BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13185/BTC-TTr | Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2018 |
Kính gửi: | - Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; |
Căn cứ Luật Thanh tra năm 2010, Nghị định số 82/2012/NĐ-CP ngày 09/10/2012 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2019 cần tập trung một số nội dung trọng tâm như sau:
I. Định hướng chung về thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2019
Kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính phải bám sát nhiệm vụ quản lý của ngành tài chính, của địa phương, đơn vị đồng thời phải gắn với việc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.
Thanh tra việc thực hiện thu nộp Ngân sách Nhà nước, chú trọng thanh tra chống thất thu thuế, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn, lậu thuế, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, gian lận thuế, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro thu nộp Ngân sách Nhà nước lớn, các doanh nghiệp hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế, nợ đọng thuế lớn; các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, điện lực, kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án, các ngành nghề kinh doanh mới, đặc thù…; các doanh nghiệp, tổ chức tài chính ngân hàng; các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá; các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn, giá cả không ổn định, nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất xuất khẩu, gia công cho thương nhân nước ngoài; doanh nghiệp chế xuất. Tiếp tục tăng cường thanh tra hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp có hoàn thuế lớn, các doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp,... Thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vào Ngân sách Nhà nước.
Thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ chi Ngân sách Nhà nước, trong đó tập trung thanh tra việc bố trí, giao dự toán; quản lý, sử dụng và quyết toán các khoản chi Ngân sách Nhà nước, chú ý các khoản chi hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước, xác định các khoản chi Ngân sách Nhà nước còn lãng phí, không hiệu quả. Công tác quản lý, điều hành vốn đầu tư, chú trọng thanh kiểm tra, giám sát trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư, nhất là việc triển khai, thực hiện phân bổ vốn theo chỉ đạo của Chính phủ; tập trung thanh tra các dự án lớn, dự án trọng điểm để kịp thời kiến nghị các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đi sâu kiểm tra các dự án triển khai chậm, điều chỉnh tiến độ, dự án nhiều lần tăng tổng mức đầu tư,... Thanh tra, kiểm tra việc phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu, nguồn kinh phí dự phòng; công tác tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí, hàng hóa cứu trợ phòng chống thiên tai, các khoản hỗ trợ từ ngân sách Trung ương,...
Thanh tra, kiểm tra đánh giá tài chính doanh nghiệp, chú trọng thanh tra, kiểm tra tính minh bạch của doanh nghiệp trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, trong việc thực hiện chế độ báo cáo, công bố thông tin, kê khai, nộp Ngân sách Nhà nước và hưởng các chính sách ưu đãi về thuế. Đẩy mạnh công tác thanh tra giá, trong đó tập trung thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về giá, thuế nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.
Công tác thanh tra hành chính, kiểm tra nội bộ phải được tăng cường, tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, chú trọng thanh tra việc thực hiện cải cách hành chính; việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ, quy chế công tác nhằm chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm kỷ cương, kỷ luật của ngành, đồng thời rà soát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các qui trình nghiệp vụ, các văn bản qui phạm pháp luật còn thiếu hoặc chưa phù hợp, góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.
Thanh tra chuyên đề: Căn cứ vào yêu cầu quản lý và chỉ đạo điều hành của từng cấp, chú trọng xây dựng kế hoạch thanh tra các chuyên đề diện rộng và chuyên sâu, nhằm tổng kết, đánh giá toàn diện từ cơ chế quản lý điều hành tới công tác quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí để có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách và chấn chỉnh quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí.
II. Định hướng thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2019 đối với các cơ quan có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính, Sở Tài chính.
1. Thanh tra Bộ Tài chính
- Đối với công tác thanh tra chuyên ngành.
Thanh tra công tác quản lý và sử dụng Ngân sách Nhà nước, nguồn thu phí, lệ phí và các nguồn thu sự nghiệp khác. Tập trung thanh tra Bộ, ngành, địa phương có nguồn thu và sử dụng Ngân sách Nhà nước lớn, có cơ chế tài chính đặc thù.
Thanh tra công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng đối với các Bộ, ngành, địa phương, các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án đầu tư được nhà nước quyết định đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư có liên quan đến công tác an sinh xã hội; việc sử dụng tài sản công để thanh toán các hợp đồng BT.
Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính, kế toán và chấp hành nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước đối với các doanh nghiệp có quy mô hoạt động và số thu lớn do Chính phủ, Bộ ngành và địa phương quản lý, đặc biệt đối với các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu theo quy định của Chính phủ, nhằm đánh giá tình hình tài chính, việc bảo toàn và phát triển vốn, đầu tư mua sắm tài sản của doanh nghiệp và việc đầu tư tài chính vào doanh nghiệp khác, phát hiện thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước,…
Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá và thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, các mặt hàng trong danh mục bình ổn giá, đăng ký giá và kê khai giá theo quy định của Luật giá; thanh tra công tác quản lý tài chính các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước của Trung ương và các địa phương.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc triển khai, thực hiện các quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại một số Bộ ngành, địa phương.
- Đối với công tác thanh tra hành chính.
Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, chính sách pháp luật và việc thực thi trách nhiệm theo thẩm quyền. Tập trung thanh tra công tác quản lý thuế, hải quan nhằm chống thất thu Ngân sách Nhà nước, gian lận thương mại.
Thanh tra việc xây dựng, thực hiện các quy trình, quy chế tài chính; công tác quản lý tài chính nội bộ; việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên, mua sắm, đầu tư xây dựng; công tác quản lý và sử dụng cán bộ.
Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch của Bộ Tài chính về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.
2. Tổng cục Thuế
Tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu rủi ro cao về thuế. Tổ chức triển khai xử lý thông tin và tăng cường công tác đối chiếu, xác minh, kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ.
Thanh,tra, kiểm tra thuế, chống thất thu; kiên quyết xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực có dư địa thu lớn, tiềm ẩn rủi ro về trốn thuế, gian lận thuế cao như: dầu khí; xăng dầu; điện lực; viễn thông; hàng không; ngân hàng; bảo hiểm; cho thuê tài chính; dược phẩm; bất động sản; xổ số kiến thiết; kinh doanh dịch vụ cảng; xây dựng; sản xuất, kinh doanh nguyên vật liệu xây dựng; doanh nghiệp khai thác kinh doanh cát, sỏi lòng sông; sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng; kinh doanh bán lẻ; sản xuất kinh doanh phân bón; sản xuất kinh doanh sản phẩm từ nhựa; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (bao gồm doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ); vận tải kho bãi; kinh doanh dịch vụ du lịch; sản xuất, kinh doanh ôtô; các tập đoàn, Tổng công ty, công ty có số thu nộp thuế lớn; Các doanh nghiệp nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn; các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế; có rủi ro cao về hóa đơn, về hoàn thuế.
Thanh tra, kiểm tra các ngành nghề kinh doanh mới, đặc thù: kinh doanh qua mạng; bán hàng đa cấp; kinh doanh game; doanh nghiệp đầu tư xây dựng BOT, BT; doanh nghiệp phát sinh chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng thương hiệu, chuyển nhượng dự án; các doanh nghiệp có giao dịch liên kết chiếm tỷ trọng lớn, kết quả hoạt động kinh doanh lo nhiều năm hoặc lợi nhuận báo cáo thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp hoạt động trong cùng ngành nghề, lĩnh vực.
Công tác kiểm tra nội bộ tập trung kiểm tra việc tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao; việc chấp hành kỷ luật, quy chế công tác, thực hiện các quy trình nghiệp vụ của cán bộ, công chức. Kiểm tra công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
3. Tổng cục Hải quan
Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật hải quan, pháp luật về thuế đối với doanh nghiệp trong đó tập trung các mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn và có khả năng gian lận về giá, thuế suất; mặt hàng có dấu hiệu gian lận về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người; mặt hàng nhập khẩu đã qua sử dụng nhưng thực chất là phế liệu; hàng hóa xuất nhập khẩu rủi ro về trị giá, về phân loại và áp dụng mức thuế; mặt hàng có kim ngạch đột biến của doanh nghiệp xếp hạng 6 (doanh nghiệp có độ rủi ro rất cao) và hạng 7 (doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh dưới 365 ngày). Thanh tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: doanh nghiệp thuộc các trường hợp hồ sơ thuế, hải quan quá thời hạn kiểm tra sau thông quan và các trường hợp đã kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm; doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất xuất khẩu và gia công cho thương nhân nước ngoài; doanh nghiệp chế xuất; doanh nghiệp đầu tư nhập khẩu các mặt hàng được ưu đãi về thuế; doanh nghiệp xuất nhập khẩu thương mại, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp nhập khẩu hàng tiêu dùng có xuất xứ Trung quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản có kim ngạch lớn, thuế suất cao.
Công tác kiểm tra nội bộ tập trung kiểm tra trong việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao: về lĩnh vực thuế xuất nhập khẩu (điều kiện áp dụng biểu thuế xuất, nhập khẩu, ưu đãi và biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; công tác miễn, giảm, hoàn thuế,..); lĩnh vực kiểm định (phân tích, phân loại hàng hóa); lĩnh vực quản lý rủi ro (công tác thu thập, xử lý thông tin, quản lý doanh nghiệp và quản lý tuân thủ, công tác chuyển luồng tờ khai hải quan,...); lĩnh vực kiểm tra sau thông quan; điều tra chống buôn lậu; giám sát quản lý; công nghệ thông tin và thống kê hải quan.
4. Kho bạc Nhà nước
Thanh tra, kiểm tra tập trung vào các dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện kiểm soát chi Ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.
Kiểm tra nội bộ công tác kiểm soát chi Ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước (kiểm soát chi thường xuyên và kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản); công tác quản lý và sử dụng kinh phí Ngân sách Nhà nước của Kho bạc Nhà nước, trong đó tập trung kiểm tra về công tác xây dựng, phân bổ và giao dự toán; tình hình trích lập, quản lý và sử dụng kinh phí tăng thu tiết kiệm chi; công tác mua sắm, sửa chữa và quản lý tài sản; công tác đầu tư xây dựng nội ngành; kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng đơn vị trong việc tổ chức triển khai việc thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; công tác tiếp công dân, nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
5. Tổng cục Dự trữ Nhà nước
Thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ tại các Bộ, ngành được giao quản lý hàng dự trữ quốc gia có số lượng nhiều.
Kiểm tra chuyên đề công tác đấu thầu mua vật tư hàng hóa tại Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
6. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Thanh tra, kiểm tra các công ty chưa thanh tra, kiểm tra trong 03 năm 2016, 2017, 2018.
Thanh tra, kiểm tra đối với các công ty đại chúng: công ty tăng vốn điều lệ trước khi đăng ký công ty đại chúng; công ty thực hiện phát hành, chào bán chứng khoán; công ty vi phạm nhiều lần về nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin; công ty có dấu hiệu vi phạm về quản trị công ty; công ty có báo cáo tài chính chênh lệch giữa số liệu kiểm toán và số liệu quyết toán hoặc báo cáo tài chính có dấu hiệu bất thường; công ty có đơn thư phản ánh của nhà đầu tư về việc tuân thủ nghĩa vụ của công ty đại chúng.
Thanh tra, kiểm tra đối với các công ty chứng khoán có tình hình tài chính, quản trị yếu kém; công ty có đơn thư phản ánh, kiến nghị; công ty có báo cáo tài chính có kiểm toán ngoại trừ liên quan đến các khoản mục trọng yếu có khả năng ảnh hưởng đến tình hình hoạt động công ty; công ty có biến động lớn trong báo cáo tài chính về kết quả kinh doanh, doanh thu, tài sản hoặc có sự đột biến về thị phần môi giới.
Thanh tra các công ty quản lý quỹ và các quỹ đầu tư chứng khoán có nguồn vốn ủy thác lớn từ ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán; công ty có vốn góp của ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức kinh doanh chứng khoán; các văn phòng đại diện của các công ty quản lý quỹ nước ngoài có nhiều quỹ đầu tư trên thị trường Việt Nam; công ty thuộc diện tái cấu trúc (vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn pháp định, tỷ lệ an toàn tài chính thấp, lỗ lũy kế lớn, hoạt động không hiệu quả).
7. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm
Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong đó tập trung một số vấn đề: bảo đảm an toàn tài chính, khả năng thanh toán của doanh nghiệp; việc trích lập các khoản dự phòng; chi trả quyền lợi bảo hiểm; quản lý công nợ; công tác đầu tư; việc chấp hành quy tắc, điều khoản biểu phí bảo hiểm, hoạt động đại lý...
8. Thanh tra các Sở Tài chính
Thanh tra công tác quản lý, sử dụng Ngân sách Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp khác; thanh tra công tác quản lý tài chính các chương trình, mục tiêu. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phí, lệ phí; việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, các mặt hàng trong danh mục bình ổn giá trên địa bàn. Chú trọng thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn.
III. Tổ chức thực hiện
- Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo hướng dẫn này.
- Các Tổng cục, Cục thuộc Bộ có chức năng thanh tra:
+ Tổ chức triển khai hoàn thành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2018 đã được phê duyệt. Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch và phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra, chú ý có sự phối hợp giữa các tổ chức thanh tra trong ngành Tài chính và các cơ quan hữu quan tránh sự chồng chéo, trùng lắp.
+ Hoàn thành việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2019 gửi về Thanh tra Bộ trước ngày 05/11/2018 để tổng hợp trình Bộ.
- Các đơn vị thuộc Bộ không có chức năng thanh tra chuyên ngành gửi kế hoạch kiểm tra năm 2019 đã được phê duyệt (nếu có) về Thanh tra Bộ Tài chính để tổng hợp, theo dõi.
- Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2019 đã được phê duyệt về Thanh tra Bộ Tài chính để tổng hợp và theo dõi.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.