TỔNG
CỤC ĐỊA CHÍNH |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 186/TTr |
Hà Nội, ngày 18 tháng 2 năm 1997 |
CÔNG VĂN
CỦA TỔNG CỤC ĐỊA CHÍNH SỐ 186/TTG NGÀY 18 THÁNG 2 NĂM 1997 VỀ CÔNG TÁC THANH TRA PHÁP CHẾ
Kính gửi: Giám đốc Sở Địa chính các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại Hội nghị ngành địa chính toán quốc tháng 1 năm 1997 đã sơ kết 3 năm thi hành Luật đất đai nhằm đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, từ đó đề ra kế hoạch, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý và sử dụng đất đai.
Sau 3 năm thi hành, luật đất đai đã có tác dụng tích cực giải quyết kịp thời được nhiều vấn đề thiết thực trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, góp phần đáng kể vào việc ổn định và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn thấp so với yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, nguyên nhân chủ yếu là do việc tổ chức thực hiện luật, có nơi, có lúc, có việc chưa tốt, mặc khác Pháp luật đất đai cũng còn thiếu những quy định để giải quyết những vấn đề cụ thể mà cuộc sống đang đặt ra.
Khắc phục những vấn đề nói trên có liên quan rất chặt chẽ đến công tác của ngành địa chính trong năm 1997, cũng như những năm tới. Riêng đối với công tác thanh tra, pháp chế thì những tồn tại nổi lên cần được khắc phục là:
- Việc giải quyết đơn thư khiếu tố về đất đai còn bất cập, đơn chuyển "vòng vèo", trách nhiệm giải quyết của các cơ quan không rõ ràng, hiệu lực thấp, thường kéo dài, nhiều vụ xử lý không dứt điểm làm cho đương sự chờ đợi, đơn gửi vượt cấp về các cơ quan Trung ương có chiều hướng tăng.
- Vấn đề đang làm nhiều người lo ngại là xung quanh việc: xử lý đối với một số trường hợp đòi lại "đất cũ", "đất ông cha"; việc bồi thường thiệt hại cho người có đất bị thu hồi và việc bảo đảm cho họ tái tạo được cuộc sống.
- Một số nơi do buông lỏng quản lý trong lĩnh vực giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên đã dẫn đến một số nông dân không còn ruộng đất sản xuất, một số người lợi dụng trong việc chuyển dịch đất đai để làm giàu, thu lợi bất chính, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.
- Việc ban hành các văn bản pháp quy để thực hiện Luật đất đai ở các địa phương chưa đồng bộ, nhiều văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo lẫn nhau.
Để khắc phục một bước những tồn tại nói trên, Tổng cục yêu cầu Giám đốc Sở Địa chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt một số việc sau đây:
1. Đối với việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và tiếp dân:
- Trước hết phải phân loại đơn để xác định rõ về thẩm quyền giải quyết của từng cấp, trên cơ sở các quy định của Pháp luật đất đai và Pháp luật khiếu nại tố cáo từ đó bảo đảm đúng trình tự tố tụng, đúng chức trách giải quyết theo luật định.
- Xem xét tính hợp pháp của các hồ sơ khiếu nại, tố cáo, các tài liệu, giấy tờ hồ sơ này nếu là bản phô tô thì phải có Công chứng, những nơi không có Công chứng thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi đương sự cư trú.
Quan điểm xử lý phải xuất phát từ nguyên tắc cơ bản là "đất đai thuộc sở hữu toàn dân", "Nhà nước thống nhất quản lý đối với đất đai". Vận dụng các quy định của Pháp luật để xử lý, trên cơ sở bảo vệ được thành quả Cách mạng, bảo đảm công bằng xã hội, ổn định chính trị, xã hội, sản xuất; xử lý từng trường hợp cụ thể phải đặt trong mối quan hệ chung với các trường hợp khác trong địa bàn trên cơ sở bảo đảm đúng hướng xử lý theo luật định, hạn chế việc gây "phản ứng dây chuyền", "đẻ số" gây bất lợi cho công tác quản lý đất đai nói chung.
- Về việc tiếp dân: Các Sở phải bố trí phòng tiếp dân và cử cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt để làm công tác này. Phòng tiếp dân cần có nội quy tiếp và lịch tiếp dân cụ thể để tránh tình trạng dân phải đi lại nhiều lần.
2. Giải quyết tranh chấp đất đai
Khi giải quyết các cạnh tranh chấp đất đai trước hết cần phân rõ các loại như: tranh chấp về quyền sử dụng đất (mà 2 bên đều đã có giấy tờ quyền sử dụng đất); tranh chấp tài sản gắn liền với việc sự dụng đất đó; tranh chấp quyền sử dụng đất có liên quan đến địa giới hành chính. Trong các tranh chấp nói trên cần phải làm rõ đối tượng, phạm vi, tính chất tranh chấp để xác định thẩm quyền giải quyết theo quy định tại các Điều 38, 39, 40 của Luật đất đai.
Trong quá trình xử lý cần có sự kết hợp, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan để tạo sự thống nhất về quan điểm xử lý (trước hết là những vụ việc có những tình tiết phức tạp) khi có những ý kiến khác nhau thì cần thể hiện rõ bằng văn bản để cơ quan có thẩm quyền cân nhắc quyết định. Nếu quyết định đó không phù hợp với quy định của pháp luật thì Giám đốc sở báo cáo rõ để Tổng cục có ý kiến với địa phương hoặc xử lý tiếp theo thẩm quyền.
3. Đối với những đơn thư đòi lại đất mà Nhà nước đã giao cho người khác sử dụng thì khi xử lý phải quán triệt đầy đủ nội dung quy định của Luật đất đai (cụ thể là khoản 2, 3 Điều 2) quan điểm xử lý trước hết là phải bảo đảm quyền lợi và yêu cầu chính đáng của người đang trực tiếp sử dụng đất đó.
4. Giúp chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ việc chuyển quyền sử dụng đất theo đúng quy định của Luật đất đai: đối với hộ gia đình, cá nhân theo đúng quy định tại các Điều 74, 75, 76, 77, 78; đối với tổ chức trong nước phải theo đúng quy định tại Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuế đất và Nghị định 85/CP ngày 17/12/1996 của Chính phủ.
Để bảo đảm cho nông dân có đất để sản xuất, việc cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp chỉ được tiến hành trong các trường hợp: người sử dụng chuyển đi nơi khác, chuyển sang làm ngành nghề khác hoặc không còn khả năng trực tiếp lao động.
5. Việc thu hồi đất phải bảo đảm đúng thẩm quyền và theo quy hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trước khi thu hồi phải có phương án thật cụ thể về đền bù thiệt hại cho người có đất bị thu hồi và trong trường hợp phải di chuyển chỗ ở thì phải tổ chức thật tốt việc tái định cư và tạo lập cuộc sống cho họ. Chỉ sau khi đã thực hiện tốt các công việc nói trên và đã làm công tác vận động giáo dục thuyết phục nhưng không có hiệu quả thì mới đặt vấn đề cưỡng chế bằng biện pháp hành chính. Việc cưỡng chế cũng phải bảo đảm đúng trình tự pháp luật quy định.
6. Khi Tổng cục có yêu cầu Sở Địa chính báo cáo về những thông tin cần thiết để xử lý những đơn thư khiếu tố mà đương sự gửi về Tổng cục theo thẩm quyền đã được phân cấp, thì Sở phải báo cáo thật rõ theo nội dung và thời gian mà Tổng cục yêu cầu, đồng thời nói rõ quan điểm của mình về việc xử lý vụ việc đó.
7. Các Sở Địa chính phải báo cáo kịp thời, chính xác về Tổng cục những vụ tranh chấp đất đai có tính chất gay gắt gây xung đột bằng vũ lực đã xảy ra ở địa phương mình.
8. Hệ thống hoá và rà soát lại các văn bản mà địa phương đã ban hành về quản lý và sử dụng đất hoặc có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất, trên cơ sở đó đề nghị cơ quan có thẩm quyền huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản cho phù hợp với quy định chung của Nhà nước về quản lý và sử dụng đất đai.
Trên đây là một số vấn đề nổi lên chủ yếu qua việc thực hiện Luật đất đai có liên quan đến công tác thanh tra, pháp chế mà Tổng cục thấy các Sở Địa chính cần phải lưu ý. Trong quá trình thực hiện nếu có gì trở ngại, yêu cầu các Sở phản ánh kịp thời để Tổng cục có biện pháp khắc phục trong công tác chỉ đạo.
|
Bùi Xuân Sơn (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.