TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1447/GSQL-GQ2 | Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 2019 |
Kính gửi: Công ty TNHH KISHIRO Việt Nam.
(Lô 55, KCN Nội Bài, Sóc Sơn, Hà Nội)
Trả lời công văn số 20190401-KVN ngày 24/4/2019 của Công ty TNHH KISHIRO Việt Nam về việc xử lý chất thải (phế thải) của DNCX, Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Về việc phân loại phế thải (chất thải)
a) Theo quy định tại khoản khoản 2 Điều 4 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/04/2015 của Chính phủ thì tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng. Như vậy, căn cứ quy định nêu trên trách nhiệm của Công ty (chủ nguồn chất thải) phải phân loại chất thải ngay tại nguồn để thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định.
b) Theo quy định tại khoản 12, khoản 16 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 thì chất thải là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác; phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm đã bị loại ra từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác.
Theo quy định tại khoản khoản 1, khoản 4 Điều 3 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/04/2015 của Chính phủ thì chất thải rắn là chất thải ở thể rắn hoặc sệt (còn gọi là bùn thải) được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác; chất thải rắn công nghiệp là chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 35 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính thì phế liệu là vật liệu loại ra trong quá trình gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu không còn giá trị sử dụng ban đầu được thu hồi để làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất khác; phế phẩm là thành phẩm, bán thành phẩm không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật (quy cách, kích thước, phẩm chất,...) bị loại ra trong quá trình gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu và không đạt chất lượng để xuất khẩu.
Như vậy, định danh về phế liệu và các dạng chất thải (phế thải) đã được quy định cụ thể, thống nhất từ Luật Bảo vệ môi trường đến các văn bản hướng dẫn nêu trên, đề nghị Công ty căn cứ các quy định và thực tế hoạt động sản xuất để phân loại phế liệu và chất thải (phế thải) cho phù hợp.
2. Về việc xử lý chất thải (phế thải)
Theo quy định tại khoản 4 Điều 44 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ thì việc tiêu hủy các phế liệu, phế phẩm, phế thải (nếu có) chỉ được phép thực hiện sau khi có văn bản cho phép của Sở Tài nguyên - Môi trường và phải được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan Hải quan. Trường hợp không được phép hủy tại Việt Nam thì phải tái xuất theo chỉ định của bên đặt gia công.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 75 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 51 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính thì DNCX thực hiện xử lý phế thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. DNCX có trách nhiệm ghi chép sổ sách chi tiết, xuất trình cho cơ quan hải quan khi kiểm tra.
Vậy, trường hợp xử lý chất thải (phế thải) của DNCX đề nghị Công ty căn cứ các quy định nêu trên để thực hiện.
Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan trả lời Công ty TNHH KISHIRO Việt Nam biết. Trường hợp có vướng mắc phát sinh đề nghị Công ty liên hệ Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục để được hướng dẫn cụ thể./.
| KT. CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.