BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1114/TCT-CS | Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 2011 |
Kính gửi: | Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản |
Tổng cục Thuế nhận được kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (Hiệp hội) về nội dung vận hành hóa đơn thuế GTGT một cách công bằng.
Ngày 20/9/2010, Bộ Tài chính đã có công văn số 12503/BTC-CST trả lời các kiến nghị của Hiệp hội.
Ngày 28/9/2010, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 153/2010/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính Phủ về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Thông tư số 153/2010/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011.
Tiếp theo công văn số 12503/BTC-CST, sau khi báo cáo và xin ý kiến Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trả lời kiến nghị của Hiệp hội cụ thể hơn theo các quy định mới như sau:
1. Về đơn giản hóa hóa đơn:
Điểm 1 Điều 4 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có quy định về các nội dung bắt buộc trên hóa đơn đã lập. Đối với các thông tin về người mua bắt buộc phải có trên hóa đơn đã lập theo quy định bao gồm: tên, mã số thuế (nếu có), địa chỉ và chữ ký của người mua.
Tiêu thức tên, địa chỉ, mã số thuế và chữ ký của người mua là cơ sở mang tính xác thực để người mua khấu trừ thuế, tính vào chi phí.
Tuy nhiên, đối với một số trường hợp đặc thù, để tạo điều kiện cho người nộp thuế trong việc sử dụng hóa đơn, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn tại Điểm 3 Điều 4 Thông tư số 153/2010/TT-BTC như sau:
- Đối với hóa đơn điện; hóa đơn nước; hóa đơn dịch vụ viễn thông; hóa đơn dịch vụ ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện tự in theo quy định thì trên hóa đơn đã lập không nhất thiết phải có chữ ký người mua, dấu của người bán.
- Đối với hóa đơn tự in của tổ chức kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại được thành lập theo quy định của pháp luật không nhất thiết phải có tên, địa chỉ, mã số thuế, chữ ký của người mua, dấu của người bán.
- Đối với tem, vé: Trên tem, vé có mệnh giá in sẵn không nhất thiết phải có chữ ký người bán, dấu của người bán; tên, địa chỉ, mã số thuế, chữ ký người mua.
Tuy nhiên, trong trường hợp đặc thù 2 và 3 nêu trên, nếu người mua là đơn vị kế toán yêu cầu thì người bán vẫn phải lập hóa đơn có đầy đủ các nội dung hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 153/2010/TT-BTC nêu trên.
Điểm 2(đ) Điều 3 Thông tư số 153/2010/TT-BTC nêu trên quy định về loại và hình thức hóa đơn, theo đó phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế; chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng…, hình thức và nội dung được lập theo thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật có liên quan.
2. Về phát hành hóa đơn:
Căn cứ Tiết b Điểm 1 Điều 14 Thông tư số 153/2010/TT-BTC nêu trên thì người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ. Hộ, cá nhân kinh doanh là đối tượng sử dụng hóa đơn (hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng) khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Đối với hộ, cá nhân không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì phải đề nghị cơ quan thuế cấp hóa đơn lẻ để giao cho người mua nếu người mua có yêu cầu.
Ngoài ra có một số trường hợp không nhất thiết phải sử dụng hóa đơn:
- Trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ nhỏ lẻ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì người bán không bắt buộc phải lập hóa đơn theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 153/2010/TT-BTC.
- Trường hợp người mua hàng hóa là nông sản, lâm sản, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra; mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra; mua đất, đá, cát, sỏi của người dân tự khai thác trực tiếp bán ra; mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt; mua đồ dùng, tài sản của hộ gia đình, cá nhân đã qua sử dụng trực tiếp bán ra và một số dịch vụ mua của cá nhân không kinh doanh (các sản phẩm là đối tượng không chịu thuế GTGT), do người bán là hộ, cá nhân không kinh doanh không sử dụng hóa đơn nên người mua được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào. Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào này được người bán kê khai để làm căn cứ xác định chi phí được trừ đi khi tính thu nhập chịu thuế TNDN của tổ chức cá nhân kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ (quy định tại Điểm 2.4 Mục IV Phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính về thuế TNDN và tại Điều 2 Thông tư số 18/2011/TT-BTC ngày 10/02/2011 của Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính về thuế TNDN).
3. Về hóa đơn có chiết khấu thương mại:
Căn cứ điểm 2.5 mục IV phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC thì hàng hóa, dịch vụ có giảm giá thì trên hóa đơn ghi giá bán đã giảm, thuế GTGT, tổng giá thanh toán đã có thuế GTGT. Nếu việc giảm giá áp dụng căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ thực tế mua đạt mức nhất định thì số tiền giảm giá của hàng hóa đã bán được điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp theo. Vì vậy, khi xuất hóa đơn có chiết khấu, giảm giá thì phần chiết khấu, giảm giá đã giảm trừ khỏi giá tính thuế GTGT đầu ra, đồng thời doanh nghiệp mua hàng không thể khấu trừ thuế GTGT không phát sinh của khoản chiết khấu đó.
Tổng cục Thuế thông báo để Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản biết./.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.