BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1506/TCT-CS | Hà Nội, ngày 04 tháng 05 năm 2011 |
Kính gửi: Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh
Trả lời công văn số 7630/CT-PC ngày 18/11/2010 của Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh về việc hướng dẫn xử phạt vi phạm về hóa đơn tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP , căn cứ ý kiến của Vụ Pháp chế - BTC, Vụ Chính sách thuế - BTC, sau khi xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Về hình thức xử phạt:
Tại Điều 2, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10 quy định:
“Điều 2. Thẩm quyền quy định hành vi vi phạm hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác.
Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; quy định chế độ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính.”
Tại khoản 1, Điều 1 sửa đổi khoản 3, Điều 12 Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008: “3. Ngoài các hình thức xử phạt được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: …
đ) Biện pháp khắc phục hậu quả do người có thẩm quyền quyết định áp dụng theo quy định của Chính phủ”
Các điều từ 28 đến 34, chương V, Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định ngoài biện pháp phạt tiền còn có các hình thức khắc phục hậu quả như sau:
- Hủy các hóa đơn được in hoặc khởi tạo không đúng quy định; (Điều 28)
- Hủy các hóa đơn đặt in không đúng quy định; (Điều 29)
- Hủy các hóa đơn cho, bán hoặc hóa đơn giả; (Điều 30)
- Hủy các loại hóa đơn được mua đã hết hạn sử dụng; hóa đơn đã mua và chưa lập nhưng cho, bán lại các đối tượng khác sử dụng; (Điều 31)
- Hủy hóa đơn đã phát hành không còn giá trị sử dụng; (Điều 33)
- Buộc phải thực hiện các thủ tục phát hành hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP đối với các hành vi vi phạm quy định về phát hành hóa đơn. (Điều 32).
Và hình thức phạt bổ sung là:
- Đình chỉ in hóa đơn đối với doanh nghiệp in khi có hành vi in hóa đơn giả của doanh nghiệp in; (khoản 6, Điều 30)
- Bị chỉ định nhà in đối với tổ chức, doanh nghiệp đặt in hóa đơn khi có hành vi đặt in hóa đơn giả; (khoản 6, Điều 29)
- Đình chỉ quyền tự in hóa đơn và quyền khởi tạo hóa đơn đối với tổ chức, doanh nghiệp có hành vi tự in hóa đơn giả, hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử giả. (khoản 3, Điều 28)
2. Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn:
Điều 37, Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định:
“Điều 37. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn
1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn được thực hiện theo quy định tại các Điều 29, 30, 36 và 38 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Việc cho phép cơ sở kinh doanh khởi tạo, đặt in và tự in hóa đơn được Chính phủ giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP. Do vậy, trường hợp trong quá trình kiểm tra, thanh tra phát hiện những vi phạm về hóa đơn, Cục trưởng Cục Thuế có thẩm quyền ra quyết định phạt tiền vi phạm về hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP .
Điều 29, 30, 36 và 38 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 04/2008/UBTVQH12 quy định thẩm quyền của UBND huyện, UBND tỉnh, cơ quan Thuế và Thanh tra chuyên ngành Tài chính khi áp dụng các biện pháp xử phạt bằng tiền và khắc phục hậu quả. Theo quy định tại Điều 36, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 04/2008/UBTVQH12, cơ quan Thuế chỉ được phạt hành chính trong lĩnh vực thuế bằng tiền mà không được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, chiếu theo Điều 38, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 04/2008/UBTVQH12, Thanh tra Thuế là một bộ phận trong Thanh tra chuyên ngành Tài chính. Vì vậy, Thanh tra Thuế có thẩm quyền được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo Điều 38, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 04/2008/UBTVQH12.
3. Thủ tục xử phạt:
Điều 10, Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008 quy định:
“Điều 10. Trách nhiệm của người có thẩm quyền trong việc xử lý vi phạm hành chính
1. Khi phát hiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo đúng trình tự thủ tục quy định tại Chương VI Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính …”
Theo trình tự thủ tục quy định tại Chương VII Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền xử phạt đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản. Biên bản về vi phạm hành chính phải có đầy đủ nội dung theo đúng mẫu quy định tại Điều 38, Nghị định số 128/2008/NĐ-CP. Khi tiến hành kiểm tra thanh tra về thuế và hóa đơn có lập Biên bản kiểm tra, thanh tra, nếu các Biên bản đã lập cho hành vi vi phạm phù hợp với mẫu Biên bản vi phạm hành chính và đã lập đúng theo Điều 55 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì không phải lập lại Biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa đơn. Trường hợp biên bản đã lập không phù hợp với mẫu Biên bản quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì cơ quan kiểm tra, thanh tra phải trích xuất nội dung vi phạm và lập Biên bản vi phạm hành chính theo mẫu để xử lý theo đúng quy trình.
Tổng cục Thuế trả lời Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh biết.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.