BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12070/TCHQ-GSQL | Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2015 |
Kính gửi: Công ty Luật TNHH Đông Ngàn.
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 105/2015/CV-GĐ ngày 07/12/2015 của Công ty Luật TNHH Đông Ngàn về tìm hiểu thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại ban hành kèm theo Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ ngày 15/6/2009. Về việc này, Tổng cục Hải quan có ý kiến trao đổi như sau:
1. Cơ sở pháp lý để thông quan hàng hóa nhập khẩu
Việc thông quan hàng hóa nhập khẩu phải căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật sau:
(i) Khoản 1 Điều 25 Luật Hải quan năm 2001 quy định: hàng hóa, phương tiện vận tải được thông quan sau khi đã làm xong thủ tục hải quan.
(ii) Điểm e khoản 1 Điều 12 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP quy định: hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện có thuế được thông quan sau khi người khai hải quan đã nộp thuế hoặc có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc được áp dụng thời gian nộp thuế quy định tại điểm c, d, đ khoản 1 Điều 15 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu,
(iii) Khoản 1 Điều 25 Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn: trường hợp hàng hóa được thông quan theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Hải quan, khoản 1 Điều 12 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP; công chức hải quan có thẩm quyền (do Tổng cục Hải quan qui định) quyết định thông quan sau khi hàng hóa đã được nộp thuế (đối với hàng hóa phải nộp thuế trước khi thông quan) và đã làm xong thủ tục hải quan.
2. Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại ban hành kèm theo Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ ngày 15/6/2009 (dưới đây gọi tắt là Quyết định 1171/QĐ-TCHQ) chỉ là văn bản nội bộ của ngành hải quan trong đó hướng dẫn cụ thể các bước tác nghiệp của công chức hải quan trong dây chuyền thủ tục để thông quan cho 01 lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu, Quyết định này không phải là văn bản quy phạm pháp luật.
Việc xác định điều kiện để thông quan cho hàng hóa nhập khẩu phải căn cứ vào các văn bản qui phạm pháp luật nêu tại điểm 1 trên là Luật Hải quan 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan năm 2005, Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ và Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 của Bộ Tài chính.
3. Xác định công chức có thẩm quyền quyết định thông quan trong quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại ban hành kèm theo Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ:
Theo hướng dẫn tại phần I Quy trình ban hành kèm theo Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ thì việc làm thủ tục hải quan đối với một lô hàng nhập khẩu gồm 04 Bước (trong đó "Bước 4: phúc tập hồ sơ" thực hiện trong nội bộ cơ quan hải quan và theo quy trình phúc tập hồ sơ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Tổng cục Hải quan ban hành).
Để một lô hàng được thông quan theo sơ đồ ban hành kèm theo Quyết định 1171/QĐ-TCHQ và theo quy định của pháp luật: Đối với trường hợp phải kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa thì thực hiện các Bước nghiệp vụ: Bước 1 - Bước 2 - Bước 3; đối với trường hợp chỉ kiểm tra hồ sơ và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa thì thực hiện các Bước nghiệp vụ: Bước 1 - Bước 3.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 25 Thông tư số 79/2009/TT-BTC và các văn bản quy phạm pháp luật nêu tại điểm 1 trên, theo hướng dẫn tại quy trình ban hành kèm theo Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ thì để thông quan cho lô hàng nhập khẩu bắt buộc phải hoàn thành các công việc nêu tại Bước 3 của Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ.
4. Lệnh hình thức, mức độ kiểm tra
Lệnh hình thức, mức độ kiểm tra là 01 chứng từ chỉ sử dụng trong nội bộ hải quan, không phải là chứng từ thuộc hồ sơ hải quan theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 79/2009/TT-BTC. Theo hướng dẫn tại điểm 7 Bước 1 Quyết định 1171/QĐ-TCHQ thì việc phê duyệt trên Lệnh hình thức, mức độ kiểm tra của lãnh đạo Chi cục để duyệt kết quả kiểm tra hồ sơ hoặc quyết định thay đổi hình thức mức độ kiểm tra thực tế hàng hóa nên chưa phải là căn cứ để quyết định cho thông quan hàng hóa nhập khẩu.
5. Trách nhiệm của người nộp thuế
- Căn cứ quy định tại Điều 42 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 về thời hạn nộp thuế thì: Việc xác định "Không được ân hạn thuế" nêu tại điểm 3.1 về xác định ân hạn thuế trên Lệnh hình thức, mức độ kiểm tra hải quan có nghĩa là người nộp thuế phải nộp thuế hoặc phải có bảo lãnh của ngân hàng trước khi nhận hàng.
- Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 7 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 thì người nộp thuế có nghĩa vụ:
“2. Khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế.
3. Nộp tiền thuế đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm."
- Theo quy định tại Điều 30 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 thì nguyên tắc khai thuế và tính thuế được qui định như sau:
“1. Người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế theo mẫu do Bộ Tài chính quy định và nộp đủ các loại chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế với cơ quan quản lý thuế.
2. Người nộp thuế tự tính số thuế phải nộp, trừ trường hợp việc tính thuế do cơ quan quản lý thuế thực hiện theo quy định của Chính phủ"
Tổng cục Hải quan xin trao đổi để Công ty Luật TNHH Đông Ngàn biết./
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.