BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1698/BXD-KTTC | Hà Nội, ngày 22 tháng 08 năm 2006 |
Kính gửi: Bộ Giao thông vận tải
Bộ Xây dựng đã nhận văn bản số 3918/BGTVT-CGĐ ngày 05/7/2006; văn bản số 4434/BGTVT-CGĐ ngày 26/7/2006; văn bản số 4641/BGTVT-CGĐ ngày 03/8/2006 của Bộ Giao thông vận tải về các vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
1. Về đơn giá ca máy và thiết bị xây dựng, công thức điều chỉnh giá thống nhất với đề nghị của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 4641/BGTVT-CGĐ nêu trên.
2. Chi phí đảm bảo giao thông.
Công tác đảm bảo giao thông là đặc thù của các dự án cải tạo, nâng cấp đường quốc lộ, vừa thi công vừa đảm bảo giao thông thông suốt; Vì vậy, đối với các dự án này, chủ đầu tư lập dự toán chi phí đảm bảo giao thông để làm căn cứ quản lý chi phí.
3. Chi phí chuyển quân và chuyển máy.
Chi phí chuyển quân và chuyển máy đã được quy định trong trực tiếp phí khác của dự toán chi phí xây dựng tại Thông tư số 04/2005/TT-BXD ngày 01/4/2005 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình.
Đối với chi phí chuyển quân, chuyển máy ở thời điểm trước ngày thông tư số 04/2005/TT-BXD có hiệu lực, áp dụng theo hướng dẫn của thông tư số 09/2000/TT-BXD , theo nội dung thông tư này thì chi phí chuyển quân, chuyển máy chỉ được áp dụng đối với những dự án quy mô lớn thực hiện theo hình thức chỉ định thầu.
4. Chi phí xây dựng hoàn trả hệ thống đường của địa phương đã sử dụng để thi công công trình.
Đối với dự án xây dựng các công trình giao thông khi xây dựng công trình phải sử dụng hệ thống đường đã có của địa phương để phục vụ thi công, sau khi dự án hoàn thành phải sửa chữa để hoàn trả cho địa phương thì căn cứ vào điều kiện cụ thể, khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư xem xét việc xây dựng sửa chữa khắc phục hư hỏng, xuống cấp đảm bảo theo quy mô, hiện trạng ban đầu hoàn trả cho địa phương để xác định như một hạng mục công trình.
5. Chi phí lâm quản.
Khi triển khai dự án xây dựng công trình giao thông, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thực hiện thi công các công trình phù hợp với tiến độ thi công trong dự án được duyệt, đảm bảo tiết kiệm, tránh làm tăng các chi phí đầu tư xây dựng công trình, đặc biệt là chi phí lâm quản.
Đối với các dự án giao thông trải dài theo tuyến, chia thành nhiều gói thầu, các gói thầu hoàn thành cách nhau thời gian dài, được chủ đầu tư nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng song chưa bàn giao cho cơ quan quản lý khai thác do toàn bộ dự án chưa hoàn thành, thì chi phí lâm quản (đã được ghi trong tổng mức đầu tư, tổng dự toán) sẽ được chủ đầu tư lập dự toán trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt nhưng không vượt định mức do Nhà nước giao cho đơn vị quản lý làm công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên tùy theo cấp đường quản lý. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư quản lý chặt chẽ khoản chi phí này.
6. Lệ phí thẩm định.
Theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; Lệ phí thẩm định được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2000/TT-BTC ngày 13/11/2000 của Bộ Tài chính.
Cơ quan nhà nước không thẩm định thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán nên không có lệ phí thẩm định cho các công việc này.
Trường hợp Bộ Giao thông vận tải tổ chức thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán thì lúc này Bộ Giao thông vận tải làm nhiệm vụ của chủ đầu tư, do vậy chi phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán được tính theo quy định tại Quyết định số 10/2005/QĐ-BXD ngày 15/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
7. Về thông báo và kiểm soát giá nhựa đường.
Theo quy định tại Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh giá thì Nhựa đường không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, do vậy giá Nhựa đường để tính chi phí vật liệu thực hiện theo hướng dẫn của thông tư liên tịch số 38/2004/TTLT-BTC-BXD ngày 26/4/2004 của Liên Bộ Tài chính-Xây dựng hướng dẫn việc thông báo và kiểm soát giá vật liệu xây dựng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Việc điều chỉnh chi phí vật liệu Nhựa đường đối với các hợp đồng đã ký kết, đang tổ chức thực hiện thì căn cứ vào điệu kiện hồ sơ mời thầu, kết quả trúng thầu và các điều khoản về điều chỉnh giá trong hợp đồng giao nhận thầu xây dựng đã ký kết giữa chủ đầu tư và đơn vị nhận thầu để điều chỉnh theo quy định.
Trường hợp giá nhựa đường trong thông báo giá vật liệu xây dựng của các địa phương chưa phù hợp với thực tế khi thi công xây dựng các công trình giao thông, hoặc không có trong thông báo giá vật liệu xây dựng của các địa phương thì căn cứ vào hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính, phù hợp với giá thị trường tại thời điểm thi công xây dựng công trình để xác định giá của loại nhựa đường sử dụng cho công trình. Chủ đầu tư căn cứ vào giá nhựa đường này để tính bù trừ chênh lệch vật liệu hoặc điều chỉnh giá trị dự toán theo nội dung quy định của hợp đồng đã được ký kết và các quy định hiện hành của Nhà nước.
Khi giá nhựa đường có biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến các dự án xây dựng công trình giao thông thì Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết. Về nguyên tắc, Bộ Xây dựng đồng ý với kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về vấn đề này.
8. Về định mức dự toán các công trình giao thông.
Đối với công trình xây dựng giao thông có các công tác xây dựng chưa được quy định trong hệ thống định mức hiện hành, thì Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo chủ đầu tư căn cứ yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công, điều kiện thi công để xây dựng định mức cho các công tác này như hướng dẫn tại Thông tư số 04/2005/TT-BXD và thỏa thuận với Bộ Xây dựng theo quy định hiện hành.
9. Chi phí kiểm định và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình.
Đối với công trình phải có chứng nhận chất lượng thì chi phí kiểm định và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình được xác định bằng cách lập dự toán chi phí và được lấy từ chi phí quản lý dự án. Chi phí kiểm định và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình thực hiện như quy định tại Thông tư số 11/2005/TT-BXD ngày 14/7/2005 của Bộ Xây dựng.
10. Chi phí tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình giao thông và chi phí thí nghiệm vật liệu.
- Chi phí tư vấn giám sát thi công xây dựng thuộc chi phí quản lý dự án và được quy định trong quyết định số 10/2005/QĐ-BXD ngày 14/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Trường hợp công trình xây dựng giao thông có tính đặc thù mà áp dụng chi phí tư vấn giám sát thi công theo quy định hiện hành không phù hợp thì chủ đầu tư căn cứ vào yêu cầu công việc tư vấn giám sát, nội dung giám sát, tổ chức bố trí nhân lực tư vấn giám sát tại hiện trường và các chi phí khác có liên quan để lập dự toán trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
- Chi phí thí nghiệm vật liệu của nhà thầu đã được quy định trong trực tiếp phí khác của chi phí xây dựng. Trường hợp đặc thù mà chi phí thí nghiệm vật liệu trong trực tiếp phí khác không đủ cho công tác thí nghiệm thì chủ đầu tư lập dự toán chi phí trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
11. Chi phí xây dựng các công trình tạm phục vụ thi công
Chi phí xây dựng các công trình tạm phục vụ thi công phải được thiết kế và lập dự toán như các hạng mục công trình xây dựng (Trừ chi phí lán trại). Các chi phí phục vụ thi công tại công trình như kho bãi để vật tư, điện, nước phục vụ thi công đã được tính trong chi phí chung của chi phí xây dựng quy định tại Thông tư số 04/2005/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Bộ Giao thông vận tải căn cứ ý kiến nêu trên của Bộ Xây dựng để tổ chức thực hiện. Quá trình áp dụng nếu còn vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Xây dựng để cùng nghiên cứu giải quyết./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.