TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 148/2002/KHXX | Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2002 |
CÔNG VĂN
CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 148/2002/KHXX NGÀY 30 THÁNG 9 NĂM 2002 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG ĐIỀU 46, 47 BLHS
Kính gửi: Toà án nhân dân thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam
Sau khi nghiên cứu Công văn số 25/TA ngày 6-5-2002 của Toà án nhân dân thị xã Hội An, Toà án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:
1. Về việc quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật hình sự.
Theo tinh thần quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự, thì Toà án chỉ có thể quyết định một hình phạt nhẹ hơn dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định từ Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Như vậy, việc Toà án nào hoặc Hội đồng xét xử nào quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật quy định khi bị cáo chỉ có một tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự (cho dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ khác theo quy định tại Khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự) là trái với quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, cần lưu ý là theo quy định tại Khoản 3 Điều 38 Bộ luật hình sự năm 1985 và hướng dẫn tại Mục B phần II Nghị quyết số 1-89/HĐTP ngày 19-4-1989 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao "Hướng dẫn bổ sung việc áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự", thì khi có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên, trong đó chỉ cần có ít nhất một tình tiết được quy định tại Khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự năm 1985, thì Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất mà điều luật đã quy định hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; do đó, đối với những hành vi phạm tội được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2000 mà sau thời điểm này mới bị xét xử, căn cứ vào quy định tại Khoản 2 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999 và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2000/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an "Hướng dẫn thi hành Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999 và Mục 2 Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21-12-1999 của Quốc hội", thì Toà án vẫn có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất mà điều luật đã quy định khi có hai tình tiết giảm nhẹ trở lên mà trong đó chỉ có một tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự năm 1985 hoặc Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999.
2. Về trường hợp bị cáo có bà ngoại là người được Nhà nước tặng danh hiệu Người mẹ Việt Nam anh hùng hoặc có cha, mẹ được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen trong quá trình học tập và công tác (không phải là huân, huy chương) thì có được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự hay không?
Một số tình tiết được coi là các tình tiết giảm nhẹ khác quy định tại Khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự đã được hướng dẫn cụ thể tại Điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 4-8-2000 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao "Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần chung của Bộ luật hình sự năm 1999". Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử có thể còn có những tình tiết khác cũng có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ; vì vậy, cuối Điểm c này có hướng dẫn: "... khi xét xử, tuỳ từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án". Như vậy, tình tiết bị cáo có bà ngoại là người được Nhà nước tặng danh hiệu Người mẹ Việt Nam anh hùng hoặc có cha, mẹ được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen trong quá trình học tập và công tác là thuộc vào trường hợp này và để có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hay không phải xem xét từng trường hợp cụ thể.
Ví dụ: Bị cáo là người cháu được bà ngoại là mẹ Việt Nam anh hùng nuôi dưỡng từ nhỏ, là người thân duy nhất còn lại hoặc trường hợp bị cáo có cha, mẹ được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen về những thành tích xuất sắc trong công tác... thì khi xét xử Toà án có thể coi đó là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, nhưng phải ghi rõ trong bản án.
Trên đây là ý kiến của Toà án nhân dân tối cao để quý Toà tham khảo trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
| Đặng Quang Phương (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.