BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11218/TC/TCT | Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2001 |
CÔNG VĂN
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 11218/TC/TCT NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2001 VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG BIỆN PHÁP QUẢN LÝ, SỬ DỤNG HOÁ ĐƠN
Kính gửi: Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thi hành Luật thuế Giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có nhiều biện pháp tăng cường quản lý, sử dụng hoá đơn, trong đó có việc khuyến khích các doanh nghiệp tự in hoá đơn để sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay tình hình sử dụng hoá đơn đã có những vi phạm nghiêm trọng thể hiện bằng các hành vi như sau:
+ Sử dụng hoá đơn in giả mẫu của Bộ Tài chính để kinh doanh trốn thuế hoặc dùng để thanh toán, quyết toán tài chính trong các cơ quan được thụ hưởng tiền từ NSNN.
+ In hoá đơn giả mẫu của Bộ Tài chính.
+ Lập hoá đơn ghi liên 2 cao hơn liên 1 để chiếm đoạt tiền thuế, thanh toán, quyết toán tài chính.
+ Bán hoá đơn khống.
+ Cạo sửa hoá đơn mua hàng ghi số tiền cao hơn số thực tế để khấu trừ, hoàn thuế, thanh toán, quyết toán tài chính.
(Gần đây có hiện tượng mua hàng hoá với giá trị thấp được người bán cấp hoá đơn (liên 2) sau đó tẩy xoá các nội dung đã lập, ghi lại giá trị, số thuế GTGT cao hơn để đưa vào khấu trừ thuế, hoàn thuế, thanh toán, quyết toán tài chính).
+ Lập hoá đơn khống (thực tế là không mua, bán hàng hoá) thông đồng với đơn vị xuất khẩu để kê khai hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu.
+ Khi bán hàng hoá, dịch vụ, việc lập, giao hoá đơn cho khách hàng của các cơ sở vẫn còn tuỳ tiện: không giao hoặc giao hoá đơn thì đòi nâng giá hàng hoặc giao hoá đơn không hợp pháp để kinh doanh trốn thuế. Đối với khách hàng khi mua hàng tiêu dùng cho Nhà nước, cá nhân không quan tâm đến việc đòi hoá đơn hợp pháp. Nếu mua hàng cho cơ quan, nhiều trường hợp đã chủ động yêu cầu người bán hàng lập hoá đơn với số tiền cao hơn thực tế thanh toán hoặc tự lập hoá đơn thanh toán tiền mua hàng cao hơn để lấy tiền, tham ô công quỹ của Nhà nước.
+ Lợi dụng Nhà nước tạo thuận lợi trong việc cấp phép kinh doanh đã xuất hiện một số doanh nghiệp sau khi được cấp giấy phép thành lập, đã đăng ký thuế mã số thuế và mua hoá đơn tại cơ quan thuế để sử dụng nhưng mang hoá đơn đi bán.
+ Mua hoá đơn bán hàng dùng để kê khai khấu trừ khống tỷ lệ % thuế GTGT đầu vào.
Từ tình hình thực tế nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan Thuế, cơ quan Tài chính các cấp:
1. Quán triệt Chỉ thị số 15/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/6/2001 về việc tăng cường quản lý thu và chống thất thu ngân sách Nhà nước năm 2001; Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tài chính số: 3824/199/CT/BTC ngày 05/8/1999 về việc thực hiện phòng chống hoá đơn giả trong mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thu tiền và thanh quyết toán tài chính; tăng cường kiểm tra, thanh tra có trọng điểm; thực hiện đối chiếu hoá đơn đầu vào, đầu ra, hoá đơn mua hàng của các doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang trong thanh toán, quyết toán tài chính; phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng sử dụng hoá đơn giả, hoá đơn không hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế, hoàn thuế, thanh toán, quyết toán tài chính; những hành vi lợi dụng, vi phạm phải được thông báo công khai để giáo dục, ngăn chặn. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng hoá đơn thì xử lý như sau:
1.1. Chuyển sang cơ quan bảo vệ pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi in hoá đơn giả.
1.2. Áp dụng các hình thức và mức phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật về hoá đơn theo quy định tại Thông tư số 30/2001/TT-BTC ngày 16/5/2001 của Bộ Tài chính:
- Xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định tại tiết b, điểm 2.1, mục II Thông tư số: 30/2001/TT-BTC ngày 16/5/2001 của Bộ Tài chính - hướng dẫn thực hiện Nghị định số: 22/CP ngày 17/4/1996 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế đối với các trường hợp sử dụng hoá đơn giả, lập hoá đơn liên 2 cao hơn liên 1, bán hoá đơn khống.
- Xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định tại tiết c, điểm 2.2, mục II Thông tư số: 30/2001/TT-BTC ngày 16/5/2001của Bộ Tài chính đối với các trường hợp cạo sửa hoá đơn mua hàng ghi số tiền cao hơn số thực tế, mua hoá đơn hàng hoá với giá trị thấp sau đó dùng hoá chất tẩy xoá các nội dung đã lập, ghi lại giá trị, số thuế GTGT cao hơn, lập hoá đơn khống.
Hoá đơn giả, hoá đơn liên 2 cao hơn liên 1, hoá đơn khống, hoá đơn bị cạo sửa, tẩy xoá không được dùng để khấu trừ thuế GTGT và xác định chi phí hợp lý khi tính thuế. Đối với số tiền thuế đã được hoàn do sử dụng hoá đơn giả, hoá đơn vi phạm đã bị xử phạt nêu trên phải thu hồi cho ngân sách Nhà nước.
1.3. Các hành vi vi phạm đã được xử lý, nếu người bán hàng lợi dụng trốn thuế từ 50 triệu đồng trở lên hoặc số thuế trốn dưới 50 triệu đồng nhưng người bán hàng đã bị xử lý hành vi trốn thuế mà còn vi phạm thì: không xử lý hành chính về hành vi trốn thuế mà phải chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân để đề nghị khởi tố vụ án hình sự theo Điều 161 của Bộ luật hình sự.
2. Khuyến khích tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tự in hoá đơn theo mẫu và quy định đăng ký sử dụng theo Chế độ quản lý, sử dụng hoá đơn bán hàng ban hành kèm theo Quyết định số: 885/1998/QĐ-BTC , ngày 16/7/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Trường hợp không tự in hoá đơn thì sử dụng hoá đơn do Bộ Tài chính phát hành, nhưng bắt buộc tổ chức, cá nhân phải ghi đầy đủ: tên, địa chỉ, mã số thuế trên liên 2 (liên giao khách hàng) của từng số hoá đơn, trước khi mang ra khỏi cơ quan thuế. Người mua hàng có trách nhiệm đối chiếu tên, mã số thuế khi nhận hoá đơn mua hàng để bảo hành hàng hoá; kê khai thuế; khấu trừ thuế, xác định chi phí hợp lý khi tính thuế theo quy định.
3. Các tổ chức, cá nhân được sử dụng hoá đơn nếu sau thời hạn nộp tờ khai thuế theo quy định mà không nộp thì cơ quan thuế tiến hành kiểm tra tình hình quản lý và sử dụng hoá đơn. Nếu vi phạm thì phải xử lý vi phạm theo chế độ quản lý, sử dụng hoá đơn ban hành kèm theo Quyết định số: 885/1998/QĐ/BTC ngày 16/7/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
4. Cục Thuế các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát lại doanh nghiệp thành lập nhưng không kinh doanh, sử dụng hoá đơn nhưng không kê khai nộp thuế để xử lý; thông báo công khai kịp thời cho cơ quan chức năng, phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan cấp giấy phép kinh doanh để ngăn chặn việc lợi dụng gây thiệt hại cho NSNN.
5. Định kỳ 10 ngày đầu tháng sau, cơ quan Tài chính, cơ quan Thuế các cấp thực hiện báo cáo UBND cùng cấp các hành vi vi phạm và xử lý về sử dụng hoá đơn không hợp pháp trong thanh toán, quyết toán tài chính, kê khai thuế của tháng trước, để UBND theo dõi và chỉ đạo ngăn chặn kịp thời ở địa phương.
| Vũ Văn Ninh (Đã ký)
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.