BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17428/BTC-TCHQ | Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2011 |
Kính gửi: Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật này có phát sinh một số vướng mắc liên quan đến nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Để việc thực hiện được thống nhất đúng quy định, Bộ Tài chính đã có văn bản trao đổi với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Bộ Tư pháp. Căn cứ quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 03/06/2008, Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006, Luật thuế xuất khẩu thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 ngày 14/06/2005 và tham khảo ý kiến tham gia của Thanh tra Chính phủ tại công văn số 375/TTCP-V.II ngày 4/3/2011; Kiểm toán nhà nước tại công văn số 364/KTNN-TH ngày 15/4/2011; Bộ Tư pháp tại công văn số 5180/BTP-VĐCXDPL ngày 01/09/2011, Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện như sau:
1. Vướng mắc trong áp dụng Luật quản lý thuế đối với hành vi vi phạm thuộc tờ khai hải quan đăng ký trước thời điểm Luật quản lý thuế có hiệu lực thi hành (ngày 01/07/2007):
Căn cứ quy định tại Điều 119 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11; khoản 1, khoản 4 Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12, thì văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.
Theo quy định trên, thì các tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan trước ngày 1/7/2007 có hành vi vi phạm về quản lý thuế nhưng tại thời điểm xử phạt, Luật quản lý thuế đã có hiệu lực và không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì áp dụng Luật quản lý thuế.
2. Vướng mắc trong trường hợp áp dụng nội dung Thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn Luật, Nghị định:
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 8 và khoản 1 Điều 78 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12, thì “Văn bản quy định chi tiết phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết” và “Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy định pháp luật được quy định trong văn bản nhưng không sớm hơn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành”.
Theo đó, đối với các trường hợp Thông tư hướng dẫn những nội dung mà Luật và Nghị định đã quy định cụ thể thì phải thi hành ngay từ thời điểm Luật, Nghị định có hiệu lực; nhưng những nội dung Luật, Nghị định chưa quy định hoặc quy định không rõ, phải hướng dẫn cụ thể tại Thông tư mới có cơ sở để thực hiện thì những nội dung được hướng dẫn cụ thể này được thực hiện theo thời điểm Thông tư có hiệu lực.
3. Vướng mắc về xác định thời hiệu xử phạt hành vi chậm nộp tiền thuế:
3.1. Theo quy định của khoản 2 Điều 110 Luật quản lý thuế, thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chậm nộp tiền thuế là 05 năm kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện.
Do đó nếu tính từ thời điểm người nộp thuế bắt đầu chậm nộp thuế đến ngày người nộp thuế thực hiện nộp thuế mà đã quá thời hạn 5 năm thì việc xử phạt chậm nộp thuế được thực hiện như sau:
+ Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày bắt đầu chậm nộp đến ngày kết thúc chậm nộp, thì người nộp thuế phải nộp tiền phạt chậm nộp.
+ Ngoài thời hạn 05 năm kể từ ngày bắt đầu chậm nộp, người nộp thuế không phải nộp phạt chậm nộp.
VD: Người nộp thuế đăng ký tờ khai hải quan vào ngày 2/10/2007 nhập khẩu vải để may quần áo. Giả sử theo quy định, thời hạn nộp thuế của Tờ khai này là 30 ngày nhưng đến ngày 15/5/2013 người nộp thuế mới nộp hết tiền thuế vào ngân sách thì trong khoảng thời gian từ ngày 3/11/2007 đến hết ngày 3/11/2012 (tròn 05 năm tính từ ngày bắt đầu chậm nộp trở đi), người nộp thuế vẫn bị phạt chậm nộp. Khoảng thời gian từ ngày 4/11/2012 (ngày quá thời hạn 05 năm) đến ngày 15/5/2013 (ngày nộp thuế) người nộp thuế không bị phạt chậm nộp.
3.2. Theo quy định tại Điều 10 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, thì: Người có thẩm quyền xử phạt nếu có lỗi trong việc để quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì bị xử lý theo quy định tại Điều 121 của Pháp lệnh này.
Do đó, đề nghị cục Hải quan các tỉnh, thành phố xác định rõ nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm quá thời hiệu chưa xử lý và xác định trách nhiệm của các bên liên quan để xử lý tiền phạt chậm nộp theo đúng quy định tại điểm 3.1 và 3.2 nêu trên.
4. Vướng mắc trong xử lý truy thu thuế, ấn định thuế đối với hành vi nhầm lẫn:
Đề nghị các đơn vị trên cơ sở thực tế cụ thể của từng trường hợp, xác định rõ nguyên nhân, lý do cơ quan hải quan phải xác định lại các căn cứ, yếu tố tính thuế, số tiền thuế phải nộp khác với khai báo của người khai để có hướng xử lý phù hợp với quy định của pháp luật về thuế, quản lý thuế theo nguyên tắc áp dụng văn bản tạo Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nếu thật sự do khách quan, không có lỗi của doanh nghiệp thì tùy từng trường hợp cụ thể, căn cứ quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh sự việc để báo cáo Bộ Tài chính xử lý từng trường hợp cụ thể theo đúng quy định của pháp luật. Ví dụ: do tên tiếng Anh và tiếng Việt của danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khác nhau dẫn đến phân loại, tính thuế chưa đúng thì báo cáo Bộ Tài chính xử lý từng trường hợp cụ thể theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 49/2010/TT-BTC ngày 14/04/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Bộ Tài chính có ý kiến để các Cục Hải quan tỉnh, thành phố được biết và thống nhất thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.