BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1398/BGDĐT-GDTC | Hà Nội, ngày 23 tháng 4 năm 2020 |
Kính gửi: | - Các Sở Giáo dục và Đào tạo; |
Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 1244/BYT-MT ngày 13/3/2020 và Công văn số 2234/BYT-MT ngày 21/4/2020 về việc triển khai phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn việc bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non, học sinh, học viên và sinh viên (sau đây gọi chung là học sinh) đi học trở lại và xử trí trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 trong trường học, cụ thể như sau:
1. Tiếp tục thực hiện Công văn số 550/BGDĐT-GDTC ngày 25/02/2020 về việc hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục và Công văn số 696/BGDĐT-GDTC ngày 04/3/2020 về những việc cần làm để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong trường học.
2. Triển khai các điều kiện bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trở lại
a) Chuẩn bị của nhà trường trước khi học sinh đi học trở lại
- Thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp.
- Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường tại trường học như: thiết bị đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, nơi rửa tay bằng nước sạch có xà phòng....; độ giãn cách và các phương án bảo đảm sức khỏe cho giáo viên, học sinh, cán bộ quản lý và nhân viên nhà trường khi học sinh đi học trở lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Tập huấn và giao nhiệm vụ cho giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên nhà trường quy trình phòng, chống dịch bệnh để thực hiện và hướng dẫn học sinh thực hiện khi trở lại trường học.
- Xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo quy định của Bộ GDĐT[1] phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và thực tiễn dịch bệnh tại địa phương có biện pháp tổ chức dạy học theo từng khối/ lớp và nhóm học sinh để thực hiện giãn cách hợp lý, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên khi đến trường; kết hợp giữa dạy học qua Internet, trên truyền hình với dạy học trực tiếp để rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình đảm bảo kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020.
b) Khi học sinh đi học trở lại
- Trước khi học sinh đến trường.
+ Không đến trường khi đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế.
+ Nếu học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải nghỉ ở nhà, thông tin ngay cho nhà trường, đồng thời đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.
+ Gia đình kiểm tra thân nhiệt cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông; sinh viên, học viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường tự đo thân nhiệt trước khi đến trường.
+ Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trên đường đến trường.
- Khi học sinh đến trường.
+ Không cho phụ huynh học sinh, người không có nhiệm vụ vào trong trường. Nhà trường bố trí người đón và giao nhận trẻ mầm non và học sinh tiểu học tại cổng trường. Thực hiện việc đo thân nhiệt cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên trước khi vào trường và lớp học.
+ Bố trí chỗ ngồi giữa 2 học sinh có khoảng cách phù hợp theo hướng dẫn của ngành Y tế; theo dõi và thường xuyên nhắc nhở học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường đảm bảo giãn cách ngoài lớp học, phòng làm việc theo quy định; đeo khẩu trang đúng cách; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; không dùng chung các đồ dùng cá nhân; bỏ rác đúng nơi quy định; kịp thời báo cáo lãnh đạo nhà trường nếu phát hiện có học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường có biểu hiện không bình thường về sức khỏe để có biện pháp xử lý.
+ Tổ chức chào cờ và các hoạt động giáo dục trong phạm vi từng lớp học; bố trí giờ vào lớp, giải lao, tan học xen kẽ giữa các khối lớp để tạo giãn cách và giám sát, nhắc nhở học sinh không tụ tập trong giờ ra chơi.
+ Tổ chức lau khử khuẩn, vệ sinh các bề mặt thường xuyên tiếp xúc, khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, cầu thang, phương tiện đưa đón học sinh theo quy định.
+ Tăng cường tuyên truyền về các giải pháp phòng, chống dịch cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên.
- Kết thúc mỗi buổi học
+ Thực hiện nghiêm việc giãn cách khi ra khỏi cổng trường, đeo khẩu trang trên đường về nhà.
+ Nhà trường duy trì thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp theo quy định; kiểm tra, rà soát và bổ sung kịp thời nước sát khuẩn hoặc xà phòng và các vật dụng cần thiết khác để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo.
2. Về xử trí các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 trong trường học (theo Phụ lục gửi kèm).
Bộ GDĐT đề nghị Giám đốc các sở GDĐT, Giám đốc các Đại học, Học viện, Hiệu trưởng các Trường Đại học, Trường Cao đẳng Sư phạm và Trung cấp Sư phạm nghiêm túc chỉ đạo và thực hiện các nội dung hướng dẫn nêu trên. Đồng thời, chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát tình hình phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý và báo cáo kịp thời về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Bộ GDĐT qua thư điện tử: bcd_ncov@moet.gov.vn; điện thoại: 078.678.3535.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
XỬ TRÍ CÁC TRƯỜNG HỢP CÓ BIỂU HIỆN SỐT, HO, KHÓ THỞ HOẶC NGHI NGỜ MẮC COVID-19 TRONG TRƯỜNG HỌC
(Kèm theo Công văn số 1398/BGDĐT-GDTC ngày 23/4/2020 của Bộ GDĐT)
Khi phát hiện có học sinh mắc một trong các triệu chứng như sốt, ho, khó thở hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 (gọi chung là người nghi ngờ) trong trường học cần thực hiện theo các bước sau:
1. TIẾN HÀNH CÁCH LY VÀ ĐIỀU TRA DỊCH TỄ
Bước 1. Giáo viên cho lớp học tạm ngừng học, thực hiện biện pháp hạn chế tiếp xúc giữa người nghi ngờ với những người khác trong khoảng cách dưới 02 mét.
Bước 2. Giáo viên liên hệ với nhân viên y tế/giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế trường học (sau đây gọi tắt là cán bộ y tế trường học) để thực hiện nhiệm vụ cách ly và điều tra dịch tễ.
Bước 3. Cán bộ y tế trường học phải được trang bị trang phục, dụng cụ y tế (đeo khẩu trang y tế, găng tay, trang phục y tế[2]) thực hiện việc cung cấp khẩu trang y tế cho người nghi ngờ và hướng dẫn đeo đúng cách.
Bước 4. Cán bộ y tế trường học đưa người nghi ngờ đến khu cách ly riêng trong phòng y tế hoặc khu vực do nhà trường bố trí theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 1244/BYT-MT ngày 13/3/2020.
Bước 5. Cán bộ y tế trường học thực hiện việc khai thác tiền sử tiếp xúc dịch tễ của người nghi ngờ:
- Đối với học sinh trung học phổ thông, sinh viên, học viên: thực hiện việc hỏi trực tiếp;
- Đối với trẻ mầm non, học sinh tiểu học, trung học cơ sở: mời cha mẹ học sinh đến trường để phối hợp hỏi tiền sử tiếp xúc dịch tễ và thực hiện các biện pháp xử lý.
Nội dung điều tra dịch tễ:
- Trong 14 ngày gần nhất học sinh có đến và đi về từ vùng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế (cả trong và ngoài nước). Nếu có, nêu địa điểm cụ thể;
- Trong vòng 14 ngày gần nhất có tiếp xúc gần (sống cùng nhà, học cùng lớp, sinh hoạt chung, tiếp xúc trực tiếp trong khoảng cách ≤ 1-2m, di chuyển trên cùng phương tiện,...) với những người đi về từ vùng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người nghi ngờ hoặc xét nghiệm có dương tính với Covid-19.
Tham vấn ý kiến của cán bộ y tế xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị y tế địa phương theo quy định để khẳng định về tiền sử tiếp xúc dịch tễ. Nếu cần thiết thì mời cán bộ y tế khu vực, tuyến huyện, tuyến tỉnh đến hỗ trợ.
2. CÁC XỬ TRÍ SAU KHI ĐIỀU TRA DỊCH TỄ
2.1. Trường hợp người nghi ngờ không có yếu tố tiếp xúc dịch tễ
- Cán bộ y tế trường học đưa học sinh, sinh viên, học viên hoặc phối hợp với cha mẹ đưa trẻ mầm non, học sinh phổ thông có biểu hiện sốt, ho, khó thở đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời. Thực hiện việc ghi lại các thông tin vào sổ theo dõi sức khỏe giáo viên và học sinh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác y tế trường học;
- Giáo viên tiếp tục cho lớp học học tập trở lại.
2.2. Trường hợp người nghi ngờ có yếu tố tiếp xúc dịch tễ
a) Vận chuyển đến cơ sở y tế để cách ly và điều trị
Cán bộ y tế trường học phối hợp với trạm y tế xã hoặc cơ quan y tế có thẩm quyền tại địa phương để đưa người có biểu hiện nghi ngờ đến cơ sở y tế theo quy định để cách ly và điều trị. Việc vận chuyển người nghi ngờ phải thực hiện đúng theo quy định về phòng chống lây nhiễm.
b) Các biện pháp xử lý tại nhà trường
- Đối với trường hợp có tiếp xúc gần thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế có thẩm quyền tại địa phương;
- Thông báo cho toàn thể giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh cho học sinh nghỉ học cho đến khi nhà trường có thông báo mới. Thường xuyên liên lạc với học sinh, gia đình học sinh để cập nhật tình hình sức khỏe của học sinh;
- Khử khuẩn môi trường: thực hiện khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
[1] Quyết định số 736/QĐ-BGDĐT ngày 13/3/2020 về việc sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 1; điểm b khoản 2 Điều 4 Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT ngày 16/6/2017 ban hành khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2017-2018;
Công văn số 1113/BGDĐT-GDTrH ngày 30/3/2020 về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020 đối với cấp THCS, THPT;
Công văn số 1125/BGDĐT-GDTH ngày 31/3/2020 về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020 đối với cấp Tiểu học;
Công văn số 1175/BGDĐT-GDTX ngày 06/4/2020 về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020 tại các cơ sở thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên.
[2] Trang phục y tế phải được thay trước khi ra khỏi phòng y tế và giặt sạch với chất tẩy rửa hoặc xà phòng trước khi dùng lại, không giặt chung với các đồ vải khác.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.