TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10141/CTHN-TTHT | Hà Nội, ngày 05 tháng 4 năm 2021 |
Kính gửi: Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội
(Đ/c: Số 44 Đường Yên Phụ, P. Trúc Bạch, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội
- MST: 0100106225)
Trả lời công văn số 256/NSHN-TCKT đề ngày 01/02/2021 của Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội hỏi về thuế GTGT, TNDN đối với thù lao nhận được từ hoạt động thu hộ phí BVMT nước thải, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 05/05/2020 của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải:
+ Tại Điều 3 quy định:
"Điều 3. Tổ chức thu phí
Tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải gồm:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của các cơ sở thuộc diện quản lý trên địa bàn. Căn cứ tình hình thực tế quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải của các cơ sở trên địa bàn.
2. Tổ chức cung cấp nước sạch thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng nguồn nước sạch do mình cung cấp.
3. Ủy ban nhân dân phường, thị trấn thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt của tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tự khai thác nước để sử dụng."
+ Tại Khoản 1 Điều 9 quy định:
"Điều 9. Quản lý và sử dụng phí.
1. Đối với nước thải sinh hoạt
a) Để lại 10% trên tổng số tiền phỉ bảo vệ môi trường thu được cho tổ chức cung cấp nước sạch và 25% cho Ủy ban nhân dân phường, thị trấn để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí. Trường hợp chi phí tổ chức thu thấp hơn tỷ lệ để lại này, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức tỷ lệ để lại cụ thể phù hợp nhưng tối đa không quá 10% đối với tỷ lệ để lại cho tổ chức cung cấp nước sạch và tối đa không quá 25% đối với tỷ lệ để lại cho Ủy ban nhân dân phường, thị trấn.
b) Số tiền phí được để lại là doanh thu của tổ chức cung cấp nước sạch. Tổ chức cung cấp nước sạch kê khai, nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) theo quy định pháp luật về thuế và quyết định việc quản lý, sử dụng tiền phí để lại (không phải thực hiện chuyển nguồn theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí).
…”
- Căn cứ Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 07/07/2020 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về việc ban hành một số quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc thẩm quyền quyết định của hội đồng nhân dân thành phố
+ Tại khoản 3 Mục B ban hành khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố căn cứ hướng dẫn tại các văn bản của Chính phủ, Bộ Tài chính:
"3. Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt
a. Mức thu phí:
Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế GTGT.
b. Quản lý, sử dụng:
Đơn vị cung cấp nước sạch: Nộp NSNN 94% trên tổng số phí thu được, để lại 6% phục vụ công tác thu phí.
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn: nộp 100% số phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
c. Các nội dung khác:
Thực hiện hướng dẫn tại Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 05/05/2020 của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có)."
- Căn cứ Nghị định số 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp
+ Tại Điều 10 quy định:
"Điều 10. Thuế suất
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp:
1. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, trừ trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 20% và thuế suất từ 32% đến 50% quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này và đối tượng được ưu đãi về thuế suất quy định tại Điều 15 và Điều 16 Nghị định này.
Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% quy định tại Khoản này áp dụng thuế suất 20%."
- Căn cứ Điều 1 Thông tư số 193/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung điểm h khoản 7 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế GTGT quy định các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT bao gồm:
“h. Tổ chức, doanh nghiệp nhận các khoản thù lao từ cơ quan nhà nước do thực hiện hoạt động thu hộ, chi hộ các cơ quan Nhà nước.
Thù lao thu hộ, chi hộ các cơ quan nhà nước không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT quy định tại điểm này là các khoản thù lao nhận được từ hoạt động: thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự nguyện cho cơ quan Bảo hiểm xã hội; chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công, trợ cấp khác chi Bộ Lao động và thương binh xã hội; thu thuế của hộ cá nhân cho cơ quan thuế và các khoản thu hộ, chi hộ khác cho cơ quan Nhà nước.”
- Căn cứ Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng
+ Tại Điều 2 quy định đối tượng chịu thuế:
"Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư này."
+ Tại Điều 11 quy định thuế suất 10%
"Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.
Các mức thuế suất thuế GTGT nêu tại Điều 10, Điều 11 được áp dụng thống nhất cho từng loại hàng hóa, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại."
Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty được UBND Thành phố Hà Nội giao thu tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt, Công ty (tổ chức cung cấp nước sạch) thực hiện để lại một phần phí bảo vệ môi trường thu được thì đối với khoản phí để lại nêu trên Công ty thực hiện xác định nghĩa vụ kê khai, nộp thuế TNDN, GTGT như sau:
- Về thuế TNDN, từ ngày 01/01/2016, Công ty thực hiện kê khai, nộp thuế TNDN đối với khoản tiền phí bảo vệ môi trường thu được nêu trên theo thuế suất 20% theo quy định hiện hành.
- Về thuế GTGT, Cục Thuế TP Hà Nội đã có công văn số công văn số 45748/CT-TTHT ngày 02/07/2018 trả lời cho Công ty về vấn đề tương tự.
Đề nghị Công ty căn cứ tình hình thực tế, đối chiếu với các quy định pháp luật nêu trên để xác định nghĩa vụ thuế phù hợp, đúng quy định.
Trong quá trình thực hiện chính sách thuế, trường hợp còn vướng mắc, Công ty có thể tham khảo các văn bản hướng dẫn của Cục Thuế TP Hà Nội được đăng tải trên website http://hanoi.gdt.gov.vn hoặc liên hệ với Phòng Thanh tra - Kiểm Tra số 4 đế được hỗ trợ giải quyết.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội được biết và thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.