.