BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 0960/TM-TCCB | Hà Nội, ngày 19 tháng 03 năm 2002 |
Kính gửi: | Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ |
Phúc đáp Công văn số 52/BTCCBCP-TCBC ngày 26/01/2002 của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ, chúng tôi xin báo cáo tình hình thực hiện mô hình tổ chức đa ngành, đa lĩnh vực của Bộ Thương mại thời gian qua theo các tiêu thức hướng dẫn của Quý Ban như sau:
Bộ Thương mại được thành lập từ năm 1990 trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ: Vật tư, Nội thương, Kinh tế đối ngoại. Sau 12 năm hoạt động, mô hình Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đang thực hiện là hợp lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập, cụ thể là:
1. Về quản lý nhà nước: Nghị định số 95/CP ngày 4/12/1993 của Chính phủ đã quy định Bộ Thương mại có chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động thương mại gồm xuất nhập khẩu, kinh doanh vật tư, hàng tiêu dùng, dịch vụ thương mại thuộc mọi thành phần kinh tế trong phạm vi cả nước kể cả hoạt động thương mại của các tổ chức và cá nhân Việt Nam ở nước ngoài và nước ngoài ở Việt Nam.
Theo quy định của Luật Thương mại được ban hành và có hiệu lực thi hành từ năm 1998, Bộ Thương mại được giao chức năng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về các hoạt động thương mại gồm 12 nội dung rất cụ thể. Căn cứ các nội dung này, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định quy định chi tiết hơn tạo điều kiện cho việc thực hiện Luật Thương mại. Nếu như Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Thương mại theo Luật Thương mại sớm được ban hành thay cho Nghị định số 95/CP, chắc hẳn hiệu quả hoạt động quản lý của Bộ Thương mại sẽ cao hơn hiện nay.
2. Về quản lý kinh doanh: hiện tại Bộ Thương mại được giao trực tiếp quản lý 71 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 2 tổng công ty 90. Các doanh nghiệp này hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như: kinh doanh trên thị trường trong nước, xuất nhập khẩu, khách sạn, du lịch, sản xuất, xây dựng, xúc tiến thương mại...
3. Về cơ cấu tổ chức: bộ máy quản lý hành chính nhà nước (gồm các vụ, cục) của Bộ Thương mại hiện nay là hợp lý. Riêng về vấn đề tổ chức và cơ chế hoạt động của Cục Quản lý chất lượng hàng hóa và đo lường, tổ chức và biên chế của hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài Bộ Thương mại đã có nhiều văn bản đề nghị nhưng chưa được đáp ứng nên hiệu quả quản lý còn bị hạn chế.
4. Về khía cạnh chỉ đạo điều hành của một bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực thì phương thức chỉ đạo, điều hành của Bộ Thương mại như hiện tại là hợp lý, đạt được nhiều tiến bộ so với trước đây:
- Kết hợp chặt chẽ giữa thị trường trong nước và thị trường ngoài nước, giữa kinh doanh trong nước và xuất nhập khẩu;
- Bộ máy tổ chức quản lý được điều chỉnh, sắp xếp lại và giảm được một số tổ chức có chức năng, nhiệm vụ trùng nhau;
- Giảm mạnh biên chế hành chính, tạo điều kiện đổi mới đội ngũ cán bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập.
5. Với quy định của luật pháp, cơ chế, chính sách chung của Nhà nước thì việc quản lý doanh nghiệp thuộc Bộ Thương mại như hiện nay đã từng bước tách bạch rõ hơn giữa chức năng quản lý hành chính nhà nước và chức năng quản lý sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc quy định quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan chủ quản doanh nghiệp như hiện nay là không hợp lý (Bộ chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trực thuộc nhưng không được quản lý vốn và tài sản của doanh nghiệp).
6. Việc tách giữa cơ quan hành chính công quyền và tổ chức sự nghiệp, giữa biên chế hành chính và biên chế sự nghiệp là hoàn toàn hợp lý. Cơ chế tài chính cho hoạt động của cơ quan hành chính nên căn cứ vào số biên chế được duyệt hàng năm, còn tài chính cho đơn vị sự nghiệp nên căn cứ vào khối lượng công việc được các đơn vị sử dụng ký hợp đồng thuê thực hiện.
7. Cơ chế phối hợp giữa các chuyên ngành, chuyên lĩnh vực trong nội bộ của Bộ Thương mại chặt chẽ và đồng bộ.
Nhưng cơ chế phối hợp giữa Bộ Thương mại và các Bộ, Ngành liên quan thời gian qua còn nhiều bất cập do một số quy định về phân công trách nhiệm chưa rõ ràng hoặc chưa phù hợp với sự thay đổi của thực tế quản lý, vướng mắc nhất hiện nay tập trung ở các công việc sau:
- Giữa Bộ Thương mại với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về công tác quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
- Giữa Bộ Thương mại và Bộ Văn hóa - Thông tin về công tác quản lý các hoạt động hội chợ, triển lãm, quảng cáo thương mại;
- Giữa Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao về công tác quản lý tổ chức và hoạt động của cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài;
8. Vấn đề phân công, phân cấp quản lý: trong những năm qua, Bộ Thương mại đã tích cực phân cấp, uỷ quyền quản lý cho các tỉnh nhiều nội dung:
- Cấp giấy chứng nhận đặt văn phòng đại diện doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài và của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
- Duyệt kế hoạch tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại địa phương.
- Uỷ quyền cho Ban Quản lý các khu công nghiệp quản lý hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động thương mại của các doanh nghiệp khu công nghiệp.
- Uỷ quyền cho Sở Thương mại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cấp hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang EU.
Việc phân cấp quản lý cho địa phương như trên đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm chi phí về thời gian và công sức trong việc làm các thủ tục hành chính, nhưng rất khó khăn cho Bộ Thương mại trong việc nắm bắt thông tin trực tiếp từ doanh nghiệp, tình hình thực hiện cấp các loại giấy phép, hạn ngạch...; giảm đáng kể tính năng động trong việc điều hành, phối hợp các hoạt động xuất nhập khẩu trong phạm vi cả nước.
9. Đánh giá chung:
a- Như trên chúng tôi đã đề cập, mô hình tổ chức của Bộ Thương mại hiện nay là hợp lý. Việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức Bộ Thương mại đã làm tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và tinh giảm biên chế của Nhà nước đề ra.
b- Nhằm giúp Bộ Thương mại thực hiện tốt hơn công nghiệp, nhiệm vụ được giao, chúng tôi đề nghị:
+ Chính phủ sớm có văn bản phân công giữa Bộ Thương mại và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Ngoại giao về các nội dung chúng tôi đã đề cập ở mục 7 nói trên theo quy định của Luật Thương mại.
+ Sớm ổn định tổ chức của Cục Quản lý chất lượng hàng hóa và đo lường theo hướng chuyển phần chức năng quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường và chất lượng cho Cục Quản lý chất lượng hàng hóa và đo lường thực hiện theo đúng quy định của Luật Thương mại.
Chúng tôi xin báo cáo ý kiến của mình theo các tiêu thức của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ để Ban tổng hợp./.
| T/L BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.