BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1247/BNN-KTHT | Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2017 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sau 5 năm thực hiện Chương trình đào tạo nghề, trong đó có đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên trong triển khai còn lúng túng, còn nhiều khó khăn và tồn tại, một trong những nguyên nhân là một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn. Để khắc phục tình trạng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/07/2015 sửa đổi một số điều của Quyết định số 1956/QĐ-TTg. Sau hơn một năm thực hiện đã đạt được kết quả tích cực. Song, do mới được triển khai, nhiều địa phương còn lúng túng trong xác định mục tiêu, đối tượng, cơ chế phối hợp.
Ngày 29 tháng 12 năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 5480/QĐ-BNN-KTHT phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch năm 2017. Để triển khai có hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung sau:
1. Trên cơ sở mục tiêu của các địa phương đề ra và kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các ngành, các cấp có liên quan tập trung tổ chức triển khai quyết liệt công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn để đạt mục tiêu của năm 2017 nhằm thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp và an sinh xã hội nông thôn.
2. Lựa chọn đúng đối tượng đào tạo theo quy định tại Quyết định số 971/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 5480/QĐ-BNN-KTHT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đào tạo nghề nông nghiệp phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất công nghệ cao và an sinh xã hội nông thôn ở địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng số lượng đào tạo nghề cho các nội dung phù hợp với các vùng, cụ thể như sau:
- Vùng miền núi phía Bắc: Đào tạo cho khoảng 50% số lao động nông thôn học các nghề nông nghiệp để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; 10% cho lao động tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; 40% đào tạo nông nghiệp để đảm bảo an sinh xã hội nông thôn ở địa phương.
- Khu vực Đồng bằng sông Hồng: đào tạo cho khoảng 60% số lao động nông thôn học các nghề nông nghiệp để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; 20% cho lao động tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; 20% đào tạo nông nghiệp để đảm bảo an sinh xã hội nông thôn ở địa phương.
- Khu vực duyên hải miền Trung và Tây nguyên: đào tạo cho khoảng 50% số lao động nông thôn học các nghề nông nghiệp để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; 20% cho lao động tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; 30% đào tạo nông nghiệp để đảm bảo an sinh xã hội nông thôn ở địa phương.
- Khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long: đào tạo cho khoảng 70% số lao động nông thôn học các nghề nông nghiệp để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; 20% cho lao động tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; 10% đào tạo nông nghiệp để đảm bảo an sinh xã hội nông thôn ở địa phương.
3. Đào tạo nghề nông nghiệp gắn với các mô hình sản xuất, chủ yếu là thực hành tại địa bàn sản xuất.
Các trường, cơ sở đào tạo nghề thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các mô hình điểm về đào tạo nghề phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Mỗi địa phương lựa chọn 10-15 mô hình điểm về đào tạo nghề nông nghiệp, để chỉ đạo, đánh giá rút kinh nghiệm, nhân rộng kết quả.
4. Tăng cường điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo về giáo viên, giáo trình, cơ sở vật chất của hệ thống các cơ sở đào tạo nghề. Yêu cầu hệ thống khuyến nông tích cực tham gia vào công tác đào tạo nghề nông nghiệp. Các Trung tâm Khuyến nông cấp tỉnh chưa được cấp phép đào tạo nghề theo đề án 1956 phải củng cố đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để có đủ điều kiện theo quy định tham gia vào đào tạo nghề nông nghiệp.
5. Về kinh phí công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn: Ủy ban nhân dân các địa phương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành có liên quan xây dựng trình phê duyệt kinh phí đào tạo nghề từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cùng với nguồn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác để đảm bảo đủ kinh phí đào tạo nghề đáp ứng được mục tiêu kế hoạch đề ra.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) là cơ quan quản lý nhà nước về công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.
6. Chỉ đạo việc phối hợp giữa các cơ quan truyền thông, ngành nông nghiệp và PTNT, ngành lao động, thương binh và xã hội, ngành công thương, các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức thực hiện chương trình, tuyên truyền, phổ biến chính sách và đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ở địa phương. Định kỳ 6 tháng, một năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xử lý kịp thời./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.