BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10168/BTC-CST | Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2019 |
Kính gửi: Công ty Luật TNHH Saigon Pearl
(Số 10 Nguyễn Phi Khanh, phường Tân Định, quận 1, Tp Hồ Chí Minh)
Trả lời công văn số 4998/VPCP-ĐMDN ngày 08/6/2019 của Văn phòng Chính phủ đề nghị trả lời kiến nghị của Công ty Luật TNHH Saigon Pearl về chính sách thuế (gửi qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ), Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
1. Về điều kiện áp dụng phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo tỷ lệ phần trăm (%) trên doanh thu
- Điều 6, Điều 7 Luật thuế TNDN quy định căn cứ tính thuế TNDN là thu nhập tính thuế và thuế suất.
- Khoản 5 Điều 11 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật thuế TNDN quy định:
"5. Đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác không phải là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp mà các đơn vị này hạch toán được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ…".
- Khoản 5 Điều 3 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP quy định:
“5. Đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác không phải là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp mà các đơn vị này xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ...”.
Do thông tin cung cấp của Công ty chưa đầy đủ, chưa nêu rõ Công ty đang kê khai nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp kê khai hay trực tiếp; doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng hay không; có xác định được doanh thu, chi phí và thu nhập hay không? Do vậy, đề nghị Công ty liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn thực hiện cụ thể.
2. Về lệ phí môn bài
Căn cứ khoản 1, khoản 5 Điều 2 và khoản 1 Điều 4 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài, ngày 10/4/2019 Tổng cục Thuế đã có công văn số 1335/TCT-CS trả lời trường hợp tương tự đối với Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang về lệ phí môn bài 1.000.000 đồng/năm đối với trường hợp văn phòng luật sư, công ty luật không quy định vốn điều lệ, vốn đầu tư. Trường hợp tổ chức có vốn điều lệ, vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng thì mức thu lệ phí môn bài là 3.000.000 đồng/năm; tổ chức có vốn điều lệ, vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống thì mức thu lệ phí môn bài là 2.000.000 đồng/năm theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ.
Căn cứ Điều 29 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/07/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế; điểm d khoản 22 Điều 33, Điều 57 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ về xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa, đề nghị Công ty liên hệ cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn kê khai, điều chỉnh và nộp lệ phí môn bài theo đúng quy định.
3. Về điều kiện miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong trường hợp nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản
Khoản 4 Điều 4 Luật thuế TNCN quy định về thu nhập được miễn thuế: “4. Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng: cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.”
Tại khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 ngày 19/6/2014 của Quốc hội quy định về Giải thích từ ngữ: “16. Thành viên gia đình bao gồm vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.”
- Điểm b.2 khoản 3 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính quy định: “Đối với bất động sản chuyển nhượng giữa anh, chị, em ruột với nhau cần có giấy tờ sau: bản sao Sổ hộ khẩu hoặc bản sao Giấy khai sinh của người chuyển nhượng và của người nhận chuyển nhượng thể hiện mối quan hệ có chung cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha hoặc các giấy tờ khác chứng minh có quan hệ huyết thống.”
Đề nghị Công ty căn cứ quy định của pháp luật để thực hiện.
4. Về văn bản quy định về thuế đối với văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh
Hệ thống pháp luật thuế đã được sửa đổi căn bản, thống nhất áp dụng từ 01/01/2009 đến nay: Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12, Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12, Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12, các Luật sửa đổi, bổ sung, và văn bản hướng dẫn chi tiết.
Do vậy, đề nghị Công ty thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật về thuế tại từng thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật.
Trên đây là ý kiến trả lời của Bộ Tài chính, đề nghị Công ty liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn thực hiện cụ thể theo đúng quy định của pháp luật./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.