TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 105/TCHQ-GSQL | Hà Nội, ngày 08 tháng 1 năm 2003 |
CÔNG VĂN
CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN - BỘ TÀI CHÍNH SỐ 105/TCHQ-GSQL NGÀY 08 THÁNG 01 NĂM 2003 VỀ VIỆC MỘT SỐ BIỆN PHÁP THỰC HIỆN LUẬT HẢI QUAN
Để thực hiện Luật Hải quan có hiệu quả, vừa tăng cường công tác quản lý Nhà nước về Hải quan, vừa tạo được thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan hướng dẫn một số điểm về nghiệp vụ hải quan dưới đây để các đơn vị hải quan thống nhất thực hiện:
1. Ứng dụng tin học vào khâu đăng ký hồ sơ hải quan:
- Tổng cục Hải quan giao Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chủ động triển khai mạnh mẽ chương trình đăng ký tờ khai hải quan qua mạng bằng cả ba hình thức hoặc một trong ba hình thức sau:
a. Nối mạng trực tiếp từ địa điểm làm thủ tục hải quan của Hải quan với doanh nghiệp;
b. Mở phòng khai hải quan ngay tại địa điểm làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu và ngoài cửa khẩu;
c. Doanh nghiệp khai hải quan trước vào đĩa vi tính theo các mẫu của Tổng cục Hải quan quy định và chuyển cho cơ quan Hải quan để copy vào máy vi tính của cơ quan Hải quan khi đăng ký tờ khai.
- Để thực hiện chủ trương này, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phải tăng cường tuyên truyền, khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng khai hải quan qua mạng, sử dụng rộng rãi hệ thống dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan.
2. Công tác tự đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến về kinh nghiệm, nghiệp vụ:
Một mặt, các đơn vị phải cử cán bộ tham dự đầy đủ các lớp học nghiệp vụ, các lớp tập huấn chuyên đề do Tổng cục Hải quan tổ chức, mặt khác, Cục hải quan các tỉnh, thành phố phải trực tiếp tổ chức tự đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ hải quan cho cán bộ trực tiếp thừa hành nhiệm vụ trong đơn vị mình. Trước mắt, tập trung bồi dưỡng đội ngũ công chức hải quan làm nhiệm vụ kiểm tra thực tế hàng hoá. Cụ thể:
a. Ở cấp Chi cục Hải quan cửa khẩu:
- Khi xuất hiện mặt hàng mới thì Lãnh đạo Chi cục phải tập trung các cán bộ giỏi để xác định chính xác mã số, thành phần cấu tạo... mặt hàng đó, làm hồ sơ mặt hàng, chụp ảnh, lưu mẫu. Ví dụ: Cân thử một loại vải nào đó xem 01 kg tương đương mấy mét; phân tích các số khung của ô tô, xe máy để xác định năm sản xuất, chủng loại xe, phân khối của xe; Căn cứ vào các thông tin có được về mặt hàng và thực tế kiểm tra mặt hàng đó để xác định xuất xứ của hàng hoá... Sau đó, tổ chức phổ biến cho tất cả cán bộ nghiệp vụ của Chi cục kinh nghiệm đó. Lần sau, nếu cán bộ công chức hải quan làm nhiệm vụ tại các khâu nghiệp vụ trong dây chuyền thủ tục hải quan như đăng ký tờ khai, kiểm tra thực tế hàng hoá, kiểm tra tính thuế thấy khai báo của chủ hàng không phù hợp với kết quả đã được xác định tại các mẫu đó thì phải đặt ngay nghi vấn và đề nghị Lãnh đạo Chi cục có quyết định hình thức, mức độ kiểm tra chặt chẽ hơn; kiểm hoá viên thấy trường hợp đó thì phải có biện pháp, cách thức kiểm tra phù hợp, đủ để xác định được chính xác lô hàng.
- Các mặt hàng phải giám định và kết quả giám định đã được Hải quan chấp nhận ở một Chi cục Hải quan thì phải được cập nhật và phổ biến ngay cho kiểm hoá viên ở các Chi cục khác trong toàn Cục;
- Báo cáo tất cả các trường hơp trên cho Lãnh đạo Cục để biên soạn thành một cuốn tài liệu chung cho cả Cục.
b. Ở cấp Cục Hải quan tỉnh, thành phố:
- Tập hợp các kinh nghiệm của các Chi cục để tổ chức phổ biến tập huấn trong toàn Cục;
- Báo cáo về Tổng cục Hải quan (Vụ Giám sát quản lý về hải quan) để phổ biến trong toàn ngành.
3. Công tác cán bộ và chuyên môn hoá cán bộ:
a. Cục Hải quan các tỉnh, thành phố cần tổ chức ngay việc thực hiện chuyên môn hoá cán bộ kiểm hoá. Mỗi Chi cục Hải quan cửa khẩu cần lựa chọn những cán bộ kiểm hoá có kinh nghiệm, có kiến thức chuyên sâu về các mặt hàng thường xuyên xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đó, nhất là những mặt hàng khó xác định (chuyên gia kiểm hoá về vải, hoá chất, hàng điện tử, ôtô, xe máy...) để làm nòng cốt trong việc kiểm hoá các mặt hàng đó hoặc tư vấn cho Chi cục trưởng xem xét các trường hợp còn chưa thật rõ ràng, khó xác định mặt hàng giáp ranh và truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm cho các đồng nghiệp trong Chi cục. Việc bố trí, phân công lập nhóm chuyên gia tại từng Chi cục do Cục trưởng quyết định và báo cáo về Tổng cục Hải quan (qua Vụ Giám sát quản lý về hải quan và Vụ Tổ chức cán bộ).
b. Cần xử lý thật nghiêm, xử lý ngay, kiên quyết không để giữ cương vị công tác đang làm và không để làm công tác nghiệp vụ trong vòng 3 năm đối với những trường hợp sau đây:
- Có dấu hiệu tiêu cực (cả trường hợp tuy chưa kết luận được do không bắt quả tang, nhưng dấu hiệu theo dư luận là có căn cứ);
- Có biểu hiện không đủ năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo như:
+ Là kiểm hoá viên mà không xác định được mặt hàng thông thường (không phải là mặt hàng mới, mặt hàng khó) mà lại yêu cầu doanh nghiệp đi giám định hoặc hỏi cấp trên;
+ Là cán bộ đăng ký tờ khai mà không biết các quy định về số lượng, chủng loại giấy tờ cũng như thời hạn phải nộp, xuất trình; không hiểu được hình thức, nội dung các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan;
+ Là lãnh đạo mà không quyết định được các việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình phải làm, tìm cách né tránh hoặc đùn đẩy cho cấp dưới hoặc cấp trên;
+ Làm luật, tự đặt ra các quy định có tính chất lệ làng;
+ Không có quyết tâm và năng lực thực hiện các yêu cầu cải cách;
+ Không dám chịu trách nhiệm; giải quyết công việc tùy tiện, máy móc.
c. Cần kịp thời khen thưởng, động viên những công chức làm công tác nghiệp vụ có nhiều sáng kiến, kiến nghị, có thành tích nổi bật trong công tác nghiệp vụ như phát hiện các vụ việc gian lận thương mại buôn lậu, hành vi vi phạm pháp luật hải quan... Đối với những công chức có nhiều sáng kiến hay, được ghi nhận và nhân rộng áp dụng trong toàn Cục, toàn ngành Hải quan, thì nên đưa vào diện quy hoạch đề bạt, bổ nhiệm hoặc giao đảm nhiệm các nhiệm vụ tương xứng.
4. Công tác quản lý rủi ro, đánh giá, phân loại doanh nghiệp:
Cục Hải quan tỉnh, thành phố cần rà soát, thống kê phân loại doanh nghiệp làm thủ tục hải quan trong thời gian qua tại đơn vị theo các tiêu chí quy định tại các Điều 29, 30 Luật Hải quan, Điều 8 Nghị định 101/2001/NĐ-CP của Chính phủ và các Quyết định tạm thời của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan để vừa tập trung được nguồn lực đầu tư cho các trường hợp cần phải kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo tăng cường quản lý của Hải quan đối với các đối tượng buôn lậu, gian lận, trốn thuế, vừa tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật, vừa hạn chế được việc mở hàng kiểm tra thực tế theo lối hình thức, tràn lan kém hiệu quả.
Trên cơ sở các quy định trên, yêu cầu Cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện áp dụng một số biện pháp kiểm tra chặt chẽ theo nội dung dưới đây:
a. Áp dụng hình thức kiểm tra toàn bộ 100% đối với một số mặt hàng nhạy cảm trong một thời điểm nhất định trên cơ sở những thông tin cụ thể về chủ hàng hoặc hàng hoá của các doanh nghiệp thường xuyên vi phạm pháp luật hải quan;
b. Áp dụng theo đúng tinh thần Luật hải quan và Nghị định 101/2001/NĐ-CP: Doanh nghiệp nào vi phạm có tính chất cố ý, dù mới 1 (một) lần thì Cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện ngay việc thông báo trên Báo hải quan.
5. Vấn đề sử dụng kết quả giám định, kiểm tra chuyên ngành:
Vấn đề phân tích, phân loại, giám định và kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá quy định tại Điều 9 Nghị định 101/2001/NĐ-CP phải được nghiêm túc thực hiện theo tinh thần và nội dung dưới đây:
a. Đối với các trường hợp hàng hoá theo quy định của pháp luật thuộc Danh mục phải kiểm tra chuyên ngành, phải giám định thì các cơ quan kiểm tra, tổ chức giám định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra, giám định của mình, cơ quan Hải quan căn cứ vào kết quả kiểm tra, giám định của cơ quan, tổ chức này để thông quan hàng hoá. Trường hợp có nghi ngờ về kết quả kiểm tra, giám định thì cơ quan hải quan phải trưng cầu giám định, kiểm tra lại ở Trung tâm phân tích, phân loại hải quan hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành hoặc tổ chức giám định chuyên ngành.
b. Mặt hàng đã giám định một lần, có kết luận chính xác được Chi cục trưởng hải quan chấp nhận thì lần sau không phải đi giám định nữa. Trường hợp có căn cứ chính xác là hàng hoá không đúng với kết quả giám định lần trước thì Chi cục trưởng hải quan xem xét quyết định trưng cầu giám định như lần đầu.
c. Các bản kết luận kiểm tra chuyên ngành của các cơ quan kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hoá hoặc chứng thư giám định của các tổ chức giám định có nội dung chung chung, không rõ ràng, không có cơ sở khoa học hoặc cơ quan hải quan có cơ sở khẳng định kết luận đó là sai thì yêu cầu các cơ quan liên quan tái giám định để bảo đảm cho việc thông quan hàng hoá đúng quy định của pháp luật.
6. Công tác hậu cần và trang bị kỹ thuật:
Năm 2003, Tổng cục Hải quan chủ trương trang bị tương đối đủ các phương tiện, máy móc, thiết bị phục vụ công tác kiểm tra thực tế hàng hoá, khắc phục căn bản tình trạng kiểm tra hoàn toàn thủ công hiện nay.
Vì vậy, một mặt các Cục hải quan các tỉnh, thành phố cần trang bị ngay các phương tiện, công cụ hỗ trợ kiểm tra cho kiểm hoá viên (trước mắt là các phương tiện, công cụ thông thường, nhưng rất có tác dụng hàng ngày như các loại cân, thước đo độ dài, thước đo chuyên dùng kèm thuốc thử, kính phóng đại, máy chụp ảnh...). Đồng thời, dự trù nhu cầu trang bị các máy móc, phương tiện kỹ thuật lớn báo cáo Tổng cục hải quan để có kế hoạch trang bị.
Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục trưởng hải quan các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện ngay các chỉ đạo trên đây.
| Đặng Văn Tạo (Đã ký)
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.