BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1759/BXD-KTXD | Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 2017 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng nhận được nhiều văn bản của các địa phương (tỉnh Lai Châu, tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Ninh Bình...) và ý kiến kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về việc tính phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng công trình trong tổng mức đầu tư, dự toán của các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước. Bộ Xây dựng báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về nội dung này như sau:
1. Tình hình áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng và quy định về đơn giá nhân công xây dựng trong thời gian qua:
Phụ cấp không ổn định sản xuất là phụ cấp mang tính ngành nghề để bảo đảm cho công nhân xây dựng ổn định cuộc sống, bởi do đặc thù của ngành xây dựng là người lao động thường xuyên không có việc làm liên tục. Phụ cấp này được Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội có ý kiến trong văn bản số 4076/LĐTBXH-TL ngày 29/11/1993 về giải quyết chế độ tiền lương cho công nhân xây dựng gửi Bộ Xây dựng, nội dung văn bản đã nêu: do Điều kiện sản xuất xây dựng cơ bản thường xuyên không ổn định, nên được tính vào đơn giá tiền lương hệ số không ổn định sản xuất với các mức cụ thể khác nhau tùy từng công trình, nhưng tối đa không quá 15% lương cấp bậc, chức vụ.
Ngày 09/01/2002, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 03/2002/TT-BLĐTBXH ngày 09/1/2002 quy định phụ cấp không ổn định sản xuất được tính trong chi phí tiền lương để lập dự toán công trình xây dựng và quy định trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc hướng dẫn xác định chi phí tiền lương trong giá trị dự toán công trình xây dựng. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 07/2003/TT-BXD ngày 17/6/2003 hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trong đó quy định đơn giá nhân công xây dựng được tính thêm phụ cấp không ổn định sản xuất bằng tối thiểu 10% tiền lương cơ bản.
Ngày 14/12/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 205/2004/NĐ-CP quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước, theo đó phụ cấp không ổn định sản xuất không được quy định trong Nghị định này. Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị làm rõ hiệu lực của việc áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng nêu trong văn bản số 4076/LĐTBXH-TL ngày 29/11/1993. Ngày 30/12/2005, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản số 4508/LĐTBXH-TL trả lời Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tỉnh Yên Bái về việc phụ cấp không ổn định sản xuất, trong đó khẳng định văn bản số 4076/LĐTBXH-TL ngày 29/11/1993 là vẫn còn hiệu lực.
Thực tế đến nay đã có hơn 40 tỉnh, thành phố và các dự án xây dựng công trình điện, giao thông, dầu khí đã áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất để xác định đơn giá nhân công xây dựng. Ngày 13/12/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP về chế độ tiền lương, phụ cấp lương đối với công trình thủy điện, theo đó đã chấp thuận việc áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất vào chế độ tiền lương của cán bộ, công nhân, nhân viên của 8 công trình thủy điện: Bản Vẽ, Bản Chát, Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Sê San 4, Pleikrông và Đồng Nai 5.
Để đảm bảo thống nhất cách xác định chi phí nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 5724/VPCP-KTTH ngày 29/7/2014 giao Bộ Xây dựng ban hành tạm thời theo thẩm quyền hệ thống cấp bậc công nhân trực tiếp sản xuất làm cơ sở lập và quản lý chi phí trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình và dịch vụ công ích đô thị của ngành xây dựng. Ngày 20/3/2015, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 01/2015/TT-BXD về hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/5/2015, theo đó việc xác định và Điều chỉnh đơn giá nhân công xây dựng trong tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình phải căn cứ trên kết quả Điều tra; khảo sát, đảm bảo các nguyên tắc phù hợp với tay nghề theo cấp bậc, phù hợp với mặt bằng thị trường lao động tại địa phương và không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định..., và đơn giá nhân công xây dựng đã bao gồm đầy đủ các Khoản phụ cấp lưu động, phụ cấp khu vực, phụ cấp không ổn định sản xuất...
2. Ý kiến của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về việc tính toán phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng công trình:
Tại kết luận thanh tra, kiểm toán của nhiều dự án đầu tư xây dựng đã nêu; việc tính phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng công trình trong các Bộ đơn giá của địa phương là không đúng quy định của pháp luật, với lý do Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ không có quy định loại phụ cấp này.
3. Kiến nghị của Bộ Xây dựng:
Do đặc thù của ngành xây dựng là công nhân, người lao động thường xuyên phải chờ việc, thực tế đã áp dụng việc tính phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng tại các tập đơn giá xây dựng của địa phương và các dự án đầu tư xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận việc áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất vào chế độ tiền lương của cán bộ, công nhân, nhân viên của 8 công trình thủy điện, và để đảm bảo quyền lợi cho người lao động ngành xây dựng, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: chấp thuận việc áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng trong tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình đối với các dự án đầu tư xây dựng phê duyệt trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư số 01/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng về hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Trên đây là báo cáo và kiến nghị của Bộ Xây dựng về việc áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất vào chế độ tiền lương của cán bộ, công nhân, nhân viên ngành xây dựng. Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.