TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 178/2002/KHXX | Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2002 |
CÔNG VĂN
CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 178/2002/KHXX NGÀY 5 THÁNG 12 NĂM 2002 VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Kính gửi: Toà án nhân dân thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp
Sau khi nghiên cứu Công văn số 52/CV-TA ngày 22/8/2002 của Toà án nhân dân thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, Tòa án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:
1. Về việc giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất mà đất đó đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 và người sử dụng đất chết không để lại di chúc.
Đối với vấn đề này về nguyên tắc, khi thụ lý, giải quyết loại việc này Toà án phải căn cứ vào hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-TCĐC ngày 03/01/2002 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục Địa chính "Hướng dẫn về thẩm quyền của Toà án nhân dân trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất" để xác định xem tranh chấp đó có thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án hay không (đặc biệt là đối với các loại đất không có tài sản).
Nếu tranh chấp đó không thuộc một trong các trường hợp nêu tại phần I của Thông tư liên tịch nói trên (có nghĩa là tranh chấp đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án), thì Toà án không thụ lý giải quyết.
Nếu tranh chấp đó thuộc thẩm quyền của Toà án, thì Toà án căn cứ vào các quy định về thừa kế trong Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai năm 1993 để thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.
2. Về việc giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất mà người có đất chết trước ngày 15/10/1993, không để lại di chúc, sau đó chỉ có một trong các thừa kế của người đó được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1993.
Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-TCĐC nói trên, thì tranh chấp quyền sử dụng đất mà đất đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1993 1à thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân.
Tuy nhiên, Toà án có chấp nhận yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất cho các đương sự hay không thì phải căn cứ vào từng vụ án cụ thể.
Ví dụ: Nếu qua điều tra thu thập chứng cứ mà có đủ căn cứ kết luận phần đất do người chết để lại đã được tất cả những người trong họ tộc nhất trí giao cho một trong các thừa kế được quyền sử dụng có sự đồng ý của chính quyền địa phương và người đó đã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 1993, nay các thừa kế khác thấy đất có giá trị cao nên đòi chia thừa kế quyền sử dụng đất đó và có tranh chấp, thì Toà án không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất của các thừa kế khác; nếu có đủ cơ sở kết luận một trong các đồng thừa kế bằng thủ đoạn nào đó (giấu giếm tự kê khai...) để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì Toà án chia thừa kế quyền sử dụng đất cho các đồng thừa kế khác theo thủ tục chung và áp dụng Điều 12 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Uỷ ban nhân dân đã cấp.
Trên đây là ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao để quý Toà tham khảo trong khi giải quyết vụ án cụ thể ở địa phương.
| Đặng Quang Phương (Đã ký)
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.