BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 144/BGTVT-KHĐT | Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2009 |
Kính gửi: | - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh; |
Cử tri Thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến, kiến nghị liên quan đến ngành Giao thông vận tải gửi đến kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XII với nội dung như sau:
"Kiến nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là đề án di dời hệ thống cảng biển trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025"
Về vấn đề này, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
1. Về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
Quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22/01/2007, trong đó đã xác định các dự án ưu tiên giai đoạn đến 2010 chủ yếu đều do Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện.
Riêng các dự án sau do Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện:
a. Dự án Quốc lộ 50 từ Tp. Hồ Chí Minh đi Gò Công:
Đã hoàn thành giai đoạn 1 (tuyến tránh Mỹ Tho và Gò Công). Giai đoạn 2 nâng cấp mở rộng toàn tuyến từ Tp. Hồ Chí Minh – Gò Công – Mỹ Tho đã được phê duyệt dự án vào quý II năm 2007. Đã khởi công 02 gói thầu đầu tiên vào tháng 9 năm 2008 và tiếp tục tổ chức đấu thầu các gói tiếp theo, tiến độ đảm bảo yêu cầu. Riêng cầu Mỹ Lợi đang lập dự án đầu tư để đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Hiện dự án đã hoàn thành, đang thẩm định để phê duyệt, dự kiến khởi công 2009.
b. Dự án Cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương:
Đã khởi công tháng 12 năm 2004, hoàn thành cơ bản tuyến chính tháng 12/2008. Đến nay đã thực hiện khoảng 75% khối lượng, giải ngân 6.555 tỷ, đảm bảo tiến độ. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép (văn bản số 1966/TTg-CN ngày 20/12/2007), Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư điều chỉnh (giai đoạn I) tại Quyết định số 2563/QĐ-BGTVT ngày 22/8/2008. Bộ GTVT đã chuyển giao hồ sơ cho Ngân hàng Đầu tư phát triển nghiên cứu thực hiện Đề án mua quyền thu phí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Ngân hàng Đầu tư phát triển đã hoàn thành Đề án mua quyền thu phí, chuẩn bị lấy ý kiến các Bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
c. Dự án Cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây:
- Đoạn An Phú – Vành đai II do Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện;
- Đoạn Vành đai II – Long Thành – Dầu Giây với tổng mức đầu tư 932 triệu USD. Đồng tài trợ JBIC+ADB+Vốn đối ứng. Đã ký hiệp định vay JBIC tháng 3/2008 (150 Triệu USD, còn phải vay thêm hiệp định nữa khoảng 360 triệu USD), tư vấn ADB đang lập TKKT từ 6/2008 đến 9/2009, dự kiến ký hiệp định vay ADB vào tháng 10/2008. Chủ đầu tư là Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trực tiếp quản lý thực hiện dự án. Dự kiến khởi công trong năm 2010.
2. Về việc di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn ra khỏi khu vực nội ô Tp. Hồ Chí Minh
Việc di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn ra khỏi khu vực nội ô Tp. Hồ Chí Minh được thực hiện theo Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 12/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển khu vực Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu (nhóm cảng biển số 5) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Cụ thể:
"Nhóm các cảng cần di dời sớm, trước năm 2010: bao gồm Tân cảng Sài Gòn, Nhà máy đóng tàu Ba Son, khu cảng Nhà Rồng và khu cảng Khánh Hội của cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận Đông, cảng Rau Quả. Tiến độ di dời cụ thể căn cứ vào tiến độ triển khai các quy hoạch chung của Thành phố Hồ Chí Minh và tình hình sản xuất kinh doanh của từng cảng, theo nguyên tắc: không gây ách tắc, lãng phí và hạn chế ảnh hưởng xấu đối với sản xuất kinh doanh và an ninh quốc phòng, ổn định công ăn việc làm cho người lao động.
Nhóm các cảng di dời sau năm 2010: từng bước nghiên cứu di dời các cảng còn lại nằm trong phạm vi cần di dời với tiến độ được xác định theo nguyên tắc trên đây. Trong trường hợp cần thiết, nếu hội tụ đủ yếu tố thích hợp thì có thể đẩy nhanh tiến độ các cảng này sớm hơn".
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 458/QĐ-TTg ngày 28/4/2008 thành lập Ban chỉ đạo thực hiện quy hoạch di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son, bao gồm đại diện lãnh đạo: UBND các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu; các Bộ: GTVT, Tài chính, KH&ĐT, Xây dựng, Quốc phòng, KH&CN, TN&MT. Ban chỉ đạo đã ban hành qui chế hoạt động, thành lập 03 tổ công tác:
- Tổ công tác qui hoạch chuyển đổi công năng do Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh phụ trách;
- Tổ công tác cơ chế, chính sách di dời do Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách;
- Tổ công tác di dời kết cấu hạ tầng do Thứ trưởng Bộ GTVT phụ trách.
Hiện các Tổ công tác đang tích cực triển khai kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án di dời, ghi nhận những khó khăn vướng mắc của các đơn vị di dời để báo cáo Ban Chỉ đạo thực hiện quy hoạch di dời giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ, ngành và địa phương liên quan đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cảng di dời triển khai theo quy hoạch được duyệt nhằm đáp ứng tiến độ đề ra.
Đến nay, Tân cảng Sài Gòn cơ bản hoàn tất việc di dời và ổn định sản xuất tại vị trí mới ở Cát Lái. Bốn đơn vị còn lại gồm Cảng Sài Gòn, Cảng Tân Thuận Đông, Cảng Rau quả và Nhà máy đóng tàu Ba Son đang trong giai đoạn xử lý các thủ tục về đất đai, lập dự án đầu tư xây dựng... Bộ GTVT đang tiếp tục phối hợp với Tp. Hồ Chí Minh và các Bộ liên quan để giải quyết những khó khăn cho các doanh nghiệp, phấn đấu cơ bản hoàn thành việc di dời các cảng cần di dời sớm trong năm 2011.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp di dời, tiến trình di dời các cảng trên sông Sài Gòn thực hiện chậm so với tiến độ yêu cầu. Nguyên nhân:
- Khu Hiệp Phước chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa có đường, điện, nước, thông tin liên lạc để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong cảng.
- Việc lập dự án chuyển mục đích sử dụng đất tại vị trí cũ để tạo vốn đầu tư tại vị trí mới chưa có cơ sở thực hiện.
- Vốn cho di dời: các doanh nghiệp đều chờ đợi chuyển đổi quy hoạch để có nguồn kinh phí.
Bộ GTVT đã đề nghị UBND Tp. Hồ Chí Minh sớm phê duyệt quy hoạch sử dụng đất tại các vị trí phải di dời; đồng thời sớm chấp thuận về nguyên tắc cho phép các doanh nghiệp di dời được lập dự án đầu tư xây dựng tại vị trí cũ theo quy hoạch sử dụng đất của thành phố để các doanh nghiệp có thể triển khai các thủ tục theo quy định.
Bộ GTVT xin trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh và đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố chuyển ý kiến trên đến cử tri được rõ. Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Thành phố để giải quyết các vấn đề liên quan./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.