BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1390/BGDĐT-GDCN | Hà Nội, ngày 05 tháng 03 năm 2013 |
Kính gửi: | - Các Trường Trung cấp chuyên nghiệp |
Thực hiện Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg ngày 14/04/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung “Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” vào chương trình giáo dục của các bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tổ chức biên soạn Tài liệu giảng dạy về Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chương trình đào tạo trình độ Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) dành cho hai khối ngành: Công nghệ Kỹ thuật và Khoa học Xã hội.
Tài liệu dành cho khối ngành Công nghệ Kỹ thuật đã được đưa vào sử dụng tại các cơ sở đào tạo TCCN từ năm học 2009–2010 (Công văn số 1495/BGDĐT-GDCN ngày 26/3/2010). Tài liệu dành cho khối ngành Khoa học Xã hội được Bộ GDĐT phê duyệt đưa vào chương trình đào tạo trình độ TCCN khối ngành Khoa học Xã hội từ năm học 2012 – 2013*(1).
Để thực hiện nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chương trình đào tạo TCCN khối ngành Khoa học Xã hội, Bộ GDĐT hướng dẫn các trường TCCN, các trường Cao đẳng, trường Đại học và các cơ sở giáo dục khác có đào tạo TCCN (sau đây gọi chung là trường) một số nội dung sau:
1. Về tên gọi, vị trí, thời lượng, mục tiêu và nội dung của học phần
a. Tên học phần: Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ( khối ngành Khoa học Xã hội)
b. Vị trí của học phần: là học phần tự chọn thuộc khối học phần chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp.
c. Đối tượng sử dụng: Học sinh Trung cấp chuyên nghiệp khối ngành Khoa học Xã hội.
d. Thời lượng: 30 tiết (2 đơn vị học trình)
e. Mục tiêu: Học xong học phần này, người học có khả năng:
- Trình bày các nội dung cơ bản về năng lượng; sử dụng năng lượng; các nguồn năng lượng tái tạo; các chính sách sử dụng năng lượng của Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới; quá trình sản xuất, truyền tải, cung cấp, phân phối và sử dụng điện năng.
- Giải thích được các khái niệm cơ bản về năng lượng, biến đổi năng lượng, hiệu suất biến đổi năng lượng, hiệu suất sử dụng năng lượng, công suất, hệ số công suất.
- Sử dụng các dạng năng lượng phổ biến như điện năng, khí đốt, xăng dầu một cách tiết kiệm, hiệu quả và an toàn trong sinh hoạt tại gia đình cũng như tại công sở và trong lĩnh vực giao thông vận tải.
- Có ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và an toàn, đồng thời tuyên truyền, giáo dục cho những người xung quanh về sử dụng năng lượng.
g. Nội dung
Nội dung chương trình của học phần Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả dành cho khối ngành Khoa học Xã hội được chia thành bốn chương cơ bản như sau:
Chương I: Năng lượng và vai trò của năng lượng đối với cuộc sống con người
Giới thiệu khái niệm, lịch sử sử dụng năng lượng, vai trò năng lượng, phân loại các dạng năng lượng; quá trình chuyển hóa năng lượng và những vấn đề xảy ra trong sử dụng năng lượng.
Chương II: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Giới thiệu một số khái niệm cơ bản về sử dụng hiệu quả năng lượng và giới thiệu các chính sách năng lượng của một số nước phát triển trên thế giới như Mỹ, EU, Anh, Nga, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc và chính sách năng lượng của Việt Nam. Đặc biệt, tài liệu còn giới thiệu Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Việt Nam ban hành năm 2010.
Chương III: Các nguồn năng lượng tái tạo
Giới thiệu các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, nhiên liệu sinh học, năng lượng địa nhiệt, khả năng khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong sinh hoạt và trong sản xuất; giới thiệu một số công trình sử dụng năng lượng tái tạo.
Chương IV: Sử dụng thiết bị tiêu thụ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Giới thiệu cách sử dụng tiết kiệm hiệu quả các thiết bị trong gia đình, tại công sở, trong lĩnh vực giao thông vận tải.
2. Hướng dẫn lựa chọn và triển khai thực hiện học phần Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
- Căn cứ vào chương trình khung TCCN do Bộ GDĐT ban hành; căn cứ vào đặc điểm, mục tiêu, yêu cầu của ngành đào tạo và điều kiện cụ thể của từng trường, khi thiết kế chương trình đào tạo cụ thể đối với từng ngành thuộc chương trình đào tạo TCCN khối ngành Khoa học Xã hội, các trường có thể lựa chọn học phần Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như là học phần chung tự chọn để đưa vào chương trình đào tạo của trường mình với vị trí và thời lượng của học phần theo hướng dẫn tại mục 1 của Công văn này, đồng thời chuẩn bị các điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy.
- Học phần này không cần điều kiện tiên quyết đối với học sinh theo học khối ngành Khoa học Xã hội. Tuy nhiên, việc sắp xếp kế hoạch giảng dạy và học tập học phần Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải phù hợp với kế hoạch đào tạo của nhà trường, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
- Về phương pháp giảng dạy cần bám sát mục tiêu (theo chuẩn đầu ra), nội dung và đặc điểm ngành học, đối tượng học sinh để chọn phương pháp dạy học thích hợp. Các trường cần bố trí thời gian để học sinh được trao đổi, thảo luận qua các semina, làm bài tập nhóm theo chủ đề gắn với ngành học, thăm quan thực tế.
- Việc đánh giá học phần được thực hiện theo quy chế đào tạo TCCN do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
Ghi chú:
*(1) Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo trong việc triển khai thực hiện, NXB Giáo dục Việt Nam (Bộ GDĐT) đã biên soạn và phát hành cuốn Tài liệu “Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” dành cho hai khối ngành Công nghệ kỹ thuật và Khoa học xã hội. Để tránh mua phải sách in lậu, các trường lưu ý chỉ mua Tài liệu GDSDNLTKHQ do NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản và có dán tem bảo hành (để biết thêm thông tin, xin liên hệ số điện thoại: 04 39726137; Fax: 04 39724715).
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.