BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 102/TCT-KK | Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2011 |
Kính gửi: Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 169/NSRPLLC ngày 29/10/2010 của Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn đề nghị hướng dẫn về việc uỷ quyền ký các văn bản kê khai và quyết toán thuế của Công ty. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Tại Khoản 1 Điều 4; Khoản 1 Điều 5 Chương I Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 quy định: “Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Nộp thuế theo quy định của pháp luật là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia quản lý thuế”; “Đại diện của người nộp thuế là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền thay mặt người nộp thuế thực hiện một số thủ tục về thuế”.
Tại Điều 139; Điều 142; Khoản 1 Điều 143; Điều 144 Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 quy định về đại diện, đại diện theo uỷ quyền, người đại diện theo uỷ quyền, phạm vi đại diện như sau:
“Đại diện
1. Đại diện là việc một người (sau đây gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (sau đây gọi là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.
2. Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.
3. Quan hệ đại diện được xác lập theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền.
4. Người được đại diện có quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự do người đại diện xác lập.
5. Người đại diện phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 143 của Bộ luật này”.
“Đại diện theo uỷ quyền
1. Đại diện theo uỷ quyền là đại diện được xác lập theo sự uỷ quyền giữa người đại diện và người được đại diện.
2. Hình thức uỷ quyền do các bên thoả thuận, trừ trường hợp pháp luật quy định việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản”.
“Người đại diện theo uỷ quyền
Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể uỷ quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”.
“Phạm vi đại diện
1. Người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Phạm vi đại diện theo uỷ quyền được xác lập theo sự uỷ quyền.
3. Người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.
4. Người đại diện phải thông báo cho người thứ ba trong giao dịch dân sự biết về phạm vi đại diện của mình.
5. Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Tại Khoản 2 Điều 141, Khoản 1 Điều 145 Mục I Chương V Luật Thương mại quy định về đại diện cho thương nhân và nghĩa vụ của bên đại diện như sau: “Trong trường hợp thương nhân cử người của mình để làm đại diện cho mình thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự”; “Thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa và vì lợi ích của bên giao đại diện”.
Tại Điểm 2 Điều 20 Luật Kế toán quy định chứng từ kế toán như sau: “Chữ ký trên chứng từ kế toán phải do người có thẩm quyền hoặc người được uỷ quyền ký”.
Tại Điểm 2 Mục V Phần A Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/06/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế quy định: “Văn bản giao dịch với cơ quan thuế phải được soạn thảo, ký, ban hành đúng thẩm quyền; thể thức văn bản, chữ ký, con dấu trên văn bản phải thực hiện theo quy định của pháp luật về công tác văn thư”.
Tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư; Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 09/2010/NĐ-CP ngày 08/02/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư quy định:
“Trong trường hợp đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể uỷ quyền cho một cán bộ phụ trách dưới mình một cấp ký thừa uỷ quyền (TUQ) một số văn bản mà mình phải ký. Việc giao ký thừa uỷ quyền phải được quy định bằng văn bản và giới hạn trong một thời gian nhất định. Người được uỷ quyền không được uỷ quyền lại cho người khác ký”.
Căn cứ các quy định trên, nộp thuế theo quy định của pháp luật là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi doanh nghiệp. Như vậy, Tổng giám đốc - người đại diện theo pháp luật của Công ty Lọc hoá dầu Nghi Sơn được uỷ quyền cho Phụ trách phòng kế toán - người đứng đầu Phòng kế toán của Công ty ký các tờ khai, quyết toán thuế và các văn bản khác liên quan đến thuế trước khi nộp cho cơ quan thuế trong một thời gian nhất định và phải được ghi cụ thể trong thông báo uỷ quyền của Công ty gửi đến cơ quan thuế.
Hướng dẫn tại công văn này thay thế hướng dẫn tại công văn 1482/TCT-KK ngày 23/04/2009 của Tổng cục Thuế về uỷ quyền kê khai thuế.
Tổng cục Thuế trả lời để Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn biết và thực hiện./.
| KT.TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.