BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1657/TY-KD | Hà Nội, ngày 22 tháng 08 năm 2016 |
Kính gửi: Chi cục quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Căn cứ tình hình dịch bệnh, mức độ lưu hành tác nhân gây bệnh thủy sản trong nước hiện nay và quy định tại Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản (sau đây gọi là Thông tư 26), Cục Thú y hướng dẫn Chi cục quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về lấy mẫu và xét nghiệm bệnh đối với động vật thủy sản giống xuất phát từ cơ sở sản xuất động vật thủy sản giống chưa được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc chưa được giám sát dịch bệnh theo quy định hoặc từ cơ sở thu gom, kinh doanh trước khi kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh, cụ thể như sau:
I. Nguyên tắc chung
1. Mẫu phải được lấy tại cơ sở sản xuất, ương dưỡng, thu gom ở thời điểm phù hợp và bảo đảm đủ thời gian để xét nghiệm và làm thủ tục kiểm dịch trước khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.
2. Mẫu phải được xét nghiệm tại phòng thử nghiệm đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định theo quy định hiện hành; phòng thử nghiệm có trách nhiệm trả lời kết quả xét nghiệm trong vòng 03 (ba) ngày làm việc kể từ khi nhận mẫu.
3. Trường hợp cơ sở sản xuất tôm giống không thực hiện việc lấy mẫu theo hướng dẫn tại công văn này, cơ quan kiểm dịch động vật nội địa lấy mẫu để xét nghiệm các tác nhân gây bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô đối với từng lô hàng; đối với các bệnh khác, được thực hiện theo yêu cầu của người mua tôm giống.
4. Căn cứ tình hình dịch bệnh, mức độ lưu hành tác nhân gây bệnh thủy sản trong từng thời kỳ, Cục Thú y sẽ hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung việc lấy mẫu, xét nghiệm bệnh thủy sản giống.
5. Thời điểm áp dụng Công văn này: Từ ngày 01/9/2016.
II. Lấy mẫu kiểm dịch động vật thủy sản giống
1. Đối với tôm giống bố mẹ
a) Loại mẫu: Lấy một phần của chân bơi và thùy (vây) đuôi theo nguyên tắc lấy đối xứng hai bên.
b) Chỉ tiêu xét nghiệm bao gồm: Các tác nhân gây bệnh đốm trắng (WSV) và bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV).
c) Số lượng mẫu lấy: Theo tỷ lệ lưu hành bệnh ước đoán là 10% ở cấp độ cá thể tôm giống bố mẹ được quy định Phụ lục IV của Thông tư số 26.
d) Xử lý mẫu: Tại phòng thử nghiệm, mẫu của các cá thể tôm giống bố mẹ trong cùng một trại sản xuất được gộp theo nguyên tắc 10 mẫu thành gộp thành 01 mẫu xét nghiệm.
đ) Xét nghiệm mẫu: Mỗi trại chỉ xét nghiệm 01 mẫu gộp.
e) Trong thời gian được phép sử dụng để sinh sản, chỉ lấy mẫu một lần cho một trại sản xuất.
Lưu ý:
- Đối với trại đã được lấy mẫu tôm giống bố mẹ để xét nghiệm định kỳ và có kết quả âm tính với các bệnh thì không lấy mẫu tôm post của trại đó để xét nghiệm.
- Đối với tôm giống bố mẹ nhập khẩu, trong thời gian 07 ngày sau khi kết thúc thời gian nuôi cách ly kiểm dịch mà được vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh thì không phải lấy mẫu xét nghiệm, trường hợp quá 07 ngày sau khi kết thúc thời gian nuôi cách ly kiểm dịch mới được vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh thì phải lấy mẫu xét nghiệm.
- Đối với tôm giống bố mẹ được phép sản xuất trong nước khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh phải lấy mẫu xét nghiệm.
2. Đối với tôm post
a) Loại mẫu: Nguyên con tôm post
b) Chỉ tiêu xét nghiệm bao gồm: Các tác nhân gây bệnh đốm trắng (WSV), hoại tử gan tụy cấp (AHPNB) và bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV).
c) Số lượng mẫu được lấy theo trình tự và nguyên tắc sau:
* Tại mỗi cơ sở sản xuất: Lấy mẫu tôm post tại tất cả các trại sản xuất, ương nuôi tôm giống.
* Tại mỗi trại:
- Đối với trại có dưới 10 (mười) hồ/bể sản xuất, ương nuôi tôm post: Lựa chọn tất cả các hồ/bể để lấy mẫu.
- Đối với các trại có từ 10 (mười) hồ/bể trở lên: Lựa chọn ngẫu nhiên ít nhất 10 hồ/bể và tối đa là 30 hồ/bể để lấy mẫu.
* Tại mỗi hồ, bể: Lấy ít nhất 1,5 gram tôm post/hồ, bể để bảo đảm đủ số lượng xét nghiệm các chỉ tiêu bệnh.
d) Xử lý mẫu: Tại phòng thử nghiệm, lấy 0,5 gram mẫu tôm post của mỗi hồ/bể để gộp với mẫu tôm post của các hồ/bể khác trong cùng một trại theo nguyên tắc 10 mẫu gộp thành 01 mẫu xét nghiệm, số còn lại 01 (một) gram tôm post của mỗi hồ/bể phải được lưu giữ cẩn thận trong 01 (một) tháng để trường hợp cần thiết thì sử dụng xét nghiệm lại.
đ) Xét nghiệm mẫu: Mỗi trại chỉ xét nghiệm 01 mẫu gộp.
e) Mỗi đợt sản xuất (từ nau đến post xuất bán) lấy mẫu một lần cho một trại sản xuất.
3. Lấy mẫu cá giống bố mẹ
a) Loại mẫu: Lấy mẫu vây, tia mang hoặc nguyên con (tùy theo từng chỉ tiêu xét nghiệm bệnh).
b) Chỉ tiêu xét nghiệm: Theo quy định tại Phụ lục IV Thông tư số 26.
c) Số lượng mẫu: Theo tỷ lệ lưu hành bệnh ước đoán là 10% ở cấp độ cá thể theo quy định Phụ lục IV của Thông tư số 26.
d) Xử lý và xét nghiệm mẫu: Tại phòng thử nghiệm, mẫu của các cá thể cá giống bố mẹ trong cùng một trại sản xuất được gộp theo nguyên tắc 10 mẫu thành gộp thành 01 mẫu xét nghiệm.
đ) Xét nghiệm mẫu: Mỗi trại chỉ xét nghiệm 01 mẫu gộp.
e) Mỗi chu kỳ, đợt sản xuất lấy mẫu một lần cho một trại sản xuất.
4. Đối với cá hương, cá giống, cá bột
a) Loại mẫu: Nguyên con
b) Chỉ tiêu xét nghiệm: Theo quy định tại Phụ lục IV của Thông tư số 26.
c) Số lượng mẫu được lấy theo trình tự và nguyên tắc sau:
* Tại mỗi cơ sở sản xuất: Lấy mẫu cá giống tại tất cả các trại sản xuất, ương nuôi cá giống.
* Tại mỗi trại:
- Đối với trại có dưới 10 (mười) hồ/bể/ao sản xuất, ương nuôi: Lựa chọn tất cả các hồ/bể/ao để lấy mẫu.
- Đối với các trại có từ 10 (mười) hồ/bể/ao trở lên: Lựa chọn ngẫu nhiên ít nhất 10 hồ/bể/ao và tối đa là 30 hồ/bể/ao để lấy mẫu.
* Tại mỗi hồ, bể, ao: Lấy ít nhất 1,5 gram hoặc 5-10 con cá bột/hồ, bể, ao hoặc phải bảo đảm đủ số lượng xét nghiệm các chỉ tiêu bệnh.
d) Xử lý mẫu: Lấy 1/3 trọng lượng mẫu cá của mỗi hồ/bể/ao để gộp với mẫu cá của các hồ/bể/ao khác trong cùng một trại theo nguyên tắc 10 mẫu gộp thành 01 mẫu xét nghiệm, số còn lại 2/3 trọng lượng của mỗi hồ/bể/ao phải được lưu giữ cẩn thận trong 01 (một) tháng để trường hợp cần thiết thì sử dụng xét nghiệm lại.
đ) Xét nghiệm mẫu: Mỗi trại chỉ xét nghiệm 01 mẫu gộp.
e) Mỗi chu kỳ, đợt sản xuất lấy mẫu một lần cho một trại sản xuất.
5. Đối với nghêu/ngao giống
a) Loại mẫu: Nguyên con
b) Chỉ tiêu xét nghiệm: Theo quy định tại Phụ lục IV của Thông tư số 26.
c) Số lượng mẫu: Theo quy định tại Phụ lục IV của Thông tư số 26.
d) Xử lý: Các mẫu nghêu/ngao trong cùng một trại được gộp theo nguyên tắc 10 mẫu gộp thành 01 mẫu xét nghiệm. Số còn lại 2/3 trọng lượng của mỗi hồ/bể/ao phải được lưu giữ cẩn thận trong 01 (một) tháng để trường hợp cần thiết thì sử dụng xét nghiệm lại.
đ) Xét nghiệm mẫu: Mỗi trại chỉ xét nghiệm 01 mẫu gộp.
e) Mỗi chu kỳ, đợt sản xuất lấy mẫu một lần cho một trại sản xuất.
III. Xử lý kết quả xét nghiệm bệnh
1. Đối với trại có kết quả xét nghiệm mẫu thủy sản giống âm tính (-) với tác nhân gây bệnh được liệt kê tại Mục II nêu trên, cơ quan kiểm dịch động vật nội địa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật thủy sản giống vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.
Kết quả xét nghiệm có giá trị để làm thủ tục kiểm dịch cho tất cả các lô thủy sản giống được sản xuất trong cùng một chu kỳ, đợt sản xuất của trại đó; Bản sao của kết quả xét nghiệm nêu trên được cơ quan kiểm dịch động vật nội địa xác nhận và đính kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch của lô thủy sản giống được sản xuất trong cùng một chu kỳ, đợt sản xuất của trại đó.
2. Đối với trại có kết quả xét nghiệm mẫu thủy sản giống dương tính (+) với tác nhân gây bệnh được liệt kê tại Mục II nêu trên, cơ quan kiểm dịch động vật nội địa tổ chức thực hiện như sau:
Bước 1: Tổ chức điều tra xác định nguyên nhân theo quy định tại Điều 13 của Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản (sau đây gọi là Thông tư số 04).
Bước 2: Hướng dẫn chủ cơ sở lựa chọn một trong hai hình thức dưới đây để xử lý thủy sản giống bị nhiễm tác nhân gây bệnh:
a) Thực hiện các biện pháp phòng, chống theo quy định tại Thông tư số 04 đối với tất cả hồ/bể/ao trong cùng một trại sản xuất có mẫu xét nghiệm dương tính với bệnh được xét nghiệm.
b) Lấy mẫu và xét nghiệm (bao gồm xét nghiệm các mẫu lưu tại phòng thử nghiệm cho lần xét nghiệm thứ nhất có kết quả dương tính nêu trên) để xác định tình trạng nhiễm bệnh của từng hồ/bể/ao của trại sản xuất có mẫu xét nghiệm dương tính. Xử lý kết quả xét nghiệm lại như sau:
- Nếu mẫu xét nghiệm lại cho kết quả âm tính (-) với tác nhân gây bệnh, sử dụng kết quả để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật thủy sản giống vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.
- Nếu xét nghiệm lại cho kết quả dương tính (+) với tác nhân gây bệnh, thực hiện các biện pháp phòng, chống theo quy định tại Thông tư số 04.
Bước 3: Hướng dẫn và yêu cầu chủ cơ sở thực hiện các biện pháp phòng và ngăn chặn tác nhân gây bệnh xâm nhập và lưu hành tại tất cả các trại của cơ sở có kết quả dương tính.
3. Cơ quan kiểm dịch động vật nội địa: Lập biểu theo dõi việc xét nghiệm bệnh tại các cơ sở theo mẫu quy định tại Phụ lục VI của Thông tư số 26; định kỳ hàng tháng báo cáo Cục Thú y và Cơ quan Thú y vùng.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các đơn vị gửi văn bản về Cục Thú y để phối hợp xử lý kịp thời./.
| KT. CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.