BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1787/BTC-NSNN | Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2011 |
Kính gửi: | - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương |
Công tác xử lý ngân sách cuối năm và lập, báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm (bao gồm cả vốn xây dựng cơ bản) được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 108/2008/TT-BTC ngày 18/11/2008 của Bộ Tài chính. Theo đó đã quy định cụ thể nội dung, điều kiện, quy trình thủ tục, thẩm quyền, thời hạn xử lý các khoản ngân sách còn tồn cuối năm, cũng như nội dung, mẫu biểu, điều kiện, quy trình, trách nhiệm, thời hạn lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN hàng năm. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhiều Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác quyết toán NSNN. Bên cạnh đó còn một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị chức năng và cấp dưới thực hiện, nên việc gửi báo cáo quyết toán NSNN về Bộ Tài chính chậm so với thời hạn quy định, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN trình Chính phủ, trình Quốc hội. Như: chế độ quy định, định kỳ các đơn vị sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại, nguồn phí, lệ phí thuộc NSNN, nhưng để lại đơn vị để tăng thêm nguồn lực như học phí, viện phí ... thì phải làm thủ tục ghi thu ghi chi vào NSNN, nhưng đơn vị để chờ quyết toán cả năm nên rất chậm, hoặc đơn vị còn chưa quan tâm làm thủ tục ghi thu ghi chi vào NSNN; công tác rà soát đối chiếu số liệu dự toán, số kinh phí đã thực chi, số tạm ứng, số dư kinh phí chuyên nguồn sang năm sau với KBNN giao dịch chưa đầy đủ, kịp thời theo quy định, nên số liệu báo cáo quyết toán của cơ quan, đơn vị không khớp với số báo cáo của KBNN; các cơ quan, đơn vị lập và gửi báo cáo quyết toán so với thời hạn quy định như báo cáo quyết toán NSNN năm 2009 đã hết thời hạn gửi báo cáo quyết toán (01/10/2010), nhưng mới có khoảng 20% đơn vị gửi báo cáo quyết toán về Bộ Tài chính; chất lượng công tác quyết toán chưa cao thể hiện số liệu chênh lệch so với số liệu báo cáo của KBNN, số chuyển nguồn sang năm sau lớn; chưa quan tâm đánh giá kết quả, hiệu quả chi tiêu ngân sách; chưa báo cáo đầy đủ tình hình thực hiện các kiến nghị của thanh tra, kiểm toán ...
Nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thúc đẩy quản lý, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn lực tài chính ngân sách nhà nước, thực hiện nghiêm quy định xử lý ngân sách cuối năm và lập, báo cáo quyết toán NSNN hàng năm, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị và cấp dưới trực thuộc tổ chức thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Căn cứ quyết định giao dự toán ngân sách hàng năm của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính, thực hiện phân bổ giao dự toán ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và cấp dưới theo đúng thời hạn quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn Luật để các đơn vị chủ động tổ chức thực hiện ngay từ đầu năm, tránh dồn vào cuối năm.
Việc thanh toán các khoản tạm ứng ngân sách với Kho bạc nhà nước phải hoàn thành trước khi khoá sổ ngân sách (31/01 năm sau). Các nhiệm vụ đã bố trí dự toán năm trước chưa thực hiện, hoặc thực hiện chưa hết thuộc diện xét, chuyển sang năm sau hoặc theo chế độ được chuyển sang năm sau, thì phải làm thủ tục chuyển số dư sang ngân sách năm sau và hạch toán vào ngân sách năm sau theo quy định tại Thông tư số 108/2008/TT-BTC ngày 18/11/2008 của Bộ Tài chính. Sau ngày 31/01 năm sau, chỉ được hạch toán vào ngân sách năm trước đối với khoản chuyển nguồn và điều chỉnh sai sót được phát hiện trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhưng phải đảm bảo thời hạn lập và gửi báo cáo quyết toán theo quy định.
2. Quá thời hạn xét, xử lý số dư ngân sách cuối năm (hết ngày 15/3 năm sau) mà đơn vị chưa làm thủ tục đối chiếu với Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản giao dịch (đối với các khoản kinh phí không phải xét chuyển), hoặc chưa có văn bản của cấp có thẩm quyền cho phép chuyển sang năm sau (đối với các khoản kinh phí phải được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển sang năm sau), thì Kho bạc Nhà nước hủy số dư dự toán, thu hồi số dư tạm ứng, báo cáo cơ quan tài chính đồng cấp tình hình sử dụng kinh phí, chuyển số dư sang năm sau theo quy định tại Thông tư số 108/2008/TT-BTC ngày 18/11/2008 của Bộ Tài chính.
3. Các khoản thu, chi ngân sách nhà nước từ phí, lệ phí, thu sự nghiệp, vốn vay ODA và viện trợ không hoàn lại phải hạch toán ghi thu ghi chi vào ngân sách nhà nước, thì phải làm thủ tục ghi thu, ghi chi vào NSNN theo chế độ quy định. Chứng từ ghi thu, ghi chi NSNN của năm kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền gửi đến Kho bạc Nhà nước chậm nhất ngày 30/01 năm sau, trường hợp bổ sung cho ngân sách cấp dưới phải đảm bảo thời gian gửi sớm hơn theo quy định tại điểm 8 Mục 1 Thông tư số 108/2008/TT-BTC ngày 18/11/2008 của Bộ Tài chính. Các khoản ghi thu, ghi chi vào niên độ năm nào thì quyết toán vào thu, chi ngân sách năm đó.
4. Căn cứ tình hình cụ thể, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng lịch trình cụ thể đối với từng đơn vị trực thuộc và cấp dưới về thời hạn nộp báo cáo quyết toán NSNN, thời hạn xét duyệt, thẩm định báo cáo quyết toán, đảm bảo hoàn thành việc xét duyệt, thẩm định báo cáo quyết toán đối với các đơn vị trực thuộc và cấp dưới, tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, địa phương gửi về Bộ Tài chính trước ngày 01/10 năm sau theo quy định tại Điều 75 của Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật NSNN. Báo cáo quyết toán NSNN gửi về Bộ Tài chính phải đầy đủ mẫu biểu theo quy định, kèm theo thuyết minh đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước được Quốc hội, Chính phủ quyết định giao theo ngành, lĩnh vực, gắn với kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội để đánh giá hiệu quả, kết quả chi tiêu của từng nhiệm vụ, lĩnh vực được giao quản lý (lượng hoá bằng số liệu, chỉ tiêu cụ thể). Các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương được thanh tra, kiểm toán vào cuối năm vẫn gửi báo cáo quyết toán NSNN năm về Bộ Tài chính theo đúng thời hạn quy định nêu trên. Trong quá trình cơ quan thanh tra, kiểm toán thực hiện thanh tra, kiểm toán, trường hợp có sửa đổi, bổ sung báo cáo quyết toán, thì gửi báo cáo quyết toán bổ sung về Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước trước ngày 15/11 năm sau (chỉ gửi số liệu quyết toán có sửa đổi, bổ sung). Số liệu quyết toán sau khi đã sửa đổi, bổ sung mà vẫn khác với ý kiến của cơ quan thanh tra, kiểm toán thì phải thuyết minh, giải trình rõ cơ sở pháp lý, lý do của khoản thu, chi ngân sách đó. Những kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán sau ngày 15/11 năm sau đối với quyết toán ngân sách năm trước, thì được hạch toán vào năm ngân sách tại thời điểm xử lý theo chế độ quy định. Quá thời hạn trên, Bộ Tài chính vẫn chưa nhận báo cáo quyết toán ngân sách, sẽ yêu cầu Kho bạc Nhà nước tạm dừng việc rút kinh phí chi thường xuyên khối văn phòng đối với các Bộ, cơ quan trung ương; tạm dừng việc rút số bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương theo quy định tại Khoản 2 Điều 60 Luật Ngân sách nhà nước và Khoản 2 Điều 62 Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ cho đến khi nhận được báo cáo quyết toán. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ những Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa gửi báo cáo.
Đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và cấp dưới triển khai thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.