BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1061/BGDĐT-GDTrH | Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2020 |
Kính gửi: | - Các sở Giáo dục và Đào tạo; |
Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, trong thời gian học sinh cơ sở giáo dục phổ thông, học viên cơ sở giáo dục thường xuyên (sau đây gọi chung là học sinh) phải nghỉ học ở trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục – Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu (sau đây gọi chung là Sở Giáo dục và Đào tạo) tăng cường các hình thức dạy học qua Internet, trên truyền hình để tổ chức cho học sinh học tập, hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông năm học 2019-2020. Để việc dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập qua Internet, trên truyền hình bảo đảm chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện như sau:
I. Mục đích
1. Giúp học sinh được học theo chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian nghỉ học ở trường để phòng, chống Covid-19.
2. Phát triển năng lực tự học của học sinh và nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình của giáo viên.
3. Tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình trong việc tổ chức và hỗ trợ học sinh trong học tập.
4. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học theo hướng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
II. Dạy học qua Internet
1. Các hình thức dạy học qua Internet
Dạy học qua Internet là các hình thức dạy học trong đó giáo viên sử dụng các ứng dụng hoặc dịch vụ của Internet để tổ chức hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, bao gồm: Dạy học thông qua hệ thống quản lý học tập (LMS – Learning Management System); Dạy học thông qua hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS - Learning Content Management System); Dạy học thông qua các hệ thống dạy học trực tuyến.
a) Hệ thống quản lý học tập
Hệ thống quản lý học tập là hệ thống phần mềm và mạng máy tính cho phép tổ chức, quản lý và triển khai các hoạt động dạy học qua Internet từ lúc nhập học đến khi học sinh hoàn thành khóa học; giúp cơ sở giáo dục theo dõi và quản lý quá trình học tập của học sinh; giúp giáo viên giao tiếp với học sinh trong việc hướng dẫn học, giao bài tập, trợ giúp, giải đáp; giúp học sinh có thể theo dõi được tiến trình học tập, tham gia các nội dung học qua mạng, kết nối với giáo viên và các học sinh khác để trao đổi bài.
b) Hệ thống quản lý nội dung học tập
Hệ thống quản lý nội dung học tập là hệ thống phần mềm và mạng máy tính quản lý kho nội dung học tập qua Internet, cho phép tổ chức lưu trữ và chuyển tải các nội dung học tập tới học sinh. Hệ thống quản lý nội dung học tập có sự phối hợp chặt chẽ với hệ thống quản lý học tập (để truyền tải nội dung học tập tới học sinh) và phần mềm công cụ soạn bài giảng (để tạo ra các nội dung học tập).
c) Hệ thống dạy học trực truyến
Hệ thống dạy học trực truyến là phần mềm ứng dụng cho phép tổ chức và quản lý lớp học qua Internet; cho phép giáo viên và học sinh có thể giao tiếp, tương tác trực tiếp được với nhau để tổ chức hoạt động dạy học.
2. Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật
a) Hệ thống quản lý học tập
Hệ thống phần mềm và hạ tầng kết nối Internet của hệ thống quản lý học tập phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Cho phép cơ sở giáo dục tổ chức, quản lý và triển khai các hoạt động dạy học qua Internet; theo dõi và quản lý quá trình học tập của học sinh; tổ chức các bài kiểm tra trực tuyến để quản lý tiến trình và kết quả học tập của học sinh; duyệt các bài giảng và theo dõi được các hoạt động của giáo viên trên môi trường mạng;
- Cho phép giáo viên khởi tạo kho học liệu, theo dõi, kiểm tra đánh giá học sinh, quản lý hoạt động dạy và học trực tuyến; học sinh hoàn thành các nhiệm vụ học tập, biết được tiến trình, kết quả học tập của bản thân; học sinh, giáo viên và gia đình học sinh có thể tương tác được với nhau.
b) Hệ thống quản lý nội dung học tập
Hệ thống phần mềm và hạ tầng kết nối Internet của hệ thống quản lý nội dung học tập phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Cho phép tổ chức lưu trữ và chuyển tải nội dung học tập tới học sinh qua Internet;
- Tích hợp công cụ biên soạn bài giảng dành cho giáo viên;
- Cho phép cơ sở giáo dục có thể tích hợp hệ thống quản lý nội dung dạy học với hệ thống quản lý học tập.
c) Hệ thống dạy học trực tuyến
Hệ thống phần mềm và hạ tầng kết nối Internet của hệ thống dạy học trực tuyến phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Cho phép tổ chức, quản lý lớp học qua Internet giúp giáo viên, học sinh có thể tương tác trực tiếp được với nhau;
- Bảo đảm cung cấp học liệu cho học sinh; tổ chức và quản lý quá trình học tập của học sinh, sự tương tác giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với giáo viên trong quá trình dạy học;
- Tùy vào điều kiện thực tiễn, cơ sở giáo dục có thể tích hợp hệ thống dạy học trực tuyến với hệ thống quản lý học tập.
3. Yêu cầu về bài học và học liệu
a) Được xây dựng theo chương trình giáo dục phổ thông theo các quy định, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bao gồm sách giáo khoa, bài giảng, tài liệu, học liệu, câu hỏi, bài tập để tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.
b) Bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với đối tượng học sinh theo từng cấp học.
c) Được tổ chuyên môn, cơ sở giáo dục phổ thông góp ý trước khi đưa vào sử dụng.
4. Tổ chức hoạt động dạy học
a) Đối với cơ sở giáo dục
- Xây dựng kế hoạch dạy học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và các quy định, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng các bài học, học liệu để tổ chức dạy học qua Internet theo kế hoạch của nhà trường; góp ý nội dung bài học và học liệu được tổ chức dạy học qua Internet.
- Bảo đảm yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật để tổ chức và quản lý hoạt động dạy học qua Internet của giáo viên và học sinh của nhà trường.
- Phối hợp với gia đình trong việc tổ chức dạy học qua Internet.
b) Đối với giáo viên và cán bộ hỗ trợ kỹ thuật
- Giáo viên có kĩ năng xây dựng và lựa chọn học liệu; biết cách sử dụng công cụ hoặc dịch vụ công nghệ thông tin để tổ chức dạy học qua Internet; tổ chức các hoạt động học cho học sinh bao gồm: thực hiện nhiệm vụ học tập, trao đổi, thảo luận giữa học sinh với nhau và giữa học sinh với giáo viên; kiểm tra, đánh giá mức độ nắm vững kiến thức đã học qua Internet khi học sinh đi học trở lại; tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài học tiếp theo trong chương trình.
- Cán bộ kỹ thuật có kĩ năng về quản trị kỹ thuật hệ thống công nghệ thông tin để hỗ trợ giáo viên tổ chức dạy học; sử dụng các công cụ công nghệ thông tin để hỗ trợ cả giáo viên và học sinh khi cần thiết.
c) Đối với học sinh
- Được hướng dẫn về kỹ năng sử dụng ứng dụng hoặc dịch vụ công nghệ thông tin trên Internet học tập trước khi tham gia bài học.
- Thực hiện đầy đủ các hoạt động học tập theo yêu cầu của giáo viên; hoàn thành và nộp sản phẩm học tập để được kiểm tra, đánh giá.
d) Đối với gia đình học sinh
- Có trách nhiệm giám sát, hỗ trợ quá trình học tập qua Inter net của học sinh.
- Phối hợp, hướng dẫn học sinh hoàn thành nhiệm vụ và nộp sản phẩm học tập cho giáo viên để kiểm tra, đánh giá.
III. Dạy học trên truyền hình
Dạy học trên truyền hình là hình thức giáo viên tổ chức và hướng dẫn học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo các bài giảng được phát trên truyền hình.
1. Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật
Thiết bị, hạ tầng kết nối truyền hình phải đáp ứng các yêu cầu thu sóng truyền hình tương thích với hệ thống truyền hình quốc gia.
2. Yêu cầu về bài học và học liệu
a) Bài học trên truyền hình do giáo viên có kinh nghiệm dạy học, ghi hình để tổ chức dạy học trên truyền hình theo chương trình giáo dục phổ thông và các quy định, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
b) Học liệu được sử dụng trong dạy học bao gồm sách giáo khoa, tài liệu, học liệu, câu hỏi, bài tập để tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo các bài học trên truyền hình, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với đối tượng học sinh theo từng cấp học.
c) Được tổ chuyên môn, cơ sở giáo dục phổ thông góp ý trước khi đưa vào sử dụng.
3. Tổ chức hoạt động dạy học
a) Đối với cơ sở giáo dục
- Xây dựng kế hoạch dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông và các quy định, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể của từng lớp học, môn học, theo lịch phát sóng các bài học; phân công, giao nhiệm vụ cho giáo viên phụ trách môn học theo lớp học xây dựng kế hoạch bài học để tổ chức, hướng dẫn học sinh học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo các bài học được phát trên truyền hình.
- Thông báo thời khoá biểu theo lịch phát sóng các bài học cho giáo viên, học sinh, gia đình học sinh để phối hợp tổ chức cho học sinh học các bài học trên truyền hình.
- Quản lý, giám sát, đánh giá, công nhận kết quả học tập của học sinh trong việc tổ chức dạy học trên truyền hình.
b) Đối với giáo viên
- Xây dựng kế hoạch, tổ chức, hướng dẫn học sinh học các bài được phát trên truyền hình, bao gồm tài liệu hướng dẫn, câu hỏi bài tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo nội dung bài học trên truyền hình.
- Gửi tài liệu hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh theo các bài học trước khi bài học được phát trên truyền hình; liên hệ với gia đình để phối hợp tổ chức, hướng dẫn, giám sát học sinh học tập trên truyền hình.
- Tiếp nhận báo cáo kết quả học tập trên truyền hình; nhận xét, đánh giá kết quả học tập thông qua báo cáo kết quả học tập của học sinh.
- Kiểm tra, đánh giá mức độ nắm vững kiến thức đã học trên truyền hình khi học sinh đi học trở lại; tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài học tiếp theo trong chương trình giáo dục.
c) Đối với học sinh
- Được hướng dẫn đầy đủ về nhiệm vụ học tập trước khi học các bài học được phát trên truyền hình.
- Thực hiện đầy đủ nhiệm vụ học tập trước, trong và sau khi học các bài học trên truyền hình; nộp báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập theo bài học trên truyền hình cho giáo viên để được nhận xét, đánh giá.
d) Đối với cha mẹ học sinh
- Phối hợp với giáo viên để hỗ trợ học sinh tiếp nhận nhiệm vụ học tập, tài liệu hướng dẫn học theo bài học trên truyền hình; giám sát, hỗ trợ học sinh thực hiện các bài học trên truyền hình.
- Hỗ trợ học sinh hoàn thành các nhiệm vụ học tập được giao và gửi báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập theo bài học trên truyền hình cho giáo viên để được nhận xét, đánh giá.
IV. Đánh giá kết quả học tập
1. Kiểm tra thường xuyên
a) Trong quá trình tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình, giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua các bài kiểm tra trên hệ thống dạy học qua Internet; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh đối với dạy học trên truyền hình bằng các hình thức phù hợp.
b) Kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua Internet, trên truyền hình được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
c) Cơ sở giáo dục phổ thông quản lý, theo dõi, giám sát việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh qua Internet, trên truyền hình bảo đảm công bằng, khách quan, trung thực.
2. Kiểm tra định kỳ và kiểm tra học kỳ
a) Khi học sinh đi học trở lại, cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho học sinh ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức đã học qua Internet, trên truyền hình; thực hiện việc kiểm tra định kỳ và kiểm tra học kỳ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
b) Đối sánh kết quả kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ và kiểm tra thường xuyên để có giải pháp phù hợp giúp học sinh củng cố, bổ sung kiến thức.
V. Tổ chức thực hiện
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) ban hành kế hoạch tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình và bố trí nguồn lực, chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh - truyền hình tại địa phương và các cơ quan có liên quan phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình cho các cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương.
b) Lựa chọn giáo viên thực hiện các bài giảng trên truyền hình; phối hợp với Đài phát thanh - truyền hình tại địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức ghi hình bài giảng để dạy học trên truyền hình.
c) Chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình; kiểm tra, giám sát việc tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trong quá trình dạy học qua Internet, trên truyền hình của các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc phạm vi quản lý.
2. Phòng Giáo dục và Đào tạo
a) Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình và bố trí nguồn lực để tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình cho các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc phạm vi quản lý.
b) Chỉ đạo các trường tiểu học, trung học cơ sở tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình; kiểm tra, giám sát việc tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh qua Internet, trên truyền hình của các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc phạm vi quản lý.
3. Cơ sở giáo dục phổ thông
a) Xây dựng kế hoạch dạy học qua Internet, trên truyền hình; công bố công khai kế hoạch dạy học và các điều kiện đảm bảo chất lượng tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình.
b) Tổ chức bồi dưỡng về phương pháp và kỹ năng cần thiết cho giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh về dạy học qua Internet, trên truyền hình.
c) Tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập qua Internet, trên truyền hình bảo đảm chất lượng, công bằng, khách quan, trung thực.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc triển khai các nội dung trên. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học, Cục Công nghệ thông tin) để được hướng dẫn giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.