BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1007/BCĐ-ĐA | Hà Nội, ngày 08 tháng 4 năm 2014 |
Kính gửi: | - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; |
Để thực hiện có chất lượng, hiệu quả Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 – 2015 ban hành kèm theo Quyết định số 2160/QĐ-TTg ngày 26/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Đề án) trong năm 2014, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đề ra, Bộ Tư pháp trân trọng đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các tổ chức đoàn thể và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai thực hiện một số nội dung chủ yếu sau đây:
1. Căn cứ vào phạm vi trách nhiệm được giao, tiếp tục rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Đề án; xây dựng, ban hành Kế hoạch, văn bản tổ chức thực hiện Đề án trong các năm 2014 và 2015 cho phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của Đề án; chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện và bố trí kinh phí bảo đảm triển khai thực hiện một số nhiệm vụ được giao trong Đề án.
2. Đổi mới, đa dạng hình thức tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên. Tập trung vào tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động; xét xử lưu động các vụ án có liên quan tới thanh thiếu niên; thành lập Câu lạc bộ pháp luật trong trường học; tổ chức các cuộc thi có chủ đề pháp luật; tư vấn, trợ giúp các thủ tục cần thiết và có liên quan cho thanh thiếu niên đặc thù; tăng thời lượng, bảo đảm có chủ đề, nội dung giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên trên các báo, đài.
Quan tâm lựa chọn nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Trong đó tập trung vào các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của thanh thiếu niên, nhất là điểm mới và nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013; chú trọng tới thanh thiếu niên trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, người đang chấp hành hình phạt tù, đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo, nạn nhân bạo lực gia đình, người khuyết tật, người ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
3. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật mới và các kỹ năng nghiệp vụ có liên quan, cung cấp tài liệu cần thiết cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ Đoàn, báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là đội ngũ cán bộ công chức trẻ.
4. Định kỳ 06 tháng, 01 năm đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo trách nhiệm của Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tại Quyết định số 2160/QĐ-TTg và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Để phục vụ sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Đề án, Bộ Tư pháp đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức đánh giá toàn diện việc triển khai Đề án tại Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương mình từ ngày ban hành Đề án đến ngày 30/6/2014 (tập trung vào kết quả, tỷ lệ các chỉ tiêu đạt được, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, kiến nghị, đề xuất giải pháp, phương hướng…) và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp trước ngày 31/7/2014[1].
5. Ngoài các nội dung nêu trên, đề nghị các cơ quan phối hợp thực hiện Đề án ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh Thái Bình, Nghệ An, Long An[2] chú trọng một số nhiệm vụ sau đây:
5.1. Chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao chủ trì thực hiện tại Kế hoạch số 1006/KH-ĐA ngày 08/4/2014 của Ban chỉ đạo Đề án Trung ương về việc thực hiện Đề án năm 2014;
5.2. Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh hướng dẫn việc thực hiện Đề án đến tổ chức Đoàn các cấp, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đoàn để thực hiện tốt các hoạt động truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên; gắn việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Đề án với các phong trào, cuộc vận động và các hoạt động thực hiện Năm thanh niên tình nguyện 2014;
5.3. Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan kịp thời tham mưu, đề xuất, tư vấn việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên;
5.4. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trực thuộc hướng dẫn các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp; trại giam, trường giáo dưỡng tăng cường truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên là học sinh, sinh viên; người lao động, học nghề; thanh thiếu niên vi phạm pháp luật;
5.5. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ, Ngành có liên quan ký kết văn bản phối hợp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên vi phạm pháp luật trong trại giam, trường giáo dưỡng phục vụ việc tái hòa nhập cộng đồng để thực hiện chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật;
5.6. Bộ Nội vụ chỉ đạo ngành Nội vụ tổ chức thực hiện gắn kết, lồng ghép các nhiệm vụ của Đề án với Chiến lược phát triển Thanh niên;
5.7. Ủy ban nhân dân các tỉnh Thái Bình, Nghệ An, Long An chỉ đạo Sở Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng, triển khai thực hiện mô hình điểm, có trách nhiệm:
a) Rà soát, lựa chọn 02 xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) và gửi danh sách về Bộ Tư pháp (Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, số 58-60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội) trước ngày 18/4/2014.
Việc lựa chọn xã làm điểm dựa trên các tiêu chí: xã đại diện, đặc thù theo vùng miền; có tỷ lệ thanh thiếu niên thuộc diện quản lý, cư trú trên địa bàn cao; xã thực hiện tốt hoặc còn nhiều hạn chế về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên. Địa bàn triển khai các hoạt động điểm cần tập trung vào các khu dân cư, thôn, làng, bản, ấp nơi có nhiều thanh thiếu niên.
b) Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã được chọn điểm thực hiện các hoạt động sau đây:
- Thành lập tổ, nhóm nòng cốt tại địa bàn điểm bao gồm đại diện chi đoàn thanh niên, công chức tư pháp – hộ tịch, công an, trưởng thôn (làng, bản, ấp) hoặc người có uy tín trong cộng đồng. Tổ, nhóm nòng cốt có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc trực tiếp triển khai thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên tại địa bàn điểm;
- Hướng dẫn tổ, nhóm nòng cốt phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan (tổ chức hành nghề luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, câu lạc bộ, đội thanh niên tuyên truyền, luật sư, luật gia, trợ giúp viên pháp lý…) thực hiện tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên tại địa bàn điểm theo định kỳ hàng tháng, hàng quý;
- Tổ chức Cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho đoàn viên thanh niên bằng hình thức sân khấu hóa. Trong đó, đối tượng dự thi là các chi đoàn thanh niên của thôn, làng, bản, ấp trên địa bàn xã; chủ đề cuộc thi tập trung tìm hiểu các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013; kỹ năng tư vấn, trợ giúp, phổ biến pháp luật; diễn tiểu phẩm pháp luật lồng ghép với sinh hoạt văn hóa, văn nghệ;
- Xây dựng chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên (bao gồm các đề cương pháp luật, tin, bài viết) trên loa truyền thanh cơ sở của địa bàn điểm và thực hiện phát thanh theo định kỳ hàng tuần (ít nhất 02 lần/tuần);
c) Cung cấp, hỗ trợ các tài liệu cần thiết, báo cáo viên pháp luật, tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, hướng dẫn triển khai các hoạt động tại địa bàn chọn điểm cho thành viên nhóm, tổ nòng cốt, thành viên Câu lạc bộ.
Căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương, Bộ Tư pháp sẽ xem xét, hỗ trợ cung cấp các tài liệu cần thiết, hỗ trợ kinh phí để thực hiện một số hoạt động tại địa bàn điểm (Bộ Tư pháp có văn bản riêng thông báo định mức kinh phí hỗ trợ, ký kết hợp đồng với Sở Tư pháp để hướng dẫn nội dung thực hiện và thanh quyết toán kinh phí).
Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh Thái Bình, Nghệ An, Long An quan tâm, bố trí thêm nguồn lực, nhất là kinh phí để bảo đảm việc triển khai thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên tại địa bàn điểm đạt kết quả cao, tạo chuyển biến về chấp hành pháp luật trong thanh thiếu niên, phấn đấu trở thành mô hình, điểm sáng về phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn.
Trên đây là hướng dẫn thực hiện Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 – 2015 năm 2014. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề mới phát sinh hoặc vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương kịp thời phản ánh về Bộ Tư pháp (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) để hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời./.
Nơi nhận: | TM. BAN CHỈ ĐẠO ĐỀ ÁN |
DANH SÁCH ĐĂNG KÝ
ĐƠN VỊ CẤP XÃ ĐƯỢC CHỌN THÍ ĐIỂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
(ban hành kèm theo Công văn số: 1007/BCĐ-ĐA về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án năm 2014)
Stt | Tên đơn vị | Tiêu chí đăng ký | Số lượng thanh thiếu niên trên địa bàn | Mục tiêu phấn đấu |
1 | Xã:……………… (huyện:……………, tỉnh………………...) | - Xã đại diện đặc thù, theo vùng miền: □ - Xã có tỷ lệ thanh thiếu niên cao: □ - Xã thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: □ - Xã còn hạn chế về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên: □ | - Số lượng thanh niên (từ 16-30 tuổi):……… - Số lượng thiếu niên (từ 9-16 tuổi):……… - Số thanh thiếu niên (tự do cư trú, trường học, vi phạm pháp luật thuộc diện quản lý của xã):………………... | - Điểm sáng về phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên: □ - Xã có gương sáng thanh niên, thiếu niên chấp hành pháp luật: □ |
2 | Xã:………………… (huyện:……………, tỉnh………………...) | - Xã đại diện đặc thù, theo vùng miền: □ - Xã có tỷ lệ thanh thiếu niên cao: □ - Xã thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: □ - Xã còn hạn chế về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên: □ | - Số lượng thanh niên (từ 16-30 tuổi):……… - Số lượng thiếu niên (từ 9-16 tuổi):…… - Số thanh thiếu niên (tự do cư trú, trường học, vi phạm pháp luật thuộc diện quản lý của xã):………………... | - Điểm sáng về phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên: □ - Xã có gương sáng thanh niên, thiếu niên chấp hành pháp luật: □ |
[1]. Các địa phương đã có báo cáo sơ kết 02 năm thực hiện Đề án (Hải Dương, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bình Định, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đồng Nai, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An) gửi báo cáo bổ sung đánh giá các chỉ tiêu đạt được và kết quả thực hiện Đề án sau ngày ban hành báo cáo sơ kết đến ngày 30/6/2014.
[2]. Là 03 địa phương được Bộ Tư pháp chọn thực hiện thí điểm mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên theo Kế hoạch số 1006/KH-ĐA ngày 08/4/2014 của Ban chỉ đạo Đề án ở Trung ương.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.