VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 128/VKSTC-V3 | Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2018 |
Kính gửi: Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sau khi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có Công văn số 340/TANDTC-PC ngày 22/12/2017 về việc xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán “pháo hoa nổ” trong nội địa, Viện kiểm sát nhân dân một số tỉnh, thành phố có báo cáo xin ý kiến Viện kiểm sát nhân dân tối cao về các vướng mắc:
- Công văn số 340/TANDTC-PC nêu trên không phải là văn bản quy phạm pháp luật, là văn bản hướng dẫn trong ngành Tòa án thì có áp dụng trong ngành Kiểm sát hay không? Đề nghị có hướng dẫn thống nhất giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao để Viện kiểm sát địa phương xử lý hành vi vận chuyển, buôn bán, tàng trữ pháo trong dịp Tết Nguyên Đán.
- Nếu kết luận của cơ quan chuyên môn xác định vật chứng thu giữ có chứa thuốc pháo và gây tiếng nổ, không phụ thuộc vào việc loại pháo này có các đặc tính khác (như tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc...) thì có xử lý hình sự được không?
Về các vướng mắc nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có ý kiến như sau:
1. Nội dung Công văn số 340/TANDTC-PC ngày 22/12/2017 của Tòa án nhân dân tối cao nêu: Trường hợp kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định vật chứng thu giữ là pháo nổ hoặc có đầy đủ các đặc tính của pháo nổ (có chứa thuốc pháo và gây tiếng nổ) thì xem xét, xử lý về hình sự, không phụ thuộc vào việc loại pháo này có các đặc tính khác (như tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc...); việc xử lý đối với trường hợp này được thực hiện như hướng dẫn tại Công văn số 91/TANDTC-PC ngày 28/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao về xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa. Hướng dẫn nêu trên của Tòa án nhân dân tối cao đã thống nhất đường lối xét xử các hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán các loại pháo mang đặc tính của pháo nổ (thể hiện sự nguy hiểm của loại pháo này) phù hợp với Kiến nghị số 4764/VKSTC-V3 ngày 22/11/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư về việc đưa pháo hoa có chứa thuốc pháo và gây nổ vào danh mục hàng cấm kinh doanh, đáp ứng với yêu cầu đấu tranh xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo đang diễn ra hết sức phức tạp ở các địa phương trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới. Vì vậy, Viện kiểm sát các cấp vận dụng văn bản của Tòa án nhân dân tối cao để xử lý các hành vi liên quan đến pháo.
2. Căn cứ khoản 5 Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định về “vật liệu nổ”. Do đó, trong quá trình trưng cầu giám định về pháo, Viện kiểm sát các cấp yêu cầu Cơ quan điều tra trưng cầu cơ quan chuyên môn xác định về đặc tính của pháo (có chứa thuốc pháo hoặc thuốc nổ và gây tiếng nổ được không?). Nội dung trưng cầu, kết luận giám định thực hiện theo đúng các quy định của Điều 205 và 213 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
3. Trên cơ sở kết quả giám định, căn cứ tính chất mức độ hành vi vi phạm, tính chất của loại pháo, số lượng pháo... Viện kiểm sát các cấp chủ động họp bàn với cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp để quyết định việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính theo quy định của pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán năm 2018.
| TL. VIỆN TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.