BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5485/TCHQ-TXNK |
Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2019 |
Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh Bình Dương.
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 1294/HQBD-TXNK ngày 30/05/2019 của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đề nghị hướng dẫn về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa đưa ra nước ngoài sửa chữa, kiểm tra chất lượng. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Trường hợp doanh nghiệp tạm xuất hàng hóa ra nước ngoài để sửa chữa và có phát sinh chi phí sửa chữa phải trả cho đối tác nước ngoài, sau đó tái nhập hàng hóa về Việt Nam:
Căn cứ điểm c, khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 thì hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế được miễn thuế nhập khẩu.
Căn cứ khoản 2 Điều 13 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ, thì hàng hóa tạm xuất, tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế quy định tại điểm c khoản 9 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải đảm bảo không làm thay đổi hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa tạm nhập, tái xuất và không tạo ra hàng hóa khác được miễn thuế nhập khẩu.
Căn cứ khoản 20 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính thì hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính thì “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam, bao gồm các trường hợp: sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế);” thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng.
Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 3 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 quy định: “c) Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu và tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu không phải nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu trong thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu” thuộc đối tượng không chịu thuế.
Căn cứ khoản 4 Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định: “Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng hóa đưa ra nước ngoài sửa chữa, khi nhập khẩu về Việt Nam thuộc đối tượng chịu thuế thì trị giá hải quan là chi phí thực trả để sửa chữa hàng hóa nhập khẩu phù hợp với các chứng từ liên quan đến việc sửa chữa hàng hóa”.
Căn cứ các quy định nêu trên:
a) Trường hợp hàng hóa tạm xuất để sửa chữa theo điều kiện bảo hành của hợp đồng mua bán, khi tái nhập, nếu kết quả kiểm tra của cơ quan hải quan xác định hàng hóa tái nhập của doanh nghiệp đúng là hàng hóa đã tạm xuất và việc sửa chữa đảm bảo không làm thay đổi hình dáng, công dụng, đặc tính cơ bản của hàng hóa tạm xuất, không tạo ra hàng hóa khác thì được miễn thuế nhập khẩu, không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.
b) Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa để phục vụ sản xuất, sau một thời gian sử dụng bị hư hỏng phải tạm xuất khẩu ra nước ngoài để sửa chữa không theo điều kiện bảo hành của hợp đồng hoặc đã quá thời hạn bảo hành của hợp đồng, sau đó tái nhập khẩu về Việt Nam và có phát sinh khoản phí sửa chữa phải trả cho đối tác nước ngoài thì:
Trong thời gian tạm xuất, nếu hàng hóa được sửa chữa, thay thế vật tư, linh kiện, phụ tùng, khi tái nhập phải kê khai, nộp đủ các loại thuế đối với vật tư, linh kiện, phụ tùng thay thế, không kê khai tính thuế GTGT đối với tiền công, phí gia công sửa chữa ở nước ngoài (hàng hóa tách riêng được chi phí nhân công sửa chữa với chi phí thay thế vật tư, linh kiện, phụ tùng thì trị giá hải quan là chi phí thay thế vật tư, linh kiện, phụ tùng, không bao gồm chi phí sửa chữa hoặc nhân công).
Trường hợp chứng từ liên quan đến việc sửa chữa không tách riêng được chi phí nhân công, sửa chữa với chi phí thay thế vật tư, linh kiện, phụ tùng thì trị giá hải quan là giá thực thanh toán mà người mua phải trả người bán theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.
Trường hợp cơ quan hải quan xác định hàng hóa tái nhập của doanh nghiệp không phải là hàng hóa đã tạm xuất trước đây thì doanh nghiệp bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Trường hợp doanh nghiệp đưa hàng hóa ra nước ngoài để kiểm tra chất lượng
a) Về thuế nhập khẩu:
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định: “Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam” thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Căn cứ điểm a khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm xuất, tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định thuộc đối tượng được miễn thuế.
Căn cứ quy định nêu trên, đối chiếu với hàng hóa của công ty là hàng hóa tạm xuất đưa ra nước ngoài để giám định sau đó tái nhập, nếu kết quả kiểm tra của cơ quan hải quan xác định hàng hóa tái nhập đúng là hàng hóa tạm xuất trước đây thì được miễn thuế nhập khẩu.
b) Về thuế GTGT:
Căn cứ khoản 20 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính thì hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Tổng cục Hải quan trả lời để Cục Hải quan tỉnh Bình Dương biết và thực hiện./.
|
TL. TỔNG CỤC
TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.