BẢO HIỂM XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1427/BHXH-PT | Hà Nội, ngày 02 tháng 05 năm 2012 |
Kính gửi: | - Bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã |
Trong quá trình tổ chức thu Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc thời gian qua còn có một số vướng mắc, đồng thời tiếp thu ý kiến phản ảnh của một số đơn vị sử dụng lao động yêu cầu được hướng dẫn cụ thể hơn khi thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT. Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội hướng dẫn bổ sung một số nội dung về thu BHXH, BHYT, BHTN, cụ thể như sau:
1/ Tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH
Theo quy định của Bộ Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành thì tiền lương và các khoản phụ cấp lương là hai khoản khác nhau. Vì vậy, đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (theo quy định tại Khoản 2, Điều 94 Luật BHXH) thì tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động, không bao gồm các khoản phụ cấp.
2/ Đối với việc giải quyết chế độ cho người lao động trong các đơn vị bị khởi kiện
2.1/ Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ khởi kiện ra Tòa án theo hướng dẫn tại Quyết định số 1947/BHXH-QĐ ngày 29/12/2011 và công văn số 1331/BHXH-PT ngày 14 tháng 4 năm 2012 của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội đối với đơn vị sử dụng lao động vi phạm pháp luật về đóng BHXH, nợ BHXH số tiền lớn, thời gian dài.
2.2/ Việc thu BHXH và giải quyết chế độ cho người lao động trong các đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH đang bị khởi kiện, đang được Tòa án xét xử hoặc đang thi hành án theo phán quyết của Tòa án, được thực hiện như sau:
- Tiếp tục tính thu BHXH, BHYT, BHTN phát sinh, cùng với số tiền nợ và tiền lãi của số tiền chưa đóng, chậm đóng theo quy định.
- Việc ghi, xác nhận sổ BHXH làm căn cứ giải quyết chế độ đối với người lao động ngừng việc, các trường hợp tử tuất và chế độ BHYT thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1947/QĐ-BHXH ngày 29/12/2011 của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội.
- Giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, TNLĐ đối với người lao động theo nguyên tắc đóng BHXH đến thời điểm nào thì giải quyết chế độ đến thời điểm đó (chứng từ ốm đau, thai sản xét duyệt theo quy định, chuyển tiền thanh toán trước 01 tháng so với kết quả đóng của đơn vị).
3/ Việc thu và giải quyết chế độ BHXH, BHYT đối với người lao động trong các doanh nghiệp thuộc tập đoàn VINASHIN
3.1/ Về thu, ghi và xác nhận sổ BHXH cũng như giải quyết chế độ BHXH, BHTN được thực hiện đến hết ngày 31/12/2012 như sau:
- Trường hợp giải quyết chế độ hưu trí, TNLĐ-BNN, tử tuất, thôi việc:
+ Đơn vị còn nợ được đóng đủ số tiền BHXH, BHYT, BHTN của những người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, người lao động bị TNLĐ-BNN, bị chết, thôi việc để giải quyết chế độ BHXH, BHTN và xác nhận sổ BHXH theo quy định.
+ Thời điểm hưởng lương hưu kể từ tháng liền kề sau tháng đơn vị nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định.
- Trường hợp thanh, quyết toán chế độ ốm đau, thai sản:
+ Đối với đơn vị đã thực hiện truy đóng đủ số tiền BHXH, việc giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động phát sinh từ ngày 01/01/2007 được thực hiện đối với đơn vị.
+ Đối với đơn vị chưa vay được tiền theo quyết định số 87/2010/QĐ-TTg để truy đóng và có văn bản đề nghị, việc xét duyệt và thanh toán chế độ ốm đau, thai sản được thực hiện trực tiếp đối với người lao động (tại cơ quan BHXH nơi trực tiếp quản lý thu đối với đơn vị hoặc thông qua đơn vị). Sau đó, thực hiện ghi nợ cả khoản kinh phí 2% để đơn vị chuyển trả đủ số tiền đóng BHXH khi được ngân hàng chuyển tiền cho vay.
3.2/ Về quyền lợi khám chữa bệnh BHYT
- Việc cấp thẻ BHYT: Trường hợp doanh nghiệp chưa vay được tiền theo Quyết định số 87/2010/QĐ-TTg để trả nợ và đóng BHXH, BHYT phát sinh hàng tháng, cơ quan BHXH thực hiện cấp thẻ BHYT cho người lao động có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2012.
- Việc xác nhận thời gian tham gia BHYT và giải quyết quyền lợi về BHYT thực hiện theo công văn 6168/BYT-BH của Bộ Y tế và quy định tại Quyết định số 1947/BHXH-QĐ ngày 29/12/2011 của BHXH Thành phố Hà Nội.
4/ Về chốt sổ BHXH xác nhận thời gian tham gia BHXH đối với chức danh phó chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn (xã đội phó)
Trong khi chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, đối với các trường hợp xã đội phó đã đóng BHXH bắt buộc, BHXH quận, huyện, thị xã thực hiện:
- Tạm thời xác nhận thời gian tham gia BHXH bắt buộc đến hết 31/12/2009.
- Thoái thu BHXH bắt buộc từ 01/01/2010 trở đi (căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ)
Trường hợp người lao động có yêu cầu, hướng dẫn người lao động làm đơn (theo mẫu) để đóng BHXH tự nguyện tương ứng với thời gian tham gia BHXH bắt buộc từ 01/01/2010 trở đi đã thoái thu. Đồng thời, xác nhận vào đơn của người lao động trước khi chuyển về BHXH thành phố (phòng Thu) trình Giám đốc BHXH thành phố phê duyệt. Việc giải quyết chế độ BHXH tạm thời căn cứ quá trình tham gia đã được xác nhận, khi có hướng dẫn cụ thể sẽ thực hiện điều chỉnh mức hưởng và chi trả phần chênh lệch (nếu có).
5/ Thu BHXH tự nguyện và BHYT tự nguyện
Theo quy định, việc thu BHXH tự nguyện và BHYT tự nguyện căn cứ mức tiền lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm người tham gia đóng cho Đại lý thu của cơ quan BHXH hoặc BHXH quận, huyện, thị xã, không căn cứ thời điểm Đại lý thu nộp tiền cho cơ quan BHXH.
Trường hợp Đại lý thu thu tiền của người tham gia nhưng không nộp tiền về cơ quan BHXH đúng thời hạn quy định, Đại lý thu có trách nhiệm nộp bổ sung phần chênh lệch (khi Nhà nước có thay đổi tiền lương tối thiểu chung) do nộp chậm không đúng thời hạn theo quy định.
Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A, đóng BHYT tự nguyện cho Đại lý ngày 27/4/2012. Đại lý nộp cho cơ quan BHXH ngày 02/5/2012 → Tiền Lmin chung được tính là 830.000đ.
Ví dụ 2: Bà Trần Thị B đóng BHYT tự nguyện cho Đại lý ngày 27/4/2012. Đại lý nộp cho cơ quan BHXH ngày 15/5/2012 → Tiền Lmin chung được tính là 1.050.000đ → Đại lý phải nộp bổ sung phần chênh lệch 230.000đ do nộp về cơ quan BHXH không đúng thời hạn quy định.
Ví dụ 3: Ông Đinh Văn C đăng ký đóng BHXH tự nguyện theo quý, ông C đã đóng tiền quý II/2012 tại BHXH quận A vào ngày 27/4/2012 → Tiền Lmin chung được tính là 830.000đ.
Ví dụ 4: Bà Phạm Thị D đăng ký đóng BHXH tự nguyện theo quý, bà D đóng tiền quý II/2012 tại BHXH huyện B vào ngày 10/5/2012 → Tiền Lmin chung được tính là 1.050.000đ.
Yêu cầu các phòng nghiệp vụ, Bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc các nội dung nêu trên, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phản ánh kịp thời về Bảo hiểm xã hội Thành phố để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. GIÁM ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.