BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1479/DP-DT | Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2018 |
Kính gửi: | Đồng chí Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. |
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, trong những tháng cuối năm 2018, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi như MERS-CoV tiếp tục ghi nhận tại khu vực Trung Đông, bệnh sởi xảy ra tại nhiều quốc gia khu vực châu Âu trong đó có một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi; các chủng cúm gia cầm độc lực cao vẫn có 1 nguy cơ bùng phát tại một số quốc gia trong khu vực vào mùa xuân và xâm nhập vào nước ta. Tại Việt Nam, một số bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn có số mắc cao hoặc gia tăng cục bộ tại một số địa phương, bệnh cúm A(H5N6) trên gia cầm vẫn ghi nhận rải rác tại một số địa phương. Cùng với thời tiết mùa xuân và sự gia tăng giao lưu đi lại trong dịp Tết và mùa lễ hội là điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát, đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe người dân trong dịp Tết và mùa lễ hội năm 2019, Cục Y tế dự phòng trân trọng đề nghị Đồng chí Giám đốc Giám đốc Sở Y tế quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung công tác sau:
1. Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm 2019 và triển khai thực hiện, trong đó phân công cụ thể hoạt động của các đơn vị liên quan trên địa bàn, kết hợp các hoạt động mang tính liên ngành và thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện.
2. Chỉ đạo các đơn vị Y tế dự phòng tăng cường các hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu và cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ, trường hợp bệnh xâm nhập, đặc biệt là các ổ dịch cũ, các trường hợp về từ vùng có dịch, tổ chức cách ly, quản lý kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, lưu ý các bệnh cúm gia cầm, ho gà, sởi, rubella, tiêu chảy cấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng.
3. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
4. Chỉ đạo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết và mùa lễ hội, các biện pháp phòng, chống các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp như bệnh sởi, cúm ở người, các bệnh dịch lây truyền qua đường tiêu hóa, thực hiện vệ sinh cá nhân, bảo đảm an toàn thực phẩm và lợi ích của tiêm vắc xin phòng bệnh.
5. Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên chia sẻ thông tin và phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, các dịch bệnh thường xảy ra trong cơ sở giáo dục.
6. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch. Tổ chức thường trực trong các ngày nghỉ Tết, sẵn sàng các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.
7. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur và Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trân trọng cảm ơn./.
| KT. CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.