BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10176/TH | Hà Nội ngày 07 tháng 11 năm 2000 |
Kính gửi: Các Sở Giáo dục và Đào tạo
Thực hiện Chỉ thị nhiệm vụ năm học 2000-2001: “Tổ chức học 2 buổi/ngày là chủ trương đúng đắn, phù hợp với sự phát triển giáo dục trong điều kiện kinh tế - xã hội của giai đoạn mới. Chủ trương này cần được triển khai theo bước đi hợp lí tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện ở từng địa phương”, Vụ Tiểu học hướng dẫn kế hoạch dạy học 2 buổi/ ngày ở trường tiểu học năm học 2000-2001 như sau:
1. Yêu cầu đối với việc tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày
1.1. Việc dạy học 2 buổi/ngày ở trường tiểu học nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện đảm bảo chất lượng của bậc tiểu học, đáp ứng nhu cầu về chăm sóc giáo dục trẻ em của gia đình và xã hội, góp phần giải quyết vấn đề quá tải và dạy thêm học thêm tràn lan tiêu cực ở các trường tiểu học.
1.2. Việc dạy học 2 buổi/ngày chỉ tổ chức ở những nơi có nhu cầu và có sự tự nguyện của phụ huynh học sinh, được sự đồng ý của các cấp quản lí có thẩm quyền.
1.3. Đội ngũ giáo viên đủ về số lượng (tỉ lệ 1,15 ) và đồng bộ về cơ cấu, nơi nào không có giáo viên dạy Hát-Nhạc, Thể dục, Mĩ thuật và các môn tự chọn có thể hợp đồng giáo viên ngoài biên chế, đảm bảo mỗi giáo viên không dạy quá 10 tiết /tuần (ngoài số tiết của 5 buổi/tuần).
1.4. Đảm bảo đủ phòng học, phòng phục vụ học tập, có sân chơi, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp, hấp dẫn trẻ em học tập ở trường cả ngày. Nơi nào tổ chức bán trú cần đảm bảo những điều kiện cần thiết. Tất cả các hoạt động dạy và học, các hoạt động chăm sóc khác đối với học sinh phải được tổ chức tại trường tiểu học. Nơi nào chưa có đủ điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất thì chưa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú. Học sinh học 2 buổi/ngày ở trường khi về nhà không phải học thêm.
1.5. Việc quản lí thu chi cần thực hiện theo các văn bản 4195/KHTC ngày 29/5/1997 về Thu các khoản tại các trường học, Chỉ thị 15/2000/CT-BGD-ĐT ngày 17/5/2000 về Các biện pháp cấp bách tăng cường quản lí dạy thêm học thêm, Văn bản 9254/TH ngày 30/9/2000 Hướng dẫn thực hiện làm việc 40 giờ/tuần ở tiểu học. Kinh phí bồi dưỡng giáo viên dạy hợp đồng, giáo viên dạy quá 5 buổi/tuần, nhân viên phục vụ…. do gia đình học sinh đóng góp trên nguyên tắc tự nguyện và đúng, quy định của các cấp có thẩm quyền.
1.6. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của nhà trường, có thể chọn các hình thức tổ chức sau:
* 100% số lớp hoặc một số lớp, một số học sinh học 2 buổi/ngày;
* Tổ chức bán trú hoặc không bán trú.
2. Kế hoạch dạy học
2.1. Kế hoạch dạy học của các trường có 100 % số lớp học 2 buổi/ngày đảm bảo:
- Buổi sáng không quá 4 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết (cả ngày không quá 7 tiết, một tuần không quá 35 tiết);
- Thời lượng của mỗi môn học gồm tổng số tiết của buổi sáng và buổi chiều dành cho kiến thức mới cũng như ôn tập rèn luyện các kĩ năng;
- Ban Giám hiệu căn cứ vào thời lượng đó để điều chỉnh số tiết của các môn ở buổi thứ nhất và buổi thứ hai cho phù hợp, đảm bảo học sinh thực hiện hết nội dung bài học, bao gồm lí thuyết, bài tập và cả phần tự học, để học sinh không phải học thêm ở nhà;
- Đối với những nơi có dạy Ngoại ngữ, Tin học, thực hiện theo kế hoạch dạy học như sau:
TT | Môn học | Lớp 1 | Lớp 2 | Lớp 3 | Lớp 4 | Lớp 5 |
1 | Tiếng Việt | 11 (3) | 10 (3) | 9 (2) | 8 (2) | 8 (2) |
2 | Toán | 4 (2) | 5 (2) | 5 (1) | 5 (1) | 5 (1) |
3 | Đạo Đức | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 |
4 | Tự nhiên-Xã hội | 1 | 1 | 2 | 4 | 4 |
5 | Kĩ thuật | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 |
6 | Hát-Nhạc | 1 (1) | 1 (1) | 1 (1) | 1 (1) | 1 (1) |
7 | Mĩ Thuật | 1 (1) | 1 (1) | 1 (1) | 1 (1) | 1 (1) |
8 | Thể dục | 1 (2) | 2 (1 ) | 2 (1) | 2 (1) | 2 (1) |
9 | Sức khỏe | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 |
a) Hoạt động tập thể | (3) | (3) | (3) | (2) | (2) | |
b) Các môn tự chọn |
|
|
|
|
| |
• Ngoại ngữ |
|
| (1) | (1) | (1) | |
• Tin học |
|
| (1) | (1) | (1) | |
c) Giờ dự phòng | (1) | (1) | (1) | (1) | (1) | |
Tổng số tiết /tuần | 22 (13) | 23 (12) | 23 (12) | 24 (11) | 24 (11) |
* Các tiết học trong dấu ( ) chỉ những tiết bổ sung thêm so với chương trình 5 buổi/tuần, giờ dự phòng dành cho các nội dung địa phương hoặc các nội dung lựa chọn của trường.
- Đối với những nơi không có điều kiện dạy Ngoại ngữ, Tin học thời lượng của các môn tự chọn được dành thêm cho học sinh tự học tập, tự làm bài tại lớp có sự hướng dẫn, quản lí của giáo viên ……
2.2. Kế hoạch dạy học của các trường có một số lớp hoặc một số học sinh học 2 buổi/ ngày hoặc học từ 6 đến 9 buổi / tuần đảm bảo:
- Thời khóa biểu của 5 buổi /tuần
- Đối với những nơi có dạy Ngoại ngữ và Tin học thì thời lượng của buổi thứ hai được phân bổ như sau: 1/3 dành cho việc rèn luyện các kĩ năng đọc viết, tính toán, ôn luyện các kiến thức của buổi thứ nhất; 1/3 dành cho hoạt động bao gồm nội dung Hát-Nhạc, Mĩ Thuật, Thể dục, Vui chơi, tổ chức ngoại khóa, sinh hoạt tập thể, lao động, công tác Đội, Sao nhi đồng..; 1/3 dành cho các môn tự chọn như Ngoại ngữ, Tin học.
- Đối với những nơi không dạy Ngoại ngữ và Tin học thì thời lượng của buổi thứ hai được phân bổ theo tỉ lệ như sau: 1/2 cho việc rèn luyện các kĩ năng đọc viết, tính toán, ôn luyện các kiến thức của buổi thứ nhất, 1/2 cho hoạt động bao gồm nội dung Hát-Nhạc, Mĩ Thuật, Thể dục, Vui chơi, tổ chức ngoại khóa, sinh hoạt tập thể, lao động, công tác Đội, sao Nhi đồng.. …
3. Nội dung học dành cho học sinh học 2 buổi /ngày
3.1. Đảm bảo việc tổ chức dạy học sao cho nhẹ nhàng, tự nhiên, phát huy tính tích cực chủ động của học sinh, lồng ghép các nội dung Hát-Nhạc, Mĩ thuật, Thể dục, Hoạt động tập thể thành hoạt động tổng hợp có định hướng theo chủ đề, tăng cường các hình thức học theo nhóm như nhóm Vẽ, Hát Múa, Thể thao, Ngoại ngữ, Tin Học.... Đối với môn Ngoại ngữ và Tin học có thể lựa chọn chương trình Ngoại ngữ và Tin học của Viện Khoa học Giáo dục hoặc Trung tâm Công nghệ Giáo dục.
3.2. Các tổ chuyên môn phân công giáo viên tham khảo tài liệu, chọn lọc nội dung dạy học cụ thể phù hợp với điều kiện dạy học, không vượt quá “Yêu cầu cơ bản về kiến thức và kĩ năng” và nội dung đó phải được thông qua tổ, khối chuyên môn. Việc dạy học của các môn Toán, Tiếng Việt, Mĩ Thuật, Hát-Nhạc, Thể dục, Hoạt động ngoài giờ lên lớp … ở các tiết tăng thêm theo hướng dẫn như sau:
Môn Tiếng Việt
* Lớp 1
Theo Phân phối chương trình hiện hành (áp dụng từ năm học 1994-1995), mỗi tuần có 13 tiết Tiếng Việt (kể cả tiết Kể chuyện được dạy kết hợp trong tiết Sinh hoạt tập thể cuối tuần). Nay các trường tiểu học thực hiện dạy 10 buổi/tuần theo kế hoạch đã hướng dẫn, môn Tiếng Việt lớp 1 có 14 tiết/tuần được phân bổ như sau:
- Mỗi tuần dạy 10 tiết ở các buổi thứ nhất (buổi học chính thức) và 4 tiết ở các buổi học thứ hai.
- 10 tiết ở các buổi học thứ nhất gồm 10 tiết Học vần (hoặc 8 tiết Tập đọc, 1 tiết Tập chép, 1 tiết Chính tả ở 7 tuần cuối năm học).
- 4 tiết ở các buổi học thứ hai gồm: 2 tiết Tập viết, 1 tiết Kể chuyện (được dạy riêng, không dạy kết hợp trong tiết sinh hoạt tập thể), 1 tiết Ôn luyện thêm.
- Tiết Ôn luyện thêm tập trung rèn hai kĩ năng cơ bản: Đọc - Viết
+ Đọc: từ ngữ (hoặc câu, đoạn, bài ngắn) trong sách giáo khoa hay do giáo viên soạn thêm để củng cố bài mới học.
+ Viết: một số từ ngữ (hoặc câu văn) đã luyện đọc (giáo viên đọc cho học sinh viết chính tả từ - câu hoặc cho học sinh nhìn bảng tập chép vào vở ô li).
* Chú ý: Giáo viên cần tổ chức cho học sinh tham gia các trò chơi về luyện đọc-luyện viết hoặc sử dụng bộ Thực hành tiếng Việt do Công ty thiết bị Giáo dục TƯ 1 sản xuất (nếu có) để giờ học Tiếng Việt nhẹ nhàng, linh động và đạt hiệu quả cao.
* Lớp 2, 3
Theo Phân phối chương trình hiện hành (áp dụng từ năm học 1994-1995), mỗi tuần có 10 tiết Tiếng Việt. Nay các trường tiểu học thực hiện dạy 10 buổi/tuần theo kế hoạch đã hướng dẫn, môn Tiếng Việt lớp 2 có 12 tiết/tuần được phân bổ như sau:
- Mỗi tuần dạy 10 tiết ở các buổi thứ nhất (buổi học chính thức) theo phân phối chương trình của Bộ và 2 tiết Luyện tập thêm ở các buổi học thứ hai. Hoặc mỗi tuần dạy 8 tiết ở các buổi thứ nhất theo phân phối chương trình (buổi học chính thức) và 4 tiết ở các buổi thứ hai (gồm 2 tiết theo phân phối chương trình: 1 tiết Kể chuyện, 1 tiết Chính tả hoặc Tập viết; 2 tiết Luyện lập thêm).
- 2 tiết Luyện tập thêm hằng tuần được sử dụng theo một trong hai phương án sau:
+ 1 tiết ôn luyện các bài TĐ-HTL đã học trong tuần, luyện đọc Bài đọc thêm trong sách giáo khoa; 1 tiết Tập chép hoặc viết Chính tả (nghe đọc) một đoạn trong bài Tập đọc đã học hoặc Bài đọc thêm, làm Bài tập chính tả nhằm khắc phục lỗi thường mắc về phụ âm đầu, vần, thanh đối với học sinh lớp dạy (do giáo viên tự soạn).
+ Cứ 3 tuần ôn luyện TĐ-HTL và Chính tả như trên lại đến 1 tuần ôn luyện về Từ ngữ - Ngữ pháp (1 tiết) và Tập làm văn (1 tiết) nhằm củng cố các bài đã học (dựa theo sách giáo khoa).
* Lớp 4, 5
Theo phân phối chương trình hiện hành (áp dụng từ năm học 1994-1995), mỗi tuần có 8 tiết Tiếng Việt. Nay các trường tiểu học thực hiện dạy 10 buổi/tuần theo kế hoạch đã hướng dẫn, môn Tiếng Việt lớp 4 (hoặc lớp 5) có 10 tiết/tuần được phân bổ như sau:
- Mỗi tuần dạy 8 tiết ở các buổi thứ nhất (buổi học chính thức) theo phân phối chương trình của Bộ và 2 tiết Luyện tập thêm ở các buổi học thứ hai. Hoặc mỗi tuần dạy 7 tiết ở các buổi thứ nhất theo phân phối chương trình (buổi học chính thức) và 3 tiết ở các buổi thứ hai (gồm: 1 tiết Kể chuyện theo phân phối chương trình; 2 tiết Luyện tập thêm).
- 2 tiết Luyện tập thêm hằng tuần được sử dụng như sau: cứ 1 tuần ôn luyện TĐ-HTL (1 tiết) và Chính tả (1 tiết), lại đến 1 tuần ôn luyện về Từ ngữ (1 tiết) và Ngữ pháp hoặc Tập làm văn (1 tiết) nhằm củng cố các bài đã học (dựa theo sách giáo khoa).
Môn Toán
Đối với các lớp học 10 buổi/tuần cho một bộ phận học sinh hoặc dưới 10 buổi/tuần thì nội dung dạy học ở buổi thứ hai căn cứ vào bài học ở buổi thứ nhất. Tùy trình độ học sinh, mỗi buổi dành từ 20 đến 30 phút cho học sinh tự học, tự giải bài tập. Chú ý không tổ chức thời gian tự giải bài tập này thành tiết giống như tiết luyện tập thông thường, mà cần để cho học sinh phát huy cao độ tính tự lực, tích cực, chủ động.
Khuyến khích các hình thức tổ chức dạy học kết hợp với các nội dung Hoạt động ngoài giờ lên lớp sao cho nhẹ nhàng, hấp dẫn như: thi kể chuyện có nội dung toán học, thi giải câu đố toán học và đặc biệt là các trò chơi có nội dung chứa yếu tố toán học.
Về nguyên tắc, dạy học 2 buổi/ngày không nhằm mục đích trang bị thêm kiến thức toán học ngoài sách giáo khoa cho học sinh mà chú ý tập trung rèn luyện các kĩ năng, đặc biệt các kĩ năng cụ thể sau đây:
Lớp 1: | - Cộng, trừ thành thạo trong phạm vi 10 (Thuộc bảng cộng, trừ) - Cắt, ghép hình trên giấy kẻ ô vuông |
Lớp 2: | - Thuộc bảng cộng, trừ trong phạm vi 20 - Cộng, trừ thành thạo (tính viết và tính nhẩm) trong phạm vi 100 - Vẽ các hình tam giác, tứ giác, hình chữ nhật, hình vuông trên giấy kẻ ô vuông |
Lớp 3: | - Thuộc bảng nhân, chia - Thực hiện thành thạo phép nhân với số có 1 chữ số và phép chia cho số có 1 chữ số. Tính nhẩm trong các trường hợp đơn giản - Vẽ các hình chữ nhật và hình vuông bằng thước kẻ và êke |
Lớp 4: | - Thực hiện thành thạo phép nhân với số có 2, 3 chữ số và phép chia cho số có 2, 3 chữ số. Tính nhẩm trong các trường hợp đơn giản. - Tính chu vi và diện tích hình chữ nhật và hình vuông |
Lớp 5: | - Thuộc các quy tắc so sánh, cộng, trừ, nhân, chia phân số - Thực hiện thành thạo: so sánh, cộng, trừ các số thập phân có không quá 3 chữ số ở phần thập phân - Thực hiện thành thạo nhân hai số thập phân có không quá 2 chữ số ở phần thập phân; chia cho số thập phân có không quá 2 chữ số ở phần thập phân - Tính diện tích hình tam giác và hình thang - Tính thể tích và diện tích toàn phần hình lập phương, hình hộp chữ nhật và hình trụ. |
Môn Tự nhiên - Xã hội
Lớp 1, 2, 3
Do nội dung các bài rất đơn giản, giáo viên cố gắng dạy sao cho học sinh không những hiểu bài mà còn thuộc bài, nắm chắc bài ở lớp ngay trong giờ học. Học sinh không cần học bài ở nhà và cũng không cần học thêm ở buổi 2, dành thời gian tăng cường cho các môn học khác.
Lớp 4, 5
Nội dung chương trình môn Tự nhiên - Xã hội ở các lớp này khá phong phú (do chương trình học có tới 4 tiết mỗi tuần và lượng nội dung trong mỗi tiết học đều nhiều hơn ở các lớp 1, 2, 3). Mỗi tuần rất cần có thêm một tiết học ở buổi thứ hai, nhằm:
- Củng cố, khắc sâu các kiến thức cơ bản của các bài học trong phạm vi một tuần trước tiết học của buổi thứ hai tương ứng.
- Làm lại một vài thí nghiệm thật điển hình (nếu có) để củng cố các kĩ năng hoặc tăng hứng thú học tập cho học sinh (ví dụ các thí nghiệm xác định thành phần đất trồng, nước gặp nóng nở ra, lạnh co lại...).
- Gợi ý mở rộng các cách ứng xử hoặc thực hành ứng dụng trong đời sống (nếu có) (ví dụ: sử dụng nhiệt kế - cặp sốt, nhận biết chất liệu các đồ dùng thông thường, đọc hiểu bản đồ...).
Cách thực hiện:
- Trước hết giáo viên cần xác định các bài trong giới hạn cần củng cố khắc sâu ở tiết Tự nhiên - Xã hội buổi 2 trong tuần (tất cả 4 tiết Khoa, Sử, Địa tính từ sau tiết học buổi 2 tuần trước tiết học buổi 2 tuần này).
- Xác định các nội dung (lí thuyết và thực hành) cần tổ chức củng cố khắc sâu trong tiết học buổi 2 (nói chung là các nội dung tóm tắt trong phần đóng khung hoặc in đậm cuối bài).
Môn Mĩ thuật
Môn Mĩ thuật ở tiểu học không nhằm rèn luyện kĩ năng vẽ mà chỉ là tạo cho học sinh những hiểu biết ban đầu về mĩ thuật. Khi thực hiện dạy môn này ở buổi 2 cần chú ý:
- Hoàn thành tiếp các bài vẽ tranh đề tài đã học buổi sáng nhưng chưa đủ thời gian
- Không đi sâu vào rèn luyện kĩ năng vẽ mà chú ý tổ chức các hoạt động:
+ Thi vẽ tranh theo chủ đề (trong phạm vi nhóm lớp)
+ Vẽ tranh tập thể theo nhóm từ 3, 5, 10 học sinh
+ Thi tìm hiểu về Mĩ thuật (tìm hiểu về các họa sĩ và các bức tranh nổi tiếng thông qua việc sưu tầm tranh, ảnh...)
+ Thi vẽ đẹp, vẽ nhanh (cả 3 chủ đề: vẽ mẫu, vẽ trang trí, vẽ tranh đề tài)
+ Làm quen với màu sắc và cách tô màu
+ Xé dán thành tranh có nội dung chủ đề (ở mức độ đơn giản).
Tùy điều kiện lớp, trường có thể tổ chức các hoạt động trong 1 tiết hoặc 15 -20 phút/buổi.
Môn Hát - Nhạc
Các lớp học 2 buổi/ngày có thêm mỗi tuần 1 tiết Hát - Nhạc và hoạt động văn nghệ. Tiết học này thực hiện trong các buổi học ngoài 5 buổi học chính. Tiết học Hát-Nhạc thứ 2 nhằm củng cố kiến thức và kĩ năng của môn học, khích lệ lòng ham thích nghệ thuật ca hát và nâng cao trình độ văn hóa âm nhạc cho học sinh, đồng thời giúp các em học sinh, vui chơi phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo ở các em.
1. Nội dung của tiết học thứ 2 được xây dựng trên những định hướng, sau đây:
* Lớp 1, 2:
- Nghe hát Quốc ca
- Học hát: những bài hát mới do giáo viên chọn trong phần phụ lục sách giáo khoa
- Múa
- Trò chơi
- Nghe nói chuyện và giao lưu về nghệ thuật âm nhạc với trẻ em.
* Lớp 3:
- Học hát: những bài hát mới do giáo viên chọn trong phần phụ lục sách giáo khoa
- Múa
- Trò chơi
- Tập chép nhạc (có thể sử dụng vở chép nhạc)
- Nghe nói chuyện và giao lưu về nghệ thuật âm nhạc với trẻ em.
* Lớp 4, 5:
- Học hát: những bài hát mới do giáo viên chọn trong phần phụ lục sách giáo khoa
- Múa
- Trò chơi
- Tập chép nhạc (có thể sử dụng vở chép nhạc)
- Tập dàn dựng, biểu diễn
- Nghe nói chuyện và giao lưu về nghệ thuật âm nhạc với trẻ em.
2. Giờ tự chọn
Trong tiết học thứ 2, có thể tổ chức cho một số học sinh có nhu cầu và điều kiện học các nhạc cụ thông dụng như: đàn phím điện tử (thường được gọi là đàn oóc gan), sáo trúc, măng đô lin, kèn ac mô ni ca và các nhạc cụ dân tộc khác.
Môn Kĩ thuật
* Lớp 1, 2, 3
Tăng cường rèn luyện các kĩ năng gấp giấy, cắt dán giấy bằng cách ôn lại các bài đã học ở buổi thứ nhất và khai thác chọn lọc thêm các bài phù hợp ở các cuốn “Thực hành kĩ thuật các lớp 1, 2, 3” - Sách tham khảo chính của nhà xuất bản giáo dục.
Tổ chức các hoạt động thi khéo tay trong phạm vi nhóm, lớp và trường. Các bài học ở buổi thứ nhất nếu chưa hoàn thành có thể chuyển tiếp sang buổi thứ hai
* Lớp 4, 5
Tăng cường các kĩ năng gấp giấy và làm đồ chơi, chú ý khuyến khích làm đồ chơi từ các vật liệu rẻ tiền, đơn giản có sẵn ở địa phương.
Có thể chọn một số bài phù hợp trong bộ sách tham khảo “Thực hành kĩ thuật các lớp 4, 5” để dạy ở buổi thứ hai này
Thường xuyên tổ chức các cuộc thi khéo tay trong phạm vi nhóm, lớp, trường
Các bài học ở buổi thứ nhất nếu chưa hoàn thành có thể chuyển sang buổi thứ hai
Hạn chế các bài tập thực hành cho về nhà.
Môn Thể dục
* Đối với những trường, lớp học 10 buổi/tuần
a. Nếu bố trí tăng thêm 1 tiết/tuần ở tất cả các khối lớp, thì nội dung tăng cường sẽ là:
- Luyện tập đội hình đội ngũ
- Các bài tập rèn luyện tư thế vận động cơ bản
- Trò chơi vận động
b. Nếu bố trí được thêm 2 tiết/tuần ở tất cả các khối lớp, thì nội dung tăng cường thêm sẽ là:
- Các bài tập rèn luyện tư thế vận động cơ bản
- Trò chơi vận động
- Các môn thể thao lựa chọn (điền kinh, bóng đá mi ni, bóng rổ mi ni, đá cầu, cầu lông...)
* Đối với những trường lớp học dưới 10 buổi/tuần
a. Nếu tăng thêm 1 tiết/tuần, thì nội dung tăng thêm là:
- Các bài tập rèn luyện tư thế vận động cơ bản
- Trò chơi vận động
b. Nếu tăng thêm 2 tiết/tuần, thì nội dung tăng thêm là:
- Các bài tập rèn luyện tư thế vận động cơ bản
- Trò chơi vận động
- Các môn thể thao lựa chọn
Cần lưu ý ở giữa các buổi học đều có thời gian dành cho học sinh tập thể dục giữa giờ nhằm tránh mệt mỏi và chuẩn bị tốt hơn cho tiết học sau.
Để tiện cho việc học tập của học sinh, giờ học Thể dục có thể bố trí vào thời gian cuối của buổi học thứ hai. Nếu tăng thêm cho 1 tiết/tuần, nội dung tăng thêm sẽ chỉ là những phần cứng đã quy định trong chương trình hiện hành. Nếu có được nhiều thời gian hơn thì tùy theo khối lớp mà vận dụng linh hoạt các nội dung ở buổi thứ hai cho phù hợp, để học sinh được luyện tập thường xuyên các kĩ năng mới tiếp thu và được vận động, rèn luyện thể lực, vui chơi giải trí, góp phần phát triển toàn diện cho các em.
Môn Đạo đức
Lồng ghép các nội dung Giáo dục Quyền và Bổn phận trẻ em, Giáo dục An toàn giao thông, Giáo dục kĩ năng sống và phòng tránh HIV, Giáo dục môi trường, Giáo dục dân số vào phần thực hành của các bài đạo đức có nội dung phù hợp để tránh sự chồng chéo, quá tải.
Vận dụng các hình thức tổ chức dạy học tích cực để học sinh được thực hành các kĩ năng hành vi đạo đức, được vận dụng những kiến thức qua các bài học để xử lí các tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống hằng ngày.
Hoạt động ngoài giờ lên lớp
Cần tăng cường các hình thức tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp ở các trường lớp dạy 2 buổi/ngày nhằm củng cố kiến thức đã được lĩnh hội qua các môn học, hình thành thái độ, tình cảm và thực hành các kĩ năng, phát triển các năng lực hoạt động của học sinh, đảm bảo nội dung của Hoạt động ngoài giờ lên lớp theo quy định của Bộ GD-ĐT và được tổ chức theo kế hoạch như sau:
Chủ đề 1 | Người học sinh ngoan | Tháng 9 &10 |
Chủ đề 2 | Thầy giáo cô giáo | Tháng 11 |
Chủ đề 3 | Chú bộ đội | Tháng 12 |
Chủ đề 4 | Yêu đất nước | Tháng 2 |
Chủ đề 5 | Ngày Quốc tế Phụ nữ | Tháng 3 |
Chủ đề 6 | Bác Hồ | Tháng 4 & 5 |
1. Ban giám hiệu chịu trách nhiệm về nội dung cụ thể của từng chủ đề và có kết hợp với các nội dung địa phương
2. Nơi nào có triển khai thí điểm các nội dung:
• Giáo dục Quyền và Bổn phận trẻ em
• Giáo dục An toàn giao thông
• Giáo dục kĩ năng sống và phòng tránh HIV
• Giáo dục môi trường
• Giáo dục dân số
có thể lồng ghép vào 6 chủ đề của Hoạt động ngoài giờ lên lớp theo quy định của Bộ GD-ĐT, ví dụ như ở chủ đề Người học sinh ngoan có thể đưa nội dung Giáo dục Quyền và Bổn phận trẻ em, Giáo dục An toàn giao thông, chủ đề Yêu đất nước có thể đưa nội dung Giáo dục môi trường, chủ đề Ngày Quốc tế Phụ nữ, có thể đưa nội dung Giáo dục dân số,………….
3. Hình thức tổ chức có thể:
- Các nội dung trên được thực hiện trong một tháng, một tuần hoặc 1 buổi sinh hoạt lớp.
- Lồng ghép các nội dung của các môn Hát - Nhạc, Mĩ thuật, Kĩ thuật, Thể dục, các trò chơi của các môn Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên - Xã hội, Đạo đức... vào các hoạt động ngoài giờ lên lớp coi đó là một phần nội dung Hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.