BỘ CÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1834/CV-TCKT | Hà Nội, ngày 06 tháng 5 năm 2003 |
Kính gửi: Đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Trong quý 1 năm 2003 Liên Bộ Công nghiệp - Tài chính (Ban Vật giá Chính phủ) đã kiểm tra nắm tình hình việc thực hiện giá bán điện sinh hoạt đến hộ dân nông thôn, tại các địa phương:
- Xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
- Xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên
- Xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An
- Xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh
- Xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Bình, tỉnh Quảng Ngãi
- Xã Tam Phước, thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre
Qua thực tế cho thấy việc tổ chức quản lý thực hiện giá bán điện nông thôn như sau:
1. Tình hình thực hiện giá bán điện nông thôn tại các địa phương
Hầu hết UBND các tỉnh trên đã có sự chỉ đạo các Sở, Ngành trong tỉnh phối hợp thực hiện và tổ chức việc quản lý giá bán điện nông thôn, đã ban hành quy chế quản lý điện, quy định giá bán điện đến hộ dân nông thôn. Đồng thời đã có chỉ đạo phối hợp giữa các Sở, ngành với Điện lực tỉnh soạn giáo trình tài liệu giảng dạy, tổ chức nhiều lớp đào tạo nghiệp vụ, kỹ thuật quản lý điện. Đặc biệt tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Sở Công nghiệp và Điện lực tỉnh đã phối hợp biên soạn trang bị sổ ghi thu tiền điện đến từng hộ dân, mẫu biểu báo cáo đến Ban quản lý điện xã.
Những biện pháp tích cực trên đã có tác dụng nhất định đến việc giảm giá bán điện đến hộ dân. Do vậy, khi Chính phủ có Quyết định số 124/2002/QĐ-TTg tăng giá bán điện sinh hoạt nông thôn từ ngày 01/10/2002 tại công tơ tổng từ 360 đồng/kWh lên 390 đồng/kWh nhưng có một số nơi vẫn giảm được giá bán điện đến hộ dân dưới giá trần 700 đồng/kwh như: xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An, xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn.
2. Những tồn tại và nguyên nhân
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế cho thấy:
- Yếu tố tổn thất điện từ công tơ tổng, công tơ cụm đến hộ dân vẫn còn chiếm tỷ trọng cao trong giá bán điện.
- Chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa thực sự có biện pháp tích cực trong việc tổ chức Ban quản lý điện, không quản lý được nội dung cấu thành giá bán điện, nên giá bán điện đến hộ dân có nơi lên đến 1.000 đồng/kwh hoặc 1.200 đồng/kwh
- Cá biệt có tỉnh quyết định giá bán điện nông thôn chưa đúng với Thông tư số 01/1999/TTLT-BVGCP-BCN ngày 10/02/1999 hướng dẫn thực hiện văn bản số 1303/CP-KTTH ngày 03/11/1998 của Chính phủ về giá bán điện nông thôn
Nguyên nhân của tình trạng trên là do:
- Tổn thất điện còn chiếm tỷ trọng cao trong giá bán điện do hầu hết lưới điện quá cũ, công tơ điện sử dụng từ lâu không được thay thế, kiểm định nên xác định tổn thất không chính xác. Ngoài ra còn có tình trạng khoán trắng cho một người quản lý cụm công tơ định giá bán điện đến hộ dân mà chính quyền xã không quản lý được.
- Mặc dù chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo các Sở, Ngành cấp tỉnh triển khai công tác tổ chức quản lý bán điện, nhưng chưa có biện pháp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với chính quyền cấp huyện, cấp xã, nên chủ trương, biện pháp của tỉnh chưa đến được với hộ dân sử dụng điện.
- Cá biệt có tỉnh khi các Sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh triển khai chỉ đạo công tác quản lý giá bán điện nông thôn còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong tỉnh nên hiệu quả bị hạn chế.
3. Biện pháp tăng cường quản lý tổ chức bán điện nông thôn
Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT-BVGCP-BCN của Liên bộ Công nghiệp - Ban Vật giá Chính phủ (nay là Bộ Tài chính) về tổ chức quản lý bán điện đến hộ dân nông thôn. Bộ Công nghiệp đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh:
a. Có biện pháp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các Sở, ngành của tỉnh và chính quyền các cấp cần phối hợp với điện lực tỉnh để xây dựng mô hình bán điện hợp lý, chấm dứt tình trạng khoán trắng cho tư nhân trong việc định giá bán điện đến hộ dân nông thôn.
b. Tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân không thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thông tư số 01/1999/TTLT-BVGCP-BCN của Bộ Công nghiệp, Ban Vật giá Chính phủ (nay là Bộ Tài chính) chấm dứt tình trạng tiêu cực trong mua bán điện, mà hộ dân phải mua điện cao cao hơn giá trần. Có biện pháp kiên quyết trong việc tổ chức lại mô hình quản lý bán điện cho dân.
c. Bố trí cán bộ làm công tác quản lý điện phải là người đã được đào tạo về kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý điện.
Bộ Công nghiệp đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng trong tỉnh phối hợp với điện lực thực hiện tốt công tác quản lý giá bán điện sinh hoạt đến hộ dân nông thôn để đảm bảo không vượt mức giá trần quy định và phấn đấu giảm dưới mức giá trần như một số địa phương đã và đang thực hiện tốt.
| Châu Huệ Cẩm (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.