BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 127/BNN-KH | Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2011 |
Kính gửi: | - Văn phòng Chính phủ; |
Thực hiện Nghị định số 196/2004/NĐ-CP ngày 2/12/2004 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh dự trữ quốc gia và theo đề nghị của Tổng cục Dự trữ nhà nước – Bộ Tài chính về đánh giá thực hiện dự trữ nhà nước năm 2010 tại công văn số 17699/BTC-TCDT ngày 27/12/2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2010 của ngành nông nghiệp như sau:
1. Tình hình thực hiện kế hoạch mua tăng DTQG năm 2010
a. Kế hoạch đầu năm 2010: tổng vốn mua tăng là 31,22 tỷ đồng
- Vắc xin thuốc thú y: 18,1 tỷ đồng, trong đó: vắc xin LMLM týp O: 1 triệu liều, trị giá 5,7 tỷ đồng; Hóa chất sát trùng Benkocid: 60 ngàn lít, trị giá 4,8 tỷ đồng; Hóa chất sát trùng Chlorine: 100 tấn, trị giá 2,8 tỷ đồng.
Đến nay số lượng vắc xin và hóa chất trên đã được mua đủ và đưa vào kho dự trữ.
- Hạt giống rau: 30 tấn, trị giá 2,5 tỷ đồng, đến nay đã mua và đưa vào kho dự trữ.
- Hạt giống lúa: 1.000 tấn, trị giá 10,62 tỷ đồng, đến nay đã mua đưa vào kho dự trữ.
b. Bổ sung kế hoạch năm 2010: 146,412 tỷ đồng
- Theo Quyết định số 56/QĐ-TTg ngày 12/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ mua bổ sung vốn mua nhập bù hàng dự trữ quốc gia 67,6 tỷ đồng, bao gồm: Vắc xin LMLM 3 týp: 1.106.000 liều; Vắc xin LMLM týp O: 719.800 liều; Vắc xin tụ huyết trùng trâu bò: 624.000 liều; Vắc xin dịch tả heo: 1.000.000 liều; Thuốc sát trùng Benkocid: 314.010 lít; Thuốc bảo vệ thực vật Bassa 50 EC: 52 tấn; Thuốc Aperlaur 100WP: 77,5 tấn; Thuốc Sutin 5EC: 19,5 tấn; Thuốc Hopsan 75 ND: 5 tấn.
Lượng vắc xin và hóa chất trên, đến nay đã được mua và đưa vào kho dự trữ, trừ 5 tấn Hopsan 75 ND chưa thực hiện.
- Theo Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 11/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ mua bổ sung vốn mua nhập bù hàng dự trữ quốc gia 41 tỷ đồng, bao gồm: Lượng hạt giống lúa, ngô, rau và Chlorin trên, đến nay đã thực hiện mua xong đưa vào kho dự trữ 1.800 tấn giống lúa; 200 tấn hạt giống ngô; 80 tấn hạt giống rau và 200 tấn hóa chất sát trùng Chlorine.
- Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung vốn mua hàng dự trữ quốc gia năm 2010 là 6,592 tỷ đồng.
Như vậy, đến nay đã thực hiện mua và đưa vào kho dự trữ quốc gia với tổng số vốn mua là 144.329.615.800 đồng trên kế hoạch dự toán vốn mua là 146.412.000.000 đồng, đạt 98,6%. Cụ thể như sau:
- Về vắc xin thuốc thú y với vốn mua đã thực hiện là 76.153.365.800 đồng, bao gồm: 1.719.800 liều vắc xin LMLM týp O; 1.106.000 liều vắc xin LMLM 3 týp; 624.000 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò; 1.000.000 liều vắc xin dịch tả heo; 374.010 lít sát trùng Benkocid và 300 tấn sát trùng Chlorine.
- Về hạt giống rau đã thực hiện 110 tấn với vốn mua là 7.525.000.000 đồng.
- Về hạt giống lúa, ngô đã thực hiện 2.800 tấn giống lúa và 200 tấn giống ngô với vốn mua là 44.667.000.000 đồng.
- Về thuốc bảo vệ thực vật đã thực hiện 52 tấn Bassa 50 EC; 77,5 tấn Ape rlau; 19,5 tấn Sutin với vốn mua 15.984.250.000 đồng.
Đến nay, chỉ còn lại 5 tấn Hopsan 75 ND, trị giá 2.082.384.200 đồng là chưa thực hiện được.
Như vậy năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị làm nhiệm vụ dự trữ quốc gia thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch nhà nước giao về số lượng (bao gồm cả hàng mua tăng kế hoạch và mua bổ sung). Đồng thời việc xuất hàng dự trữ quốc gia để phòng chống dịch bệnh và thiên tai đã đáp ứng kịp thời về thời gian và chất lượng.
Trong năm 2010 thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tục, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều Quyết định về xuất dự trữ quốc gia để hỗ trợ không thu tiền cho các địa phương. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xuất hàng dự trữ hỗ trợ khắc phục thiên tai và phòng chống dịch, đến thời điểm hiện nay 3 mặt hàng đã được xuất hết là hạt giống lúa,ngô, hạt giống rau.
Đánh giá chung về công tác dự trữ quốc gia của ngành nông nghiệp năm 2010 là:
- Triển khai tích cực kế hoạch mua tăng và mua bổ sung theo đúng quy định của nhà nước; Sử dụng có hiệu quả nguồn lực dự trữ quốc gia hỗ trợ nông dân khắc phục nhanh thiên tai bão lụt, ổn định sản xuất và đời sống; phòng chống kịp thời dịch bệnh, giảm thiệt hại cho nông dân.
- Chất lượng hàng dự trữ được đảm bảo, vận chuyển đến tận nơi, cải tiến đóng gói hàng hóa thuận lợi cho bà con tiếp nhận nhanh, xử lý kịp thời cho phòng chống dịch bệnh, gieo trồng kịp thời vụ.
- Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nghiêm túc Pháp lệnh dự trữ quốc gia và các quy định khác của Nhà nước về các mặt hàng dự trữ chuyên ngành, đảm bảo quản lý chặt chẽ, đủ số lượng, chủng loại, chất lượng chủ động cho phòng chống dịch bệnh và thiên tai.
- Công tác quản lý tài chính, vốn, thực hiện chế độ kế toán, thống kê và chế độ báo cáo về dự trữ theo đúng quy định hiện hành của nhà nước. Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã duy trì đều đặn việc thực hiện tổ chức quyết toán và kiểm tra thường xuyên hàng dự trữ quốc gia.
- Đã thực hiện xong việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật về bảo quản hạt giống lúa, ngô.
- Tuy nhiên, so với kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao mua bổ sung vẫn còn 1 mặt hàng không thực hiện đó là 5 tấn Hopsan 75 ND.
- Việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật về phí bảo quản đối với các mặt hàng nông nghiệp mới thực hiện được mặt hàng hạt giống lúa, ngô, nhiều mặt hàng chưa thực hiện được, nên thiếu cơ sở để lập kế hoạch dự toán hàng năm.
- Việc phối hợp giữa các Cục chuyên ngành và Vụ chức năng trong việc xuất dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch bệnh và thiên tai một vài trường hợp còn túng túng do điều hành của Bộ.
2. Một số vấn đề đang đặt ra:
- Việc triển khai mua các mặt hàng dự trữ quốc gia đến khi được cấp vốn, phí bảo quản, phí xuất, nhập hàng còn nhiều thủ tục hành chính, gây tốn phí về thời gian, cần có nghiên cứu để giảm bớt những giấy tờ không cần thiết.
- Các mặt hàng dự trữ quốc gia chuyên ngành nông nghiệp có tính đặc thù riêng: sản xuất, thu hoạch theo mùa vụ, đối tượng hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật có độc tố cao, thuốc thú y đòi hỏi công nghệ bảo quản rất khắt khe; thực hiện cơ chế đấu thầu (lựa chọn phương thức chỉ định thầu) đang đặt ra nhiều khó khăn đối với đơn vị được giao nhiệm vụ dự trữ cho Nhà nước.
- Các mặt hàng từ dự trữ quốc gia chuyên ngành nông nghiệp thông qua sản xuất theo mùa vụ, nhập khẩu từ nước ngoài, thực hiện cơ chế tài chính hiện nay (hàng nhập kho được kiểm tra chất lượng mới được ứng 70% vốn cấp), đơn vị dự trữ phải vay ngân hàng đầu tư sản xuất, nhập vắc xin, hóa chất sát trùng, thuốc bảo vệ thực vật nhập kho xong để được tạm ứng quá khó khăn, chi phí tăng lên do trả lãi vay ngân hàng, thiếu chủ động triển khai.
- Việc xuất hàng dự trữ, khi có dịch được công bố, thiên tai xảy ra, các địa phương gửi văn bản đề nghị lên Bộ tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ, theo quy định hiện hành, Văn phòng Chính phủ có văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành trước khi trình, mất quá nhiều thời gian nên chậm khắc phục thiên tai, nhiều khi dịch bệnh qua rồi mới được cấp thuốc phòng chống, nên giảm tác dụng của dự trữ quốc gia.
3. Kiến nghị
- Đề nghị sớm sửa đổi Nghị định số 196/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dự trữ quốc gia để giảm bớt các thủ tục cấp phát vốn phí hàng dự trữ.
- Giải quyết tạm ứng khoảng 70% vốn cấp để mua tăng dự trữ quốc gia ngay sau khi có kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đối với các mặt hàng giống cây trồng. Ứng 70% vốn khi mở L/C đối với các mặt hàng nhập khẩu như thuốc bảo vệ thực vật, vắc xin, hóa chất khử trùng. Khi thực hiện xong việc nhập kho, có chứng nhận về số lượng, chất lượng của cơ quan có thẩm quyền sẽ được cấp hết vốn còn lại. Đối với các mặt hàng mua bổ sung trong năm đề nghị cũng thực hiện theo cơ chế này.
- Để đảm bảo kịp thời phòng chống dịch bệnh và thiên tai, đối với các mặt hàng dự trữ quốc gia nông nghiệp, đề nghị Bộ Tài chính Báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét Ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau khi thống nhất với Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) quyết định xuất hỗ trợ cho các địa phương phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, khắc phục thiên tai, sớm ổn định sản xuất nông nghiệp.
4. Về vốn mua chuyển năm sau:
Thuốc bảo vệ thực vật:
- Còn 5 tấn Hopsan 75 ND, với vốn mua là 1.838.416.382 đồng chưa thực hiện, đề nghị chuyển sang năm 2011.
5. Đề xuất các đơn vị, cá nhân tiêu biểu
Đề nghị Bộ Tài chính xem xét tặng bằng khen của Bộ trưởng cho các tập thể và cá nhân đã đạt thành tích về công tác dự trữ quốc gia năm 2010 như sau:
- Tập thể cán bộ công nhân viên Công ty TNHH một thành viên Thuốc thú y Trung ương.
- Tập thể cán bộ CNVC Công ty Cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế.
- Cá nhân: Bùi Tất Tiếp Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đề nghị Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.