BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1568/BTP-BTTP | Hà Nội, ngày 29 tháng 02 năm 2012 |
Kính gửi: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Bộ Tư pháp nhận được Công văn số 1870/VKSTC-V10 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến thẩm quyền của Viện kiểm sát trong hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án của các tổ chức bán đấu giá tài sản. Về vấn đề này, Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:
1. Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 thì Viện kiểm sát nhân dân có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án nhân dân. Cụ thể hơn, Điều 23 của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định: “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan trong việc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và những bản án, quyết định được thi hành ngay theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm các bản án, quyết định đó được thi hành đúng pháp luật, đầy đủ, kịp thời”.
Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản thì Chấp hành viên ký hợp đồng bán đấu giá tài sản với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản để thực hiện việc bán đấu giá. Trong một số trường hợp, chấp hành viên được tự bán đấu giá tài sản kê biên (khoản 3 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự).
Bộ Tư pháp thấy rằng, việc cơ quan thi hành án dân sự ký hợp đồng bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp để bán đấu giá tài sản thi hành án, việc thực hiện hợp đồng của cơ quan thi hành án dân sự và việc bán đấu giá tài sản của chấp hành viên theo quy định tại khoản 3 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự thuộc đối tượng kiểm sát của Viện kiểm sát. Theo đó, Viện kiểm sát có quyền kiểm sát đối với hoạt động của cơ quan thi hành án, của chấp hành viên trong quá trình xử lý tài sản thi hành án.
2. Đối với hoạt động của các tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp thì không thuộc đối tượng kiểm sát của Viện kiểm sát. Bởi lẽ, việc ký và thực hiện hợp đồng bán đấu giá tài sản với cơ quan thi hành án thuộc lĩnh vực dân sự, quyền và nghĩa vụ của các bên được thực hiện theo hợp đồng, tuân theo pháp luật dân sự, pháp luật về bán đấu giá tài sản và pháp luật khác có liên quan. Như vậy, Viện kiểm sát sẽ không tiến hành kiểm sát độc lập đối với tổ chức bán đấu giá tài sản; không có quyền kháng nghị đối với tổ chức bán đấu giá tài sản trong việc thực hiện hợp đồng bán đấu giá tài sản thi hành án.
3. Đối với vụ việc mà Viện kiểm sát thực hiện kiểm sát thi hành án có liên quan đến việc bán đấu giá tài sản mà phát hiện có vấn đề thì có quyền yêu cầu tổ chức bán đấu giá tài sản cung cấp hồ sơ, tài liệu của vụ việc cụ thể đó để phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát. Nếu phát hiện sai phạm thì có quyền yêu cầu, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Qua nghiên cứu, Bộ tư pháp thấy rằng, kiểm sát hoạt động Thi hành án dân sự là vấn đề phức tạp và có nhiều nội dung cần hướng dẫn cụ thể. Bộ Tư pháp đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp xây dựng Thông tư liên tịch về vấn đề này.
Trên đây là ý kiến của Bộ Tư pháp để Quý cơ quan nghiên cứu, tham khảo./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.