BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18469/BTC-TCHQ | Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2009 |
Kính gửi: | - Cục Hải quan các tỉnh, thành phố; |
Theo quy định tại Điều 53 Luật quản lý thuế; Điều 29 Nghị định 85/2007/NĐ-CP ngày 25/10/2007 của Chính phủ thì Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm dừng việc xuất cảnh của cá nhân trong trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo thông báo của cơ quan Quản lý thuế. Để thực hiện đúng quy định này, sau khi thống nhất với Bộ Công an, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:
1. Tất cả các cá nhân là: người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam nếu có nợ thuế thu nhập cá nhân thì không được xuất cảnh. Trường hợp cá nhân là chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp mà doanh nghiệp có nợ tiền thuế, tiền phạt thì không được xuất cảnh.
2. Để có cơ sở cho cơ quan Công an xem xét việc xuất cảnh của các đối tượng trên, những đối tượng này khi xuất cảnh từ Việt Nam phải có giấy xác nhận của cơ quan Hải quan, cơ quan Thuế hoặc trao đổi thông tin bằng dữ liệu điện tử giữa cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan với cơ quan Công an về việc cá nhân đó không có nợ thuế, doanh nghiệp do cá nhân đó là chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp không có nợ thuế.
3. Trường hợp các cá nhân nêu tại Điểm 1 còn nợ tiền thuế, tiền phạt nên chưa được xuất cảnh nhưng sau đó đã nộp đủ tiền nợ thuế, nợ phạt thì cơ quan Hải quan có văn bản xác nhận việc nộp thuế để cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh làm thủ tục xuất cảnh cho cá nhân đó theo quy định.
4. Để việc xác nhận nghĩa vụ thuế của các đối tượng nêu tại Điểm 1 được chính xác, cơ quan Hải quan, cơ quan thuế có trách nhiệm rà soát, tổng hợp, phân loại nợ thuế và có các biện pháp quản lý, theo dõi cụ thể đối với từng loại nợ thuế. Đối với Khoản nợ của các đối tượng là người nước ngoài cần giám sát chặt chẽ để có giải pháp xử lý kịp thời. Trường hợp có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn thì Cục Hải quan, Cục Thuế các tỉnh, thành phố có trách nhiệm lập hồ sơ chuyển cho cơ quan Công an tỉnh, thành phố nơi người nợ thuế cư trú hoặc có trụ sở đăng ký kinh doanh để phối hợp thực hiện các biện pháp dừng xuất cảnh khi xét thấy cần thiết nhằm thu hồi đủ tiền thuế nợ cho Nhà nước.
5. Hồ sơ chuyển cho cơ quan công an gồm:
- Công văn đề nghị cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật đối với người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế có dấu hiệu bỏ trốn.
- Các chứng từ có liên quan như chứng từ ghi số thuế phải thu, quyết định truy thu thuế, ấn định thuế, thông báo tiền thuế, tiền phạt chậm nộp thuế… (bản sao).
- Bảng kê chi tiết số tiền nợ thuế.
- Các văn bản, thông báo yêu cầu người nợ tiền thuế nộp thuế.
- Biên bản làm việc với đại diện người có thẩm quyền của doanh nghiệp (nếu có).
- Văn bản xác nhận hoặc Biên bản làm việc có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công an phường, xã về việc cá nhân không có mặt tại nơi cư trú; doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.
- Văn bản xác nhận hoặc Biên bản làm việc có xác nhận của cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp về việc doanh nghiệp đã ngừng hoạt động kinh doanh hoặc đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.
- Lệnh thu thuế, thu phạt.
- Các quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
- Các chứng từ khác có liên quan.
Bộ Tài chính yêu cầu Cục Hải quan; Cục Thuế các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung trên. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo về Bộ Tài chính để được hướng dẫn cụ thể./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.