BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10800/BTC-TCDN | Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2012 |
Kính gửi: | - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; |
Thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011- 2015”, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước triển khai thực hiện một số công việc sau:
1. Xây dựng Đề án tái cơ cấu từng Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước:
a) Hội đồng thành viên các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khẩn trương xây dựng Đề án tái cơ cấu gửi lấy ý kiến tham gia của các Bộ (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và ý kiến thẩm định của Bộ quản lý ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý III năm 2012.
b) Hội đồng thành viên các Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quang ngang Bộ (sau đây gọi tắt là Bộ, ngành), Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là UBND cấp tỉnh) quyết định thành lập khẩn trương xây dựng Đề án tái cơ cấu báo cáo Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh xem xét, gửi lấy ý kiến tham gia của các Bộ (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) trước khi trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quang ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt trong Quý III năm 2012.
c) Nội dung Đề án tái cơ cấu của từng Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước xây dựng đảm bảo đầy đủ các nội dung quy định tại điểm 3 Mục III Điều 1 Quyết định số 929/QĐ-TTgngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó lưu ý thể hiện rõ các nội dung như:
- Xác định rõ số lượng, danh sách cụ thể các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100%, nắm giữ trên 75%, nắm giữ từ 65% đến 75%, nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và các doanh nghiệp khác. Giải pháp cụ thể để hoàn thành cổ phần hóa, sắp xếp các doanh nghiệp thành viên theo phương án tổng thể giai đoạn 2011 - 2015 đã được phê duyệt; trong quá trình thực hiện, căn cứ tình hình thực tế, rà soát để đẩy mạnh cổ phần hóa.
- Xác định rõ nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính; xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020 phù hợp chiến lược phát triển ngành, nhu cầu của thị trường, khả năng về vốn và năng lực trình độ quản lý; xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh, triển khai tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên để thực hiện chuyên môn hóa, phân công, hợp tác, không dàn trải, phân tán nguồn lực, tránh cạnh tranh nội bộ theo hướng sáp nhập, hợp nhất các doanh nghiệp thành viên kinh doanh cùng ngành nghề.
- Xây dựng phương án tài chính để triển khai thực hiện nhiệm vụ chính được giao và xử lý các tồn tại về tài chính trong quá trình tái cơ cấu. Trong phương án tài chính cần xác định rõ cơ cấu lại vốn, tài sản theo hướng: đánh giá thực trạng; xác định nhu cầu vốn đầu tư, vốn điều lệ, nguồn bổ sung vốn; rà soát và có giải pháp xử lý triệt để các khoản nợ tồn đọng không có khả năng thu hồi, tính toán đề xuất phương án xử lý nợ không có khả năng thu hồi và nguồn bù đắp; tính toán xác định chi phí xử lý lao động dôi dư theo chế độ; xây dựng phương án cơ cấu lại tài sản bằng cách chuyển nhượng, sáp nhập các dự án, các khoản đầu tư không hiệu quả hoặc chưa cấp thiết để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính.
- Xây dựng phương án thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2015 theo đúng nội dung Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 09/7/2012 của Chính phủ, cụ thể:
+ Việc thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được xác định là nội dung quan trọng của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Từ nay đến năm 2015, các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của nhà nước.
+ Các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước xây dựng Đề án tái cơ cấu, trong đó có đề án thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính (bao gồm cả các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện. Đối với lĩnh vực đầu tư có khả năng mất vốn thì khẩn trương lập phương án thoái vốn phù hợp để trình cấp có thẩm quyền xem xét từng trường hợp cụ thể. Đối với các lĩnh vực đầu tư có hiệu quả hoặc gặp khó khăn tạm thời thì xem xét, tạo điều kiện để phát triển và tính toán thời điểm thoái vốn sao cho có hiệu quả nhất, theo đúng quy định của pháp luật.
+ Các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh xem xét phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thoái vốn của các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính. Việc thoái vốn cần có phương án, lộ trình cụ thể, gắn với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp đối với từng Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro, như: bất động sản, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm.
+ Bán phần vốn của công ty mẹ - tập đoàn/tổng công ty nhà nước cho tổ chức, cá nhân ngoài Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, không bán hoặc chuyển giao lại cho các đơn vị thành viên trong nội bộ.
+ Đề xuất lộ trình, phương thức và hình thức chuyển vốn về những Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính phù hợp với quy định của pháp luật.
+ Đề xuất lộ trình, phương thức chuyển nhượng doanh nghiệp hoặc chuyển giao nguyên trạng toàn bộ doanh nghiệp do tập đoàn, tổng công ty giữ 100% vốn sang tập đoàn, tổng công ty có ngành nghề kinh doanh cùng với ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp chuyển giao.
d) Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Đề án tái cơ cấu do Hội đồng thành viên các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trình, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham mưu khẩn trương có ý kiến tham gia hoặc thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc quyết định phê duyệt theo nhiệm vụ phân công tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Tổ chức triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu từng Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt:
- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát và báo cáo kịp thời về Bộ Tài chính tình hình thực hiện Đề án đã được phê duyệt.
- Hội đồng thành viên các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước tổ chức triển khai và báo cáo kịp thời về Bộ Tài chính tình hình thực hiện Đề án đã được phê duyệt.
3. Tổ chức báo cáo:
a) Định kỳ hàng Quý, trước ngày 15 của tháng kết thúc Quý, Hội đồng thành viên Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ quản lý ngành hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tình hình triển khai xây dựng đề án và kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu (trong đó nêu rõ tình hình xây dựng, triển khai Đề án; các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị trong quá trình triển khai).
b) Căn cứ báo cáo của Hội đồng thành viên Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và tình hình tổ chức chỉ đạo triển khai Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ (qua Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp) tình hình triển khai Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 và tình hình triển khai việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu của từng Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Thời hạn báo cáo trước ngày 25 của tháng kết thúc Quý.
c) Căn cứ các báo cáo của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, hàng quý, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 và tình hình triển khai việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
d) Quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh những vướng mắc hoặc theo yêu cầu báo cáo đột xuất của Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có trách nhiệm báo cáo kịp thời với Bộ Tài chính để xem xét xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
đ) Trường hợp không báo cáo đầy đủ, kịp thời theo quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty, Tổng giám đốc Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con được xác định là chưa hoàn thành nhiệm vụ và bị xử lý trách nhiệm theo quy định tại quy chế giám sát và phân loại doanh nghiệp của Chính phủ.
Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức chỉ đạo triển khai và báo cáo theo quy định tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.